Triệu chứng của bệnh lao phổi và phác đồ điều trị

Bệnh lao là một bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh phát hiện sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Triệu chứng của bệnh lao phổi và phác đồ điều trị Triệu chứng của bệnh lao phổi và phác đồ điều trị

Các loại bệnh lao

Bệnh lao được chia ra thành 2 loại chính theo vị trí giải phẫu:

  • Bệnh lao phổi: lao tổn thương ở phổi – phế quản.
  • Bệnh lao ngoài phổi: lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi như: hạch, màng bụng, sinh dục tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim,... Nếu lao nhiều bộ phận, thì bộ phận có biểu hiện tổn thương nặng nhất (ví dụ lao màng não, lao xương, khớp...) được ghi là chẩn đoán chính.

Nguyên nhân gây ra bệnh lao phổi

Nguyên nhân chính là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (còn gọi là trực khuẩn Koch hoặc trực khuẩn Lao). Đây cũng là nguyên nhân lây truyền bệnh lao phổi từ người này sang người khác thông qua đường hấp.

Sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm: khói bụi nhiễm, ẩm ướt, khí uế... thuận lợi vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh.

Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh lao phổi hoặc tiếp xúc với dịch tiết có vi khuẩn lao: nước bọt, đờm, dãi, hắt hơi, dịch mũi...

Triệu chứng bệnh lao phổi

  • Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi ngờ bệnh lao phổi quan trọng nhất.
  • Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, chán ăn
  • Sốt nhẹ về chiều.
  • Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
  • Đau ngực, đôi khi khó thở: do ho nhiều gây ra ức chế lên phế quản.
  • Khi thăm khám nghe phổi có thể có tiếng bệnh lý (ran ẩm, ran nổ...).
vicare.vn-trieu-chung-cua-benh-lao-phoi-va-phac-do-dieu-tri-body-1

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh lao phổi cao

Đối với người lớn:

  • Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch
  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
  • Người mắc các bệnh mạn tính: loét dạ dày-tá tràng, đái tháo đường, suy thận mãn...
  • Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
  • Người sử dụng các chất ức chế miễn dịch Corticoid kéo dài, hóa chất điều trị ung thư...

Đối với trẻ em:

  • Có tiền sử tiếp xúc gần gũi với nguồn lây lao.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Trẻ em nhiễm HIV.
  • Trẻ em suy dinh dưỡng nặng.
  • Trẻ em ốm yếu kéo dài sau khi mắc sởi.

Bệnh lao phổi có nguy hiểm không?

Các nghiên cứu y tế đã cho thấy rằng bệnh lao phổi là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và có tỉ lệ người bệnh tử vong cao, khó điều trị bệnh triệt để. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao từng độ tuổi, nhất là người già thường gặp vấn đề sức khỏe bị suy yếu. Việc điều trị bệnh lao không triệt để chủ yếu là do thời gian điều trị kéo dài, ít nhất 6 tháng hoặc có thể hơn 20 tháng tùy trường hợp. Người bệnh thường khó đảm bảo tuân thủ điều trị, tự ý ngưng thuốc giữa chừng khiến lao kháng thuốc rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh lao phổi hoàn toàn có thể điều trị khỏi khi người bệnh có tinh thần hợp tác tốt với bác sĩ và tuân thủ điều trị.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao

Phối hợp các thuốc chống lao

Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao lại với nhau. Bắt buộc phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn điều trị tấn công và ít nhất 2 loại thuốc trong giai đoạn điều trị duy trì. Với bệnh lao đa kháng: cần phối hợp ít nhất 4 loại thuốc chống lao (thuốc thuộc hàng 2) có hiệu lực trong giai đoạn tấn công và duy trì.

Phải dùng thuốc đúng liều

Các thuốc chống lao tác dụng hợp lực với nhau, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không cho hiệu quả điều trị và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Đối với bệnh lao phổi ở trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng của trẻ.

vicare.vn-trieu-chung-cua-benh-lao-phoi-va-phac-do-dieu-tri-body-2

Phải dùng thuốc đều đặn

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần, vào một thời gian nhất định trong ngày và cách xa bữa ăn để thuốc hấp thu tối đa.

Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo hai giai đoạn tấn công và duy trì

Giai đoạn tấn công kéo dài 2 - 3 tháng: nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn lao có trong các vùng tổn thương, ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 - 6 tháng: nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Với bệnh lao đa kháng thuốc: phác đồ điều trị bệnh lao chuẩn cần có thời gian tấn công kéo dài 8 tháng, tổng thời gian điều trị: 20 tháng. Các phác đồ ngắn hơn còn đang trong thử nghiệm.

Phác đồ điều trị bệnh lao phổi

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng Bệnh Lao của Bộ Y tế Việt Nam thì cả nước chỉ sử dụng một phát đồ chuẩn thống nhất, điều trị sớm ngay khi được chẩn đoán. Thuốc điều trị bệnh lao nói chung và bệnh lao phổi nói riêng được phát miễn phí, đầy đủ, đảm bảo chất lượng theo Chương trình Chống lao Quốc gia. Phác đồ điều trị bệnh lao được chia ra nhiều loại, dưới đây là 2 phác đồ phổ biến nhất dành cho nhóm bệnh nhân mới mắc bệnh lao (chưa điều trị lao bao giờ hoặc đã từng điều trị lao nhưng dưới 1 tháng).

Phác đồ IA: 2RHZE(S)/4RHE dành cho người lớn

  • Giai đoạn tấn công “2RHZE(S)” kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày: Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E), có thể thêm Streptomycin (S) hoặc không.
  • Giai đoạn duy trì “4RHE” kéo dài 4 tháng, gồm 3 loại thuốc dùng hàng ngày là Rifampicin, Isoniazid, và Ethambutol.

Phác đồ IB: 2RHZE/4RH dành cho trẻ em

  • Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày: Rifampicin, Isoniazid, Pyrazinamid, Ethambutol.
  • Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, gồm 2 loại thuốc là Rifampicin và Isoniazid dùng hàng ngày.

Chú ý tương tác giữa thuốc điều trị bệnh lao phổi và thuốc tránh thai

Điều mà bất kì bác sĩ điều trị lao cho phụ nữ trong tuổi sinh sản, phụ nữ đã kết hôn đều lưu ý đó là tương tác thuốc. Rifampicin trong phác đồ điều trị lao phổi sẽ tương tác với thuốc tránh thai, làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc tránh thai. Do đó, nếu phụ nữ đang uống thuốc tránh thai và điều trị lao bằng phác đồ có Rifampicin có thể chọn một trong hai giải pháp: hoặc dùng thuốc tránh thai có chứa liều lượng Estrogen cao hơn hoặc dùng biện pháp tránh thai khác (bao cao su).

Một lưu ý khác khi sử dụng Rifampicin là thuốc sẽ làm cho dịch tiết cơ thể (nước bọt, nước mũi, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi) chuyển sang màu hồng. Điều này là hoàn toàn bình thường, bệnh nhân không nên quá hoảng sợ mà tự ý ngưng thuốc. Phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị bởi vì vi khuẩn lao có khả năng kháng thuốc rất cao, khi lao kháng thuốc sẽ phải điều trị phác đồ nhiều thuốc hơn và thời gian kéo dài hơn nữa.

Xem thêm:

  • Người bị bệnh lao phổi nên ăn gì và kiêng gì?
  • Những biểu hiện của bệnh lao phổi giai đoạn cuối