Ung thư nội mạc tử cung: Ai dễ mắc? Điều trị thế nào?
Hiện nay ung thư nội mạc tử cung đứng thứ 6 trong các loại ung thư ở nữ giới và đứng thứ hai trong ung thư phụ khoa. Mặc dù tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung rất cao, tuy nhiên không ít chị em vẫn chưa biết đến căn bệnh này. Bài viết sau đây sẽ giúp chị em trang bị những kiến thức về ung thư nội mạc tử cung nhé.
Ung thư nội mạc tử cung: Ai dễ mắc? Điều trị thế nào?
Nội mạc tử cung là gì?
Tử cung (còn gọi là dạ con) là một bộ phận của hệ thống sinh dục nữ. Tử cung là một cơ quan rỗng hình quả lê, chức năng nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc bao phủ trên bề mặt của buồng tử cung, ngăn cách với lớp cơ tử cung. Lớp niêm mạc này chịu tác dụng của estrogen trong chu kì kinh nguyệt của nữ giới. Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, hàng tháng, lớp nội mạc tử cung này sẽ dầy lên để chuẩn bị sẵn sàng đón nhận trứng đã được thụ thai về làm tổ. Nếu quá trình thụ thai không diễn ra, lớp nội mạc tử cung sẽ bong lên và được đẩy ra ngoài tạo nên hiện tượng kinh nguyệt.
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là ung thư phát sinh từ nội mạc tử cung. Theo thống kê năm 2012, ung thư nội mạc tử cung xảy ra với 320.000 phụ nữ và dẫn đến 76.000 ca tử vong. Do đó, căn bệnh này trở thành nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong do bệnh ung thư ở phụ nữ, chỉ sau buồng trứng và ung thư cổ tử cung.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư nội mạc tử cung
Khoa học hiện nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên đây không phải là bệnh lây truyền từ người này sang người khác. Một số yếu tố có khả năng là yếu tố nguy cơ của ung thư nội mạc tử cung:
- Tuổi tác: ung thư nội mạc tử cung hầu hết xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh, người trên 50 tuổi (90%).
- Quá sản nội mạc tử cung.
- Điều trị nội tiết tố thay thế liều cao trong thời gian dài để chống loãng xương, điều chỉnh các rối loạn do mãn kinh, phòng một số bệnh tim mạch.
- Sử dụng estrogen riêng lẻ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Mặc khác dùng cả estrogen và progesterone phối hợp, giống như trong đa số các loại thuốc tránh thai, lại làm giảm nguy cơ.
- Thừa cân, béo phì: quá trình tổng hợp estrogen diễn ra một phần tại tổ chức mỡ do đó người thừa cân sẽ có hàm lượng estrogen cao, đó là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, người mắc bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Yếu tố di truyền: gia đình có người ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
- Tamoxifen: dùng để ngừa hay điều trị ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên lợi ích của tamoxifen lớn hơn nhiều so với nguy cơ nên vẫn được chỉ định trong điều trị ung thư vú. Người bệnh nên theo dõi cẩn thận khi sử dụng.
- Chủng tộc da trắng có xu hướng mắc ung thư nội mạc tử cung nhiều hơn da màu.
- Rối loạn phóng noãn, hội chứng buồng trứng đa nang, dậy thì sớm, mãn kinh muộn
- Không sinh con hoặc sinh ít.
Triệu chứng
- Rong huyết: là dấu hiệu chính của ung thư nội mạc tử cung. Một quy tắc cổ điển trong phụ khoa là: “tất cả những người đã thực sự mãn kinh, sự xuất huyết làm ta nghĩ ngay đến ung thư ở thân tử cung nếu cổ tử cung bình thường”. Máu có thể ra tự nhiên hay do kích thích. Xuất huyết do ung thư nội mạc tử cung khó phân biệt với những xuất huyết bất thường do sự rối loạn về nội tiết ở những phụ nữ tiền mãn kinh. Ở những phụ nữ đã mãn kinh, khoảng 33% xuất huyết do ung thư nội mạc tử cung, 33% do nguyên nhân lành tính và 33% do nguyên nhân không thể xác định được. Ra máu âm đạo bất thường, lúc đầu dưới dạng loãng có những vệt máu sau đó số lượng máu sẽ tăng dần.
- Ra khí hư lẫn máu mủ: thời kỳ đầu có thể ra dịch trong, sau đó nhiễm khuẩn khí hư nặng mùi, có thể lẫn máu.
- Đau: là triệu chứng ít gặp hơn nhưng cũng có thể xảy ra. Đau do tử cung co bóp để dịch hoặc máu ứ đọng ra ngoài, đau từng cơn, đau bụng dưới hoặc ngang thắt lưng. Khi ung thư lan tràn xâm lấn vào các cơ quan lân cận, bệnh nhân sẽ đau nhiều hơn và mang tính liên tục. Lúc này có thể xảy ra rối loạn về đại, tiểu tiện. Đau khi giao hợp.
Điều trị ung thư nội mạc tử cung
- Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính và cổ điển. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng và vòi trứng hai bên. Song song với việc lấy đi các hạch bạch huyết để kiểm tra xem ung thư đã lan đến hạch hay chưa. Nếu bệnh chỉ giới hạn ở lớp nội mạc tử cung thì không cần điều trị gì nữa. Ở giai đoạn muộn hơn: phẫu thuật được lựa chọn tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân cũng như lợi ích của phương pháp điều trị đem lại.
- Tia xạ: là phương pháp sử dụng các chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ được dùng như một liệu pháp bổ trợ với phẫu thuật.
- Với những ung thư tại chỗ: phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ là đủ.
- Với các giai đoạn sau: có thể xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật.
- Với giai đoạn muộn, xạ trị chỉ mang tính chất vớt vát.
Xạ trị thường làm đỏ và khô da, rụng lông vùng chiếu xạ, mệt mỏi. Biểu hiện khô và kích thích nóng rát âm đạo có thể xảy ra. Xạ trị có thể dùng xạ ngoài hay xạ trong.
- Xạ ngoài: máy phát tia xạ ở ngoài cơ thể, chiếu tia vào vùng điều trị 5 ngày mỗi tuần trong vòng vài tháng, điều trị ngoại trú không cần nằm viện.
- Xạ trong: một ống nhỏ chứa chất phóng xạ được đưa vào âm đạo và lưu giữ ở đó vài ngày, lúc này cần nằm viện và hạn chế sự thăm viếng.
- Điều trị hóa chất và nội tiết: dùng các thuốc để ngăn chặn các tế bào ung thư tiếp xúc với các nội tiết tố mà chúng cần để phát triển. Chỉ định khi bệnh nhân không thể phẫu thuật, đã di căn hoặc bị tái phát. Thuốc sử dụng là progesteron dạng viên. Phương pháp này gây ra biểu hiện ứ nước, tăng cảm giác ăn ngon, tăng cân.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được đảm bảo dinh dưỡng và sự quan tâm chăm sóc của người thân để đạt hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm:
- Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
- Lạc nội mạc tử cung: Nỗi lo lắng thường trực của nữ giới