Trường hợp nào phải nuôi trẻ trong lồng kính?
Thực tế thì không phải các trẻ sinh non mới được nuôi trong lồng kính mà ngay cả những trẻ sinh đủ tháng nhưng lại gặp một số vấn đề về sức khỏe cũng được nuôi trong lồng kính. Việc nuôi trẻ trong lồng kính sẽ giúp trẻ lấy lại được sức khỏe bình thường.
Trường hợp nào phải nuôi trẻ trong lồng kính?
Bất cứ người mẹ nào sinh con ra cũng đều mong muốn con mình được khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều trường hợp trẻ khi sinh ra phải áp dụng phương pháp nuôi trẻ trong lồng kính, đó là những trẻ sinh non, trẻ có vấn đề về tim bẩm sinh, những trẻ có hơi thở bất thường, có triệu chứng nhiễm trùng sơ sinh và một số lý do khác cũng khiến trẻ phải được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, trường hợp trẻ sinh non là phổ biến nhất khiến trẻ phải được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính.
Chăm sóc trong lồng kính là sự chăm sóc kỹ thuật cao
Việc nuôi trẻ trong lồng kính là sự chăm sóc kỹ thuật cao. Hệ thống ống thở, máy thở, kim truyền thoạt nhìn có vẻ rất đáng sợ nhưng đây lại là các phương tiện có thể giúp sức khỏe của một em bé được cải thiện. Đây cũng là nơi an toàn nhất với em bé sinh non hoặc một em bé không may mắc bệnh. Những chiếc lồng kính có thể giúp giữ thân nhiệt của bé và có một ống thông từ mũi đến dạ dày giúp đưa sữa mẹ và thức ăn trực tiếp vào dạ dày của bé. Với các bé có phổi chưa hoàn thiện hoặc mắc chứng suy hô hấp thì nuôi trẻ trong lồng kính là một lựa chọn hợp lý bởi khi được ở trong những chiếc lồng ấp, bé có thể được chụp mũ oxi và được cung cấp đủ oxi cho sự sống.
Kim và ống truyền trong lồng kính giúp bé không bị mất nước và đưa thuốc vào cơ thể bé. Những dấu hiệu sinh tồn quan trọng của bé luôn được ghi chép đầy đủ và nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, bé sẽ được các bác sĩ hỗ trợ ngay lập tức.
Cha mẹ có thể làm gì khi nuôi trẻ trong lồng kính?
Khi nuôi trẻ trong lồng kính, cha mẹ phải nhờ cậy đến đội ngũ y bác sĩ rất nhiều nhưng trên thực tế, cha mẹ vẫn có thể làm những điều sau cho bé:
Mẹ có thể vắt sữa cho bé: nếu như bé nhà bạn quá yếu để có thể bú mẹ, bạn có thể vắt sữa của mình để bé ăn thông qua ống thông dạ dày.
Ôm ấp bé: khi bé nhà bạn đã đủ cứng cáp và được phép ra khỏi lồng kính, hãy ôm bé vào lòng để bé cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ. Khi đó thân nhiệt của bé cũng được giữ ở mức ổn định, nhịp tim và hơi thở cũng đều đặn hơn, thời gian ngủ sâu giấc của bé cũng được tăng lên và bé tỉnh táo, bớt khóc, tăng cân cũng như bú mẹ tốt hơn.
Luôn ở bên con: cho dù bé được nuôi trong lồng kính nhưng cha mẹ vẫn có cách để luôn ở bên bé, ví dụ như bạn có thể dán một tấm ảnh của mình bên ngoài lồng kính của bé. Hãy để lại số điện thoại lại cho các nhân viên chăm sóc bé để họ có thể gọi cho bạn bất kỳ lúc nào.
Cho bé về nhà
Thời gian nuôi trẻ trong lồng kính có thể khiến bạn cảm thấy quá dài nhưng cũng sẽ đến lúc bạn có thể đưa bé về nhà. Bạn cần phải biết cách chăm sóc con trước khi đưa bé ra khỏi lồng kính, bạn cũng cần biết cách sơ cứu cho trẻ sơ sinh, biết cách quản lý thuốc cũng như sử dụng các thiết bị đặc biệt. Có như vậy, việc chăm sóc bé mới được tiến hành một cách đúng chuẩn và đảm bảo sức khỏe cho bé một cách tốt nhất.