Trẻ bị tinh hoàn ẩn, bố mẹ sao có thể xem nhẹ?

Tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu thường gặp nhất ở trẻ trai. Tỉ lệ mắc bệnh lý này tuy không cao nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của các bé sau này, dễ dẫn đến ung thư và vô sinh. Dù vậy, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn rất mơ hồ, thiếu kinh nghiệm và không biết những nguy cơ tiềm ẩn ...

Trẻ bị tinh hoàn ẩn, bố mẹ sao có thể xem nhẹ? Trẻ bị tinh hoàn ẩn, bố mẹ sao có thể xem nhẹ?

Tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu thường gặp nhất ở trẻ trai. Tỉ lệ mắc bệnh lý này tuy không cao nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của các bé sau này, dễ dẫn đến ung thư và vô sinh. Dù vậy, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn rất mơ hồ, thiếu kinh nghiệm và không biết những nguy cơ tiềm ẩn của căn bệnh này. Nhiều quan niệm cho rằng do bé có thể trạng to béo nên không thấy rõ tinh hoàn; do bé còn quá nhỏ không muốn khám và điều trị gây đau đớn cho trẻ; hay nghĩ rằng tinh hoàn của trẻ sẽ tự "an cư đúng chỗ" khi trẻ dần trưởng thành. Điều này không những sai lầm mà còn làm hại các bé.

Chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ là điều không thể xem nhẹ. Vậy, nguyên nhân tại sao và khi nào thì gọi là tinh hoàn ẩn? Các biểu hiện và biến chứng như thế nào? Các bậc bố mẹ hãy cùng HoiBenh tìm hiểu những thông tin dưới đây để có những kiến thức thật hữu ích cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho con em mình.

1. Tinh hoàn ẩn là gì?

Tinh hoàn là một phần của bộ phận sinh dục đảm nhận 2 chức năng sinh tinh và hoóc-môn giới tính. Tinh hoàn ẩn là khuyết tật về sự phát triển bộ phận sinh dục gặp phải ở nam giới. Bình thường, vị trí của 2 tinh hoàn nằm trong bìu, bên cạnh gốc dương vật. Những trường hợp các bé trai từ lúc sinh ra tinh hoàn không di chuyển được tới bìu mà ở các vị trí khác như trong ổ bụng, lỗ bẹn sâu hay lỗ bẹn nông... sẽ gây ra bệnh lý tinh hoàn ẩn.

Trẻ bị tinh hoàn ẩn

2. Nguyên nhân của hiện tượng tinh hoàn ẩn

Như đã nói ở trên, tỉ lệ mắc bệnh này thường không cao, rơi vào khoảng 3% ở các bé sinh đủ tháng và cao hơn 1 chút ở các bé thiếu cân, sinh non, sinh đôi... Hiện nay, cách tốt nhất để phòng ngừa chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ là cần phải kiểm soát và bảo vệ chế độ thai nghén thật tốt. Phụ nữ mang thai cần được theo dõi sức khoẻ sát sao, đặc biệt là tuyệt đối cẩn trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Dưới đâu là các nguyên nhân tiêu biểu dẫn đến tình trạng trẻ bị tinh hoàn ẩn:

- Rối loạn trục hạ đồi- tuyến yên- tuyến sinh dục: Suy tuyến yên, làm thiếu gonadotropin (hoocmon điều hoà tuyến sinh dục) gây tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ lại.

- Sai lệch tổng hợp testosterone: Do thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase,... làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường.

- Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen (hoocmon sinh dục nam): Do giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen nên sự phát triển các chức năng sinh dục nam bị ảnh hưởng, trong đó có sự đi xuống của tinh hoàn.

Trẻ bị tinh hoàn ẩn

- Estrogen cũng có ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh hoàn tới bìu: Mẹ mang thai nhi nam dùng nhiều diethylstilbestrol (estrogen tổng hợp, dùng để điều trị ung thư) hay chất kháng androgen (Flutamide) thì thai nhi có nguy cơ bị tinh hoàn ẩn.

- Phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn – bìu: Làm cho tinh hoàn nằm lơ lửng trên cao, không xuống được tới bìu.

- Các yếu tố cơ học gây cản trở sự di chuyển của tinh hoàn như: cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hoá vùng ống bẹn...

3. Biểu hiện của hiện tượng tinh hoàn ẩn

- Trẻ bị tinh hoàn ẩn có thể mắc các dị dạng khác, nhất là đối với thể ẩn cả 2 bên có thể gặp những rối loạn bệnh lý như nhiễm sắc thể giới tính, tật ái nam ái nữ hoặc kèm theo dị dạng ở đường tiết niệu như tật lỗ đái thấp, suy tuyến sinh dục... Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bọc bìu, nên tinh hoàn nằm lại ổ bụng dễ bị thoái hóa.

- Biến chứng của tinh hoàn ẩn có thể gây ra vô sinh khi trẻ trưởng thành, tỷ lệ bị ung thư ở tinh hoàn ẩn rất cao so với tinh hoàn binh thường. Ngoài ra cũng có thể gặp các biến chứng khác như: xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn...

- Người bệnh có thể tự sờ nhưng không thấy tinh hoàn ở dưới bìu hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối như u nổi lên.

- Biểu hiện khi thăm khám vùng bẹn bìu: Bìu kém phát triển, tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển. Tinh hoàn ẩn thể trong ổ bụng hoặc lỗ bẹn sâu khi khám không sờ thấy tinh hoàn.

testicles-tinh-hoan-an

Những bệnh lý về sinh sản, trong đó có bệnh tinh hoàn ẩn, cần phải được thăm khám ngay khi trẻ còn nhỏ. Một số trường hợp, tinh hoàn ẩn của trẻ có thể tự di chuyển về đúng vị trí sau 3 tháng sinh. Nếu tình trạng ẩn kéo dài sau 1 năm thì đã không thể tự "biết đường về nhà" nữa. Các bậc phụ huynh nên chủ động cho trẻ được tiến hành thăm khám nội khoa trong thời gian chờ đợi, thường xuyên theo dõi và phát hiện kịp thời những biến chứng và dấu hiệu bất thường để có thể can thiệp và điều trị kịp thời. HoiBenh mong rằng bài viết sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe cho con em mình, cũng như kịp thức tỉnh những ông bố bà mẹ còn đang xem nhẹ những dấu hiệu cảnh báo về sức khoẻ giới tính của con trẻ.

>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh tinh hoàn không đều có đáng lo?