Trẻ bị nhiễm rotavirus, mẹ cần phải làm gì?

Tiêu chảy do nhiễm Rotavirus là một căn bệnh rất phổ biến mà trẻ nhỏ hay mắc phải. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thâm chí là tử vong. Vậy khi trẻ bị nhiễm Rotavirus, mẹ cần phải làm gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của HoiBenh để có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về căn bệnh này.

Trẻ bị nhiễm rotavirus, mẹ cần phải làm gì? Trẻ bị nhiễm rotavirus, mẹ cần phải làm gì?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh gì?

Tiêu chảy do Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Rotavirus là một chủng virus dạng vòng, chúng có thể theo đường tiêu hóa vào ruột và gây nên tình trạng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tiêu chảy do Rotavirus có thể dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng và là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em hiện nay. Thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông và mùa xuân hoặc sau đợt mưa kéo dài sẽ là thời điểm Rotavirus phát triển và bùng phát thành dịch bệnh.

vicare.vn-tre-bi-nhiem-rotavirus-me-can-phai-lam-gi-body-1

Triệu chứng thường gặp của trẻ bị nhiễm Rotavirus

Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do Rotavirus chỉ xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm virus từ 1 đến 3 ngày.

Nôn mửa là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị nhiễm Rotavirus. Sau đó, trẻ sẽ bị tiêu chảy khoảng 10 lần/ngày, phân lỏng và có màu vàng xanh. Đa số các trẻ bị nhiễm Rotavirus đều mất nước do bị tiêu chảy nặng kéo dài trong 4 đến 8 ngày nhưng các đợt tiêu chảy vẫn có thể trở lại ngay khi các dấu hiệu của bệnh đã thuyên giảm. Ở một số trẻ, tình trạng tiêu chảy còn kéo dài đến vài tuần. Vì vậy, cha mẹ cần phải theo dõi kỹ các dấu hiệu mất nước của trẻ và liên tục bổ sung thêm nước và sữa để trẻ uống kịp thời.

Ngoài ra, trẻ sẽ còn có các hiện tượng như: sốt, ngủ li bì, đau bụng. Nhưng những dấu hiệu này lại thường không rõ ràng.

Gặp những triệu chứng này phải đưa trẻ tới ngay CSYT!

  • Tiêu chảy ngày càng nặng, tiêu chảy có lẫn máu
  • Nôn mửa liên tục trong hơn ba tiếng
  • Sốt trên 39 độ C
  • Mắt lờ đờ buồn ngủ, trẻ hay quấy khóc, khó chịu hoặc đau đớn
  • Khô miệng, ít đi tiểu,...
Cha mẹ nên lưu ý, khi thấy trẻ có những biểu hiện trên thì ngay lập tức bạn phải cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Trẻ bị nhiễm rotavirus, mẹ cần phải làm gì?

  • Khi trẻ bị nhiễm Rotavirus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì cả, vì vậy cha mẹ không nên tự tiện cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì nó có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
  • Quan trọng nhất cha mẹ cần phải bù nước cho trẻ bằng Oresol: nên pha đúng cách theo chỉ dẫn trên gói thuốc, cho trẻ uống từng thìa nhỏ, bù nước 50ml Oresol sau mỗi lần đi ngoài. Có thể cho trẻ dùng thêm nước cháo muối, nước hoa quả, súp, nước canh.

vicare.vn-tre-bi-nhiem-rotavirus-me-can-phai-lam-gi-body-2

  • Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống những loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ. Nếu trẻ bị nôn ói, cho trẻ nghỉ một chút rồi đút lại, chậm hơn.
  • Đặc biệt, không cho chữa bệnh tiêu chảy của trẻ bằng các phương pháp dân gian như sử dụng lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... Bởi chất tanin có trong các loại thực phẩm này có tác dụng làm săn màng ruột ngay tức khắc, trẻ sẽ được khống chế tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, cách điều trị này lại gây hại cho trẻ. Bệnh chỉ đỡ tạm thời chứ các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm... sẽ bị đào thải rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí còn nguy hiểm hơn.
  • Nếu trẻ bú mẹ thì vẫn cho trẻ tiếp tục bú mẹ bình thường. Vì trong sữa mẹ vừa đủ các chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, hấp thu, đóng vai trò rất quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy. Nếu trẻ bú sữa công thức, bạn cần phải chú ý hòa sữa theo đúng quy trình.

vicare.vn-tre-bi-nhiem-rotavirus-me-can-phai-lam-gi-body-3

  • Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ. Bởi các loại thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, làm virus ứ đọng lâu hơn trong ruột, lâu ngày có thể dẫn đến chướng bụng, tắc ruột, và dẫn đến tử vong...
  • Cho trẻ uống loại men vi sinh có chứa Probiotic và Prebiotic. Trong đó, vi khuẩn Probiotic có tác dụng bảo vệ đường ruột khỏi sự tấn công của virus và giúp trẻ tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Còn Prebiotic lại là một dạng chất sơ hòa tan giúp cho loại vi khuẩn có lợi này có thể tồn tại và phát triển trong ruột.
  • Hãy tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Còn với những trẻ sơ sinh thì cha mẹ nên vệ sinh tay chân của trẻ thường xuyên, không để trẻ đưa tay lên miệng.
  • Nếu trẻ có biểu hiện của mất nước nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để truyền dịch kịp thời.

Nếu không biết cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus, bệnh có thể trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, thậm chí là đe dọa tới tính mạng. Vậy nên, thông qua bài viết này của HoiBenh, hi vọng rằng các bậc phụ huynh đã có cho mình chăm sóc con trẻ khi mắc bệnh một cách khoa học và phù hợp nhất.

Chúc bé và gia đình luôn khỏe mạnh!

Phương Hoa