Triệu chứng khi trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng truyền nhiễm từ người sang người, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều biến chứng nguy hiểm: viêm màng não, phù phổi cấp...

Triệu chứng khi trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng Triệu chứng khi trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virut đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

1. Ai có thể mắc bệnh tay chân miệng?

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

bệnh tay chân miệng

2. Triệu chứng chính của bệnh tay chân miệng?

Bệnh diễn biến qua 4 giai đoạn chính

- Giai đoạn ủ bệnh: 3 - 7 ngày.

- Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh là:

+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.

+ Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm.

+ Sốt nhẹ và nôn

+ Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.bệnh tay chân miệng

3. Bệnh tay chân miệng gây biến chứng gì?

Biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh đó là biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp (thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh)

bệnh tay chân miệng

- Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Trong đó các dấu hiệu thường thấy là:

+ Rung giật cơ (myoclonic jerk): Từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, trong cơn trẻ vẫn còn ý thức.

+ Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.

+ Yếu liệt chi (liệt mềm cấp).

+ Liệt dây thần kinh sọ não.

+ Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.

- Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.