TP HCM: Sợ dịch Zika các thai phụ thi nhau đi khám bệnh
Ngồi trên dãy ghế chờ của bệnh viện, nhiều thai phụ chăm chú nhìn vào số thứ tự phía ngoài phòng hồi hộp chờ đến lượt mình vào khám.
TP HCM: Sợ dịch Zika các thai phụ thi nhau đi khám bệnh
Trong những thai phụ đang chờ đợi ở bệnh viện Từ Dũ TP HCM có 2/3 số người là đi khám thai định kỳ, các thai phụ còn lại đi khám vì nghe tin TP HCM vừa phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh Zika.
Dịch Zika, nỗi sợ hãi của các thai phụ, ảnh internet.
Thai phụ vội vàng đi khám khi dịch Zika trở lại
Trong lúc chờ đợi, họ nói với nhau về bệnh Zika, ai cũng tỏ ra lo lắng, nhiều chị đã nhắc nhở nhau đừng đi đến các nơi những nơi được công bố bệnh.
Thai phụ Nguyễn Hồng Diễm (32 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) lo lắng: "Đây là lần thứ 2 tôi mang thai, tuy còn vài ngày nữa mới đến ngày hẹn khám nhưng nghe dịch Zika bùng phát nên tôi rất lo lắng.
Mấy ngày nay tôi bị cảm nên chồng cũng thúc giục tôi đi khám. Hy vọng tôi chỉ bị cảm thông thường".
Chị Oanh (35 tuổi, mang thai tháng thứ 3) cũng nói thêm: "Nhìn hình ảnh những đứa trẻ đầu bị teo nhỏ tôi vừa sợ vừa thương.
Nghe bệnh xuất hiện lại ở TP, vừa rồi y tế địa phương cũng đã xuống nhà phun thuốc và hướng dẫn phòng chống dịch nhưng mấy ngày qua chồng tôi không cho đi đâu cả vì sợ lây bệnh. Mong rằng bệnh sẽ sớm được diệt trừ".
Khi được hỏi về bệnh Zika, các thai phụ ai cũng biết rằng theo tuyên truyền từ địa phương và thông tin trên các phương tiện truyền thông, bệnh Zika lây qua đường máu, mẹ truyền sang con, đường tình dục...
Tuy nhiên sau khi trả lời thì các thai phụ đều hỏi lại Zika có lây khi hai người đang nói chuyện với nhau không mới yên tâm?
>>> Xem thêm: Zika trong thai kỳ, nguyên nhân nhiễm bệnh và cách phòng tránh
Dịch Zika đang trong tầm kiểm soát
Trước sự lo lắng của các thai phụ, ThS Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết trung tâm y tế ở nơi phát hiện dịch đã tiến hành xử lý, khống chế dịch bệnh ngay khi có báo cáo.
Đồng thời Cục cũng đã chỉ đạo tất cả trung tâm y tế dự phòng địa phương phòng chống dịch bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh Zika.
Ông Tấn cho biết: "Hiện tại dịch Zika đang ở cấp độ phường, vẫn còn trong tầm kiểm soát của chúng tôi nên mọi người hãy yên tâm.
Mọi người hãy đồng hành cùng chúng tôi đẩy lùi bệnh bằng cách phối hợp để nhân viên y tế dự phòng đến phun thuốc, diệt môi trường sống của muỗi, không để nước tồn đọng khi không sử dụng, giữ vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hợp lý".
ThS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ảnh TGTT.
Theo ông Tấn, thời tiết phía Nam đang bước vào mùa mưa nên là "thời gian vàng" cho muỗi sinh sôi nảy nở. Thế nên người dân phải chủ động làm vệ sinh nơi ở, nhất là chất thải sinh hoạt, nước tồn đọng nhất là khu công nghiệp, khu dân cư.
"Trung tâm Y tế dự phòng cần đưa vào danh sách ổ dịch, nhắc nhở, hướng dẫn người dân về các phương thức vệ sinh hợp lý để không tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng phát triển. Diệt muỗi và lăng quăng là việc cần làm nhất trong lúc này.
Bệnh Zika không chỉ gặp ở phụ nữ mang thai mà bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Nếu một người có các triệu chứng như sốt, đau cơ, đau mắt, mệt mỏi... thì phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất khám bệnh, phải làm các xét nghiệm để có thể phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời nếu như mắc bệnh Zika.
Tránh lây lan sang người thân, hoặc những người xung quanh." ông Tấn khuyến cáo.
Nhiều người bị muỗi cắn hầu hết không ai biết mình có bị truyền vi rút Zika hay không, vì bệnh này biểu hiện rất nhẹ, chỉ hơi nhức đầu và ngứa đôi chút.
Vì vậy, trong 10 người thì có đến 8 người có thể mắc bệnh Zika mà không biết. Điều này vô tình có thể tạo điều kiện cho vi rút Zika lây lan nhanh chóng, mà khi phát hiện muộn thì vùng đó sẽ bùng phát dịch.
Ông nhấn mạnh tổ chức y tế thế giới cũng đã tổ chức nghiên cứu về bệnh này nhưng vẫn chưa tìm ra vắc xin, nên chúng ta phải tự phòng ngừa để bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Theo Thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:
Vừa qua Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong tuần đã phát hiện thêm 02 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 22 tuổi sống tại Quận 2, TP. Chí Minh. Khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau khớp bàn tay, viêm kết mạc 2 mắt.
Bệnh nhân tới khám tại phòng khám đa khoa và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi rút Zika. Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.
Trường hợp thứ hai là phụ nữ 43 tuổi sống tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát với triệu chứng phát ban dạng sẩn, sốt 39 độ, kèm theo đau cơ. Bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm vi rút Zika và được lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh. Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh (04), Bình Dương (01), Khánh Hòa (01) và Phú Yên (01).
Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng.
Mời bạn đọc xem thêm các thông tin về sức khoẻ tại HoiBenh.
Nguồn: Soha