Tổng quan về bệnh bướu máu ở trẻ em
Bướu máu ở trẻ em là một loại bướu lành tính, có nghĩa là không di căn, không tái phát (nếu điều trị đúng) và nhất là không nguy hiểm chết người.
Tổng quan về bệnh bướu máu ở trẻ em
Bệnh bướu máu ở trẻ em là một bệnh lý bẩm sinh về mạch máu. Đây là một loại bướu lành tính, có nghĩa là không di căn, không tái phát (nếu điều trị đúng) và nhất là không nguy hiểm chết người.
Khi sinh con ra các bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện. Nhưng đối với trẻ sơ sinh đang trong thời kỳ phát triển chưa ổn định nên hay mắc phải một số bệnh thường gặp trong đó có bệnh bướu máu.
Trong bài viết này, HoiBenh sẽ chia sẻ những thông tin về bệnh bướu máu ở trẻ em để các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về căn bệnh này.
1. Bệnh bướu máu ở trẻ em là gì?
Bướu máu là một loại bướu lành (không phải ung thư), được tạo nên bởi các tế bào lót trong các mạch máu (gọi là các tế bào nội mô): các tế bào này sinh sản nhanh chóng một cách bất thường tạo nên bướu máu.
Bướu máu được chia làm 2 loại:
- Bướu máu trẻ nhỏ (Infantile hemangioma): thường xuất hiện khi bé được vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi, dưới dạng một vết đỏ như mụn ruồi son, phát triển lớn dần đến khoảng được 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 tháng đến 2 tuổi, sau đó thoái hoá dần đến 6 tuổi thì hoàn toàn biến mất.
- Bướu máu bẩm sinh (congenital hemangioma): thường xuất hiện từ trong bào thai, trong loại này người ta lại chia ra làm 2 dạng: Một là dạng thoái triển (RICH): một khối màu đỏ tía lớn nhỏ tuỳ trường hợp tiến triển cũng giống như loại bướu máu trẻ nhỏ; và hai là dạng không thoái triển (NICH): bướu phát triển lớn dần tới một mức độ nào đó thì ngưng lại nhưng sẽ tồn tại mãi không thoái hoá.
2. Các triệu chứng phổ biến của bệnh:
Thường bướu máu ít khi thấy có ngay từ khi mới sinh, mà phải sau 7 đến 10 ngày. Những trường hợp thấy có ngay từ khi sinh thường là bướu máu phẳng, hoặc là các dị dạng mạch máu.
Bướu máu mao mạch xuất hiện như một vết son hay mảng màu rượu chát trên cùng một mặt phẳng với da, ấn xuống không mất màu. Bướu máu dạng hang thường lớn, nhô khỏi mặt da và trong đa số trường hợp bướu lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ, có thể làm biến dạng cơ thể; có thể thấy cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não. Bướu hỗn hợp thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong bì và dưới da.
Phần lớn bướu máu (60%) xuất hiện ở vùng đầu – mặt – cổ, 25% ở thân mình, 15% ở tay chân của trẻ. Đa số các trường hợp (80%) bướu máu chỉ xuất hiện ở 1 điểm, 20% có ở nhiều nơi. Tuyệt đại đa số các trường hợp, bướu máu chỉ ở ngoài da hoặc mô mỡ dưới da, nhưng cũng vài trường hợp trong năm ghi nhận có bướu máu ở nội tạng như gan, phổi, ruột...thậm chí cả ở não.
Hiện các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của bệnh bướu máu. Chỉ biết rằng đây không phải là bệnh di truyền và nó không liên quan gì đến bệnh tật, thuốc men hay thức ăn của bà mẹ trong lúc mang thai.
3. Phương pháp điều trị bệnh u máu ở trẻ em:
Có 3 cách điều trị bướu máu:
Cách 1: Phá hủy bướu: dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ (dán phóng xạ), ánh sang (laser) để đốt các tế bào bướu, hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu và may lại.
Cách 2: Kềm hãm sự phát triển của bướu: dùng thuốc (corticoid thoa, chích hay uống), hóa trị. (Con bạn đang được điều trị theo cách này)
Cách 3: Không can thiệp vào diễn tiến của bướu máu: chờ bướu thoái triển và xử lý di chứng.
Tùy theo vị trí của diễn tiến của bướu máu mà thầy thuốc sẽ quyết định phương pháp điều trị. Tuy nhiên, vì đây là bướu lành nên phải chú ý mục tiêu của điều trị thiên về thẩm mỹ hơn là cần thiết phải phá bỏ bướu do sự lo sợ của thân nhân.
Hy vọng những thông tin về bệnh u máu ở trẻ bên trên mong là sẽ góp phần giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để chăm sóc con cái. Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe và đừng quên đồng hành cùng HoiBenh để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích về sức khỏe.