Trước khi tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm và khám tổng quát hay không?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do virus HPV. Tiêm vacxin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh. Tuy nhiên rất nhiều chị em băn khoăn trước khi tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm và khám tổng quát hay không? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Trước khi tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm và khám tổng quát hay không?
Vaccine phòng ngừa HPV là gì?
HPV là tên viết tắt của Human Papillomavirus là một loại virus gây u nhú ở người. Hiện có rất nhiều type HPV khác nhau, nhưng chỉ có một số type có khả năng gây ung thư cao. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng ngược lại có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra.
Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do tiếp xúc da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm virus. Ngoài ra, virus này còn có thể lây truyền qua các con đường khác như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót... HPV còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Vaccine phòng HPV là vaccine được sản xuất để chống lại sự viêm nhiễm một số type HPV đặc biệt, cụ thể phòng 2 type 16, 18 gây ung thư cổ tử cung và 2 type 6, 11 gây sùi mào gà bộ phận sinh dục. Loại vaccnie này không bắt buộc nhưng được khuyến cáo cho nữ giới.
Có cần xét nghiệm và khám tổng quát trước khi tiêm phòng HPV không?
Không có yêu cầu bắt buộc phải làm xét nghiệm trước khi tiêm phòng HPV. Nếu chưa quan hệ tình dục, các bạn có thể tiêm phòng HPV mà không cần làm thêm xét nghiệm. Trong trường hợp đã quan hệ, các bạn nên đi khám phụ khoa để các bác sĩ làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, xác định bản thân có bị nhiễm HPV hay không và nếu có thì nhiễm type nào.
Ngoài ra các bạn cũng cần được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Khám trước khi tiêm bác sĩ sẽ khám sàng lọc, hỏi về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng tiêm chủng, tư vấn cụ thể các loại vaccine phù hợp với từng khách hàng.
Sau khi tiêm phòng HPV có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ không?
Khoảng 30% trường hợp ung thư cổ tử cung là do type HPV mà vaccine không phòng chống được. Nói cách khác, các vaccine không phòng chống lại được tất cả các type HPV gây ung thư. Ngoài ra vaccine chỉ có hiệu quả nhất khi bạn chưa bị lây HPV hoặc chưa có quan hệ tình dục. Tiêm phòng HPV có thời gian bảo vệ kéo dài từ 4 - 6 năm và sau thời gian này, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vaccine còn hiệu lực bảo vệ.
Làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung thường xuyên vẫn là phương pháp dự phòng và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tốt nhất. Do vậy dù bạn đã tiêm phòng HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm.
Những đối tượng nào nên tiêm phòng HPV?
Tại Việt Nam, vaccine phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo, các chị em nên đi tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Các vaccine hiệu quả nhất khi được tiêm trước lần quan hệ tình dục đầu tiên, ở những phụ nữ chưa bị phơi nhiễm với các type HPV được bao phủ bởi vaccine (HPV type 6, 11, 16, 18). Nữ giới đang hoạt động tình dục có thể vẫn có lợi ích từ việc tiêm vaccine nếu họ chưa bị nhiễm các type HPV được bao phủ trong vaccine.
Những đối tượng nào không nên tiêm phòng vaccine?
Bạn không nên tiêm phòng HPV nếu thuộc một trong các nhóm sau:
- Nhạy cảm với men hoặc bất cứ thành phần nào của vaccine
- Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng. Trong trường hợp này hãy chờ cho đến khi bạn phục hồi lại sau khi bị bệnh.
- Bạn bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu hoặc đang sử dụng các thuốc chống đông.
- Phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Phụ nữ đã dương tính với 1 trong các type HPV
Tác dụng phụ khi tiêm vaccine phòng HPV
Cũng như các loại vaccine khác, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như:
Một số tác dụng phụ hay gặp bao gồm: Chóng mặt; đau đầu; sốt nhẹ; đau nhẹ, đỏ, ngứa, bầm tím hoặc sưng ở chỗ tiêm; buồn nôn; nôn.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng, hiếm gặp như:
- Phản ứng dị ứng trầm trọng: Phát ban, phát ban, ngứa, khó thở, đau thắt ngực, sưng miệng, mặt, môi, lưỡi, khò khè.
- Ớn lạnh, ngất xỉu.
- Đau khớp, đau cơ hoặc yếu cơ, đau dữ dội hoặc dai dẳng, sưng nóng đỏ tại nơi tiêm.
Trong trường hợp gặp các phản ứng nghiêm trọng trên các bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Như vậy qua bài viết trên các bạn đã biết được nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung là virus HPV. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương pháp sử dụng vaccine. Không có yêu cầu bắt buộc phải làm xét nghiệm trước khi tiêm. Tuy nhiên, nếu có điều kiện nên làm xét nghiệm để xác định bản thân có bị nhiễm HPV hay không và nếu có thì nhiễm type nào.
Xem thêm:
- Ung thư cổ tử cung và các nguyên nhân gây bệnh
- Cảnh báo và điều trị ung thư cổ tử cung
- Tầm soát ung thư cổ tử cung- xét nghiệm Pap