Vết bỏng đã tróc mài nhưng bên trong vẫn còn dịch mủ thì phải làm sao?
Chào Bác sĩ!
Tôi bị bỏng bô được 2 tuần, vô tình làm vỡ bọng nước sau 2 đến 3 ngày bị bỏng. Do đi học, thường tiếp xúc với bụi, bác sĩ ở quân y bảo tôi bị nhiễm trùng, có mủ vàng trong, xung quanh đỏ ửng lên, đau nhức. Tôi có rửa thuốc povidine, uống thuốc ampicilin 500mg trong 5 ngày thì thấy khô mài, không đau nhức nhưng vẫn còn ửng đỏ, sưng tấy. Sau đó 2 ngày, bạn tôi vô tình đụng vào vết thương và nó bị rách 1 lỗ nhỏ. Bắt đầu nó xịt mủ trở lại, mài bị bong ra, vẫn ửng đỏ và sưng. Tôi phải làm sao với vết bỏng này?
Cảm ơn Bác sĩ!
Để giúp độc giả giải đáp thắc mắc, Bác sĩ Hà Văn Chấn trả lời như sau:
Theo những gì bạn mô tả, nhiều khả năng là bạn đã bị nhiễm trùng vết bỏng bô, còn hiện tượng sưng tấy vùng xung quanh vết thương là do ứ dịch ngoại bào. Khi bị bỏng, lớp da sẽ trầy, loét nên mất đi hàng rào bảo vệ cơ thể, làm cho vi khuẩn thường trú trên da người bệnh và môi trường dễ dàng thâm nhập vào sâu cơ thể qua vết hở đó. Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thường là bên dưới lớp vẩy của vết bỏng hoặc toàn thân. Trong đó Streptococcus và Staphylococcus là mầm bệnh chính gây nhiễm khuẩn vết bỏng trước khi có kháng sinh và hiện nay vẫn còn là bệnh quan trọng. Các loại khác như: P. aeruginosa, Pseudomonas, nấm nhất là candida albicans, Aspergillus spp, virus herpes simplex... cũng là tác nhân gây nhiễm khuẩn vết bỏng.
Mức độ nhiễm khuẩn thường liên quan tới vị trí và độ sâu của vết bỏng. Những vết bỏng càng nặng, diện tích càng rộng sẽ gây tổn thương cho hệ miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể, tạo nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.
Dấu hiệu của nhiễm khuẩn vết bỏng
- Sự thay đổi độ dày, từ một vết bỏng dày từng phần sang thành dày toàn bộ.
- Thay đổi màu sắc: vết thương xuất hiện màu nâu tối hay chuyển màu đen, tại mô bình thường ở bờ vết thương xuất hiện màu đỏ mới hoặc phù nề, cũng có thể nhìn thấy màu xanh sâu trong lớp mỡ dưới da.
- Biến đổi thân nhiệt, giảm huyết áp, tim đập nhanh, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và suy thận... (Nhưng cần chú ý rằng: có khi thân nhiệt thay đổi là do rối loạn chức năng điều hòa nhiệt độ, tim đập nhanh và tăng thông khí là vì thay đổi chuyển hóa do bỏng nặng chứ không phải là các dấu hiệu của nhiễm khuẩn).
Điều trị vết bỏng như thế nào?
- Khâu, làm lành vết thương là mục tiêu chủ yếu của điều trị. Thực hiện cắt lọc sớm, cắt lọc rộng tổ chức bị bỏng nhằm loại bỏ mô bị hoại tử và khâu, ghép da khi diện tích tổn thương rộng .
- Dùng kháng sinh tại chỗ như: thuốc mỡ sulfadiazin, mafenid acetat, nitrat bạc, có tác dụng giảm đáng kể số lượng vi khuẩn tại vết thương và làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết bỏng. Nếu chẩn đoán nhiễm khuẩn đã xâm nhập vào vết thương, nên sử dụng thuốc mỡ mafenid acetat bôi tại chỗ, kết hợp phương pháp nhỏ giọt trực tiếp một loại kháng sinh (như piperacillin) phía bên dưới tổ chức hoại tử để xâm nhập vào trong vết thương có tác dụng tốt giúp cho điều trị ngoại khoa và điều trị kháng sinh toàn thân. Vì vậy, muốn tránh những hậu quả xấu cho tương lai thì bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện chuyên khoa bỏng ngay để nhận được phác đồ điều trị kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình.
Vô tình làm tróc mài khiến vết thương ướt và đỏ ửng thì điều trị thế nào?
- Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch Providine 10% (nước chứa Iot). Ngày rửa vết thương thay băng 1 lần. Không được rửa bằng nước oxy già, thuốc đỏ hoặc cồn y tế vì có thể gây chết mô hạt, để lại sẹo xấu. Nước oxy già thường được dùng để cầm máu cho vết thương nhẹ.
- Thoa thuốc kháng khuẩn lên vết thương. Dầu mù u có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, làm lành vết thương và lành sẹo nữa nên có thể được dùng trong cả giai đoạn đầu lẫn về sau.
- Toàn thân có thể dùng một đợt kháng sinh phổ rộng.
Vết thương nếu điều trị tốt sẽ mau lành .Thời gian lành vết thương là khoảng 4-5 tuần.
Chúc sức khỏe!