Ung thư và những hiểu lầm 'chết người'
Bênh ung thư được xem là căn bệnh đáng sợ và nguy hiểm nhất hiện nay. Bên cạnh đó còn có nhiều hiểu lầm tai hại về bệnh ung thư có thể dẫn tới 'chết người'.
Ung thư và những hiểu lầm 'chết người'
Ung thư được xem là căn bệnh đáng sợ và nguy hiểm nhất hiện nay. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đúng về căn bệnh này, bên cạnh đó còn có nhiều hiểu lầm tai hại về ung thư có thể dẫn tới 'chết người'.
Cùng tìm hiểu về một số hiểu lầm phổ biến nhất về bệnh ung thư:
Người bệnh ung thư nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
Hầu hết mọi người đều cho rằng, người bệnh ung th nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, mặc dù nghỉ ngơi là điều cần thiết để giữ gìn sức khỏe, nhưng đối với bệnh nhân ung thư, nằm nhiều một chỗ, có thể dẫn tới mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu và trầm cảm.
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên rằng, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, ngồi thiền, vv..., tùy theo tình trạng sức khỏe để giúp tăng cường sức khỏe và giảm trầm cảm, stress.
Ai bị ung thư cũng rụng tóc, và gầy yếu
Theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, tác dụng phụ thường gặp nhất của hóa trị, xạ trị ung thư là gây rụng tóc, buồn nôn, vv... khiến cơ thể gầy yếu. Tuy nhiên, tác dụng phụ này có hay không, nhiều hay ít phụ thuộc vào loại thuốc sử dụng, và sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, không phải ai cũng gặp tác dụng phụ này.
Theo bà Dương Thị Vũ Hà, 63 tuổi, đang điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Thu Cúc, chia sẻ: “Trước khi bác vào đây, cũng có nghe nói truyền hóa chất sẽ rụng hết tóc, loét miệng, giảm cân, vv... nhưng chỉ có đợt đầu truyền, bác thấy hơi mệt một chút. Sau đó, các bác sĩ cũng hướng dẫn cách ăn uống, nghỉ ngơi nên còn tăng cân và không hề bị rụng tóc”.
Ung thư là bệnh di truyền nên không thể ngăn chặn được
Đây là một trong những hiểu lầm phổ biến nhất. Tuy nhiên sự thật là, chỉ có 5-10% trường hợp ung thư là do đột biến gen di truyền. Những gia đình có người thân bị ung thư, có thể có nhiều thành viên cùng phát triển một loại bệnh hoặc những bệnh khác nhau liên quan đến một gen nhất định. Còn lại 90-95% trường hợp ung thư là do đột biến gen xảy ra trong cuộc đời con người là kết quả của tuổi tác - sự lão hóa tự nhiên và các yếu tố môi trường như khói thuốc lá và bức xạ, các hóa chất độc hại, vv...
Theo các bác sĩ Khoa Ung bướu, mặc dù ung thư không di truyền, nhưng gen đột biến gây ung thư (chẳng hạn gen BRCA1 và BRCA 2 làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng) có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái, hoặc một số điều kiện bệnh di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, những người có người thân (trong gia đình nội, ngoại) nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tầm soát phát hiện sớm ung thư. Đối với một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng, tầm soát phát hiện sớm ung thư còn giúp phát hiện những tổn thương, tiền ung thư và điều trị thành công 100%, ngăn ngừa ung thư hình thành.
Hiện nay, nhiều bệnh viện cung cấp các gói khám tầm soát ung thư nhằm phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư, hoặc những người trên 40 tuổi nên tới bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, đánh giá yếu tố nguy cơ và chỉ định các xét nghiệm cần thiết.
Ung thư thường dẫn tới tử vong và không thể chữa khỏi
Nhiều người cho rằng ung th không thể chữa khỏi, do vậy họ từ chối điều trị và bỏ lỡ cơ hội điều trị. Tuy nhiên, sự thật là tỷ lệ tử vong do ung thư đã giảm dần theo các năm, có nghĩa là tỷ lệ sống và cơ hội chữa khỏi bệnh trong những năm gần đây ngày càng cải thiện.
Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với các bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung, vv....đã vượt trên 90%. Điều này cho thấy rằng, sự kết hợp của các loại thuốc và phương pháp điều trị đã tăng đáng kể cơ hội sống cho người bệnh ung thư, hoặc ít nhất là kéo dài sự sống, giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân.
Nguồn: Dân Trí