Ung thư bàng quang: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư bàng quang là loại ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư đường tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nam giới từ 40 -70 tuổi. Cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé.

Ung thư bàng quang: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị Ung thư bàng quang: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư bàng quang là loại ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư đường tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nam giới từ 40 -70 tuổi.

Một bướu ở bàng quang có thể là lành tính hoặc ác tính. Tuy nhiên, đa phần các bướu này thường có khuynh hướng trở thành ác tính và đây là bệnh rất hay tái phát sau khi điều trị. Do đó bệnh nhân ung thư bàng quang cần được phải được phát hiện sớm, điều trị sớm và tích cực thì tiên lượng mới tốt. Cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé.

Ung thư bàng quang là gì?

Ung thư bàng quang hay còn gọi là ung thư bọng đái là bệnh mà có sự xuất hiện một khối bướu ác tính trong bàng quang. Một cơ quan hình cầu nằm trong vùng chậu, có nhiệm vụ chứa nước tiểu . Bướu thường xuất hiện ở lớp niêm mạc bàng quang và có khả năng phát triển sâu vào lớp cơ của bàng quang và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Đây là loại ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư đường tiết niệu. Trung bình có khoảng 10.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư bàng quang mỗi năm. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới trung niên từ 40 -70 tuổi .

Đây là bệnh rất hay tái phát. Tỉ lệ tái phát khoảng 52-73% trong 3-15 năm, do đó bệnh nhân ung thư bàng quang cần phải được theo dõi suốt đời.

Tại sao bị ung thư bàng quang?

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây được cho là có nhiều nguy cơ trong việc hình thành căn bệnh này.

Khói thuốc lá

vicare.vn-ung-thu-bang-quang-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-body-1

Thuốc lá được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bàng quang ở người. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh gấp 2-5 lần so với người không hút thuốc.

Nghề nghiệp

Một số hợp chất Amin thơm, đặc biệt là chất 2- Naphthylamine và Benzidine đã được chứng minh là những tác nhân gây ung thư bàng quang sau một thời gian dài tiếp xúc.

Những chất này thường gặp trong các ngành nghề như: nhuộm, cao su, thuộc da, sơn, hoá chất, ... Các chất này có thể vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc qua da. Từ đó sẽ theo đường máu tới gan và được bài tiết qua thận và xuống bàng quang. Tại đây các chất này sẽ được phân giải và chuyển hóa để phóng thích ra ortho phenol, đây là chất có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển sau khi được hấp thụ qua niêm mạc bàng quang.

Thức ăn & uống

  • Cà phê: Được xem là một chất có thể gây ung thư bàng quang
  • Đường saccharin và nước uống có chlor: một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng các chất này có nguy cơ gây ung thư bàng quang lên gấp 1.6 đến 2.0 lần.
  • Thức ăn: thức ăn chứa nhiều mỡ và cholesterol có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Thuốc

Người ta thấy ở những người sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa phenacetin dễ có nguy cơ bị ung thư bàng quang. Cyclophosphamide cũng có thể gây bệnh này.

Ký sinh trùng và các bệnh mạn tính

Nhiều tác giả đã chứng minh ký sinh trùng Schistosoma haematobium là một tác nhân làm tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng cao.

Tình trạng viêm, nhiễm trùng ở bàng quang kéo dài được cho là có liên quan đến sự hình thành ung thư bàng quang.

Độ tuổi

Nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng dần theo tuổi, hiếm khi mắc bệnh dưới 40 tuổi.

Tiền sử gia đình

Nguy cơ tăng ở những người có người thân bị ung thư bàng quang.

Làm thế nào phát hiện bệnh?

Khi có các triệu chứng sau, bạn nên đi khám bác sĩ:

  • Tiểu ra máu: Là triệu chứng phổ biến nhất (90 - 95%). Có thể tiểu máu toàn dòng hoặc cuối dòng. Tiểu ra máu không đau và có thể có máu cục kèm theo, thường tiểu ra máu tái đi tái lại. Đôi khi có thể tiểu ra máu bầm đen và mô bướu hoại tử tạo mùi rất khó chịu. Đây là triệu chứng khá điển hình của ung thư bàng quang nhưng thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn nặng.
  • Cảm giác khó chịu khi tiểu tiện: Thường xuất hiện khi có tình trạng viêm nhiễm kèm theo, bệnh nhân có thể tiểu buốt, tiểu gắt. Tiểu khó, tiểu lắt nhắt thường gặp người cao tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến.
  • Triệu chứng khác:

Đau vùng hông lưng: Trường hợp bướu tiến triển, lớn dần gây chèn ép niệu quản

Phù chi dưới, sụt cân, đau bụng hoặc đau xương

Ung thư bàng quang có mấy giai đoạn?

vicare.vn-ung-thu-bang-quang-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-body-2

Có rất nhiều cách phân giai đoạn ung thư bàng quang. Nhìn chung, bệnh được phân làm 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn I. Bướu chỉ khu trú trong niêm mạc lót bên trong của bàng quang, nhưng chưa xâm lấn lớp cơ thành bàng quang.
  • Giai đoạn II. Bướu xâm nhập vào lớp cơ thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn trong bàng quang.
  • Giai đoạn III. Các tế bào ung thư đã lan ra khỏi hành bàng quang và xâm nhập mô xung quanh. Nó cũng có thể đã lan đến tuyến tiền liệt ở nam , tử cung hoặc âm đạo ở phụ nữ.
  • Giai đoạn IV: Tế bào ung thư di căn xa đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác như phổi, xương hoặc gan.

Các bác sĩ sẽ làm gì để phát hiện bệnh

Ngoài các xét nghiệm thông thường về nước tiểu và máu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, thiếu máu, chức năng thận. Các xét nghiệm có thể góp phần chẩn đoán bệnh ung thư bàng quang:

Xét nghiệm nước tiểu tìm tế bào

Xét nghiệm này có độ chính xác cao (95%) trong chẩn đoán ung thư có độ biệt hoá cao và ung thư tại chỗ.

Siêu âm

Siêu âm bụng hoặc siêu âm qua ngã trực tràng giúp các bác sĩ có thể thấy rõ hình ảnh khối bướu và có thể phần nào đánh giá độ xâm lấn của bướu vào thành bàng quang.

X quang

Chụp X quang hệ niệu cản quang (UIV) hoặc chụp bàng quang với thuốc cản quang có thể phát hiện hình ảnh khối bướu.

Ngoài ra phương pháp này còn giúp các bác sĩ có thể kiểm tra hình ảnh thận, niệu quản để có thể phát hiện có bướu ở thận hoặc niệu quản đi kèm hay không. Trường hợp này nếu có thì bướu bàng quang có thể là bướu thứ phát di căn từ thận.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner)

Cho phép phát hiện được khối bướu dù kích thước nhỏ và các hạch di căn của khối bướu ở xung quanh bàng quang.

Soi bàng quang và sinh thiết

Đây là một thủ thuật quan trọng giúp chẩn đoán chính xác ung thư bàng quang. Thủ thuật này phải được thực hiện trong điều kiện vô khuẩn và thận trọng. Qua nội soi bác sĩ có thể sinh thiết bướu để có thể xác định bướu lành hay ác tính.

Ung thư bàng quang điều trị như thế nào?

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi. Bệnh có các phương pháp điều trị sau:

Phẫu thuật

Đây là một phương pháp điều trị phổ biến. Việc quyết định loại phẫu thuật nào phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ của khối bướu.

  • Phẫu thuật cắt, đốt u bàng quang qua niệu đạo: phương pháp này thường dùng để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm (bướu còn nằm nông) . Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường phải sử dụng thêm hóa chất hoặc liệu pháp sinh học miễn dịch do bệnh thường có khả năng tái phát.
  • Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang toàn phần: Đây là phương pháp thường được sử dụng nhất đối với giai đoạn ung thư xâm lấn. phẫu thuật bao gồm: cắt bỏ toàn bộ bàng quan kèm hạch xung quanh, cắt một phần niệu đạo, tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh ở nam giới . Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.

Thủ thuật cắt bỏ bàng quang bán phần: Phương pháp này thường được chỉ định khi trong trường hợp ung thư độ biệt hóa thấp và chỉ xâm lấn khu trú 1 vùng ở thành bàng quang

Điều trị bằng tia xạ

Xạ trị có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối bướu. Hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại mà mắt thường không nhìn thấy được. Đôi khi, bệnh nhân có thể được điều trị xạ trị khi không còn khả năng phẫu thuật.

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân.

Liệu pháp sinh học miễn dịch

Đây là phương pháp sử dụng khả năng tự nhiên của cơ thể thông qua hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Liệu pháp này sử dụng một loại vi khuẩn miễn dịch có tên Bacille Calmette - Guerin (BCG). Đây là loại vi khuẩn sử dụng trong các vắc-xin lao. BCG có thể gây kích thích bàng quang và gây tiểu máu. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi giống như bị cúm sau khi điều trị với BCG.

Phương pháp này thường được sử dụng sau khi cắt, đốt ung thư bàng quang qua niệu đạo đối với trường hợp bướu còn nằm nông chưa xâm lấn lớp cơ bàng quang để ngăn ngừa ung thư tái phát.

Kết luận

Ung thư bàng quang là một loại ung thư hệ tiết niệu thường gặp. Bệnh thường diễn tiến ác tính và có khả năng điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên bệnh cũng có khả năng tái phát trở lại. do đó bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư bàng quang để được tư vấn và điều trị tốt nhất nhé.

Xem thêm:

  • Ung thư bàng quang và cách điều trị
  • Bệnh ung thư bàng quang có chữa khỏi được không?