Trẻ dưới 1 tuổi có bị quai bị không?
Bệnh quai bị hiện nay khá phổ biến và dễ lây lan. Đặc biệt là trẻ nhỏ khi sức đề kháng chưa cao, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy, có nhiều người thắc mắc rằng trẻ dưới 1 tuổi có thể bị quai bị không? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Trẻ dưới 1 tuổi có bị quai bị không?
Bệnh quai bị hiện nay khá phổ biến và dễ lây lan. Đặc biệt là trẻ nhỏ khi sức đề kháng chưa cao, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy, có nhiều người thắc mắc rằng trẻ dưới 1 tuổi có thể bị quai bị không? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Quai bị là bệnh gì?
Bệnh quai bị (hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp sang người khác bằng đường hô hấp và hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên. Tất cả những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh.
Các thể bệnh thường được phân loại theo vị trí tổn thương, gồm: thể viêm tuyến nước bọt (mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi); thể viêm tụy; thể viêm tinh hoàn; thể thần kinh (viêm màng não, viêm não); thể kết hợp (viêm tuyến nước bọt mang tai kết hợp với viêm tinh hoàn hoặc viêm màng não)... Trong đó, viêm tuyến nước bọt mang tai là thể điển hình hay gặp nhất, chiếm 70% các trường hợp.
Bệnh quai bị xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa đông – xuân. Bệnh hay xảy ra ở thanh niên, thiếu niên sinh hoạt tập thể như mẫu giáo, trường học.
Bệnh quai bị lây truyền thế nào?
Bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi thông qua tiếp xúc giữa người bệnh và người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị nhưng không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt. Đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết.
Virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần và có thể sống lâu trong nhiệt độ thấp. Sau khi mắc bệnh, cơ thể có miễn dịch vững bền tồn tại rất nhiều năm, có thể tái phát nhưng rất hiếm, vì vậy người đã nhiễm bệnh này rất ít khi bị quai bị lần 2. Miễn dịch mẹ truyền cho con tồn tại trong khoảng 1 năm.
Biểu hiện của bệnh quai bị?
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 10 ngày, cơ thể sẽ khó chịu: sốt hoặc sốt rét, đau họng và đau góc hàm, khó nói và khó nuốt, có khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần khoảng 3 ngày rồi giảm dần trong khoảng 1 tuần.
Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên, nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc. Vùng sưng thường lan sang má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, đôi khi lan xuống ngực gây phù trước xương ức.
Quai bị là bệnh lành tính, hạn hữu có thể tử vong do viêm não, viêm cơ tim, viêm tụy. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở trẻ trai hoặc viêm buồng trứng ở trẻ gái, có thể dẫn đến vô sinh khi ở tuổi trưởng thành.
Trẻ dưới 1 tuổi có mắc bệnh quai bị không?
Cần khẳng định rằng, tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, nhưng rất ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, sau 2 tuổi tần suất mắc bệnh tăng dần và lứa tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 10-19 tuổi.
Nếu mẹ đã từng mắc quai bị, đã từng tiêm phòng quai bị, đã có miễn dịch bền vững đối với bệnh quai bị, trẻ sẽ được bảo vệ trong 6 tháng đầu và chắc chắn không mắc bệnh quai bị. Nguyên nhân do trẻ được bú sữa mẹ, kháng thể chống virus quai bị có trong sữa mẹ sẽ có tác dụng bảo vệ con khỏi mắc bệnh quai bị an toàn trong 6 tháng đến 1 năm đầu, khả năng bảo vệ này giảm dần cho đến 2 tuổi.
Trong trường hợp người mẹ chưa có kháng thể chống virus quai bị thì không thể bảo vệ cho con được. Nhưng khả năng lây bệnh ở độ tuổi 1 tuổi là rất hiếm. Tuy nhiên thực tế, trong cộng đồng dân cư ở nước ta thường rất ít gặp quai bị ở trẻ em dưới 2 tuổi, và đặc biệt là dưới 1 năm tuổi.
Chính vì vậy, nếu nói rằng trẻ em dưới 1 tuổi sẽ không bị bệnh quai bị là không hoàn toàn đúng, vì có thể xảy ra ở trường hợp: mẹ chưa từng tiếp xúc và bị bệnh quai bị bao giờ, chưa từng được tiêm phòng quai bị thì con dưới 1 tuổi cũng có thể mắc quai bị .
Cách phòng tránh bệnh quai bị cho trẻ
- Trẻ nhỏ khi được 9 tháng tuổi hoặc 1 tuổi nên được tiêm vắc-xin phòng quai bị, nhằm kích thích cơ thể sản sinh kháng thể kháng quai bị, kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6-7 tuần.
Số lần tiêm:
- Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi thì tiêm 3 lần: lúc 9 tháng tuổi, lúc 15 tháng tuổi và khi trẻ từ 4-12 tuổi.
- Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi thì tiêm 2 lần: lúc 12 tháng tuổi và khi từ 4-12 tuổi.
- Nên cách ly với người xung quanh, nhất là những bé trai chưa bị quai bị lần nào thì không nên tiếp xúc với người bị quai bị. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được cách ly (thường là 10 ngày) để tránh lây lan cho các trẻ khác.
- Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho bé, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là đường hô hấp của trẻ.
Trên đây là những giải đáp thắc mắc về bệnh quai bị có xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi không? Mong rằng bài viết sẽ cung cấp cho các phụ huynh những hiểu biết cơ bản về vấn đề này và có thể yên tâm chăm sóc trẻ.