Tìm hiểu từ a đến z về Vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Vắc xin tiêm phòng dại Verorab là loại vắc xin dại tinh chế được sử dụng để phòng chống và hỗ trợ điều trị phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm (sau khi bị súc vật cắn). Mời quý vị cùng đi tìm hiểu từ a đến z về vắc xin tiêm phòng dại Verorab qua bài viết dưới đây của chúng tôi.

Tìm hiểu từ a đến z về Vắc xin tiêm phòng dại Verorab Tìm hiểu từ a đến z về Vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Vắc xin tiêm phòng dại Verorab là loại vắc xin dại tinh chế được sử dụng để phòng chống và hỗ trợ điều trị phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm (sau khi bị súc vật cắn). Mời quý vị cùng đi tìm hiểu từ a đến z về vắc xin tiêm phòng dại Verorab qua bài viết dưới đây của chúng tôi.

Các thông số kỹ thuật của vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Tên thương mại: Verorab.

Nguồn gốc: được sản xuất bởi công ty Sanofi Pasteur - Pháp.

Thành phần:

  • Mỗi một liều vắc xin Verorab bột đông khô bao gồm:

Virus gây bệnh dại chủng Wistar rabies PM/WI 38 - 1503 - 3M.

Tá dược gồm: Maltose và Albumin huyết thanh người.

  • Ống dung môi:

NaCl + Nước pha tiêm vô trùng vừa đủ 0,5ml.

Quy cách đóng gói: Hộp gồm có 1 lọ vắc xin Verorab dạng bột đông khô, ống dung môi 0,5ml hoặc bơm kim tiêm.

Bảo quản: ở nhiệt độ từ 2-8°C.

vicare.vn-tim-hieu-tu-den-z-ve-vac-xin-tiem-phong-dai-verorab-body-1
Vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Chỉ định của vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Dùng để dự phòng trước khi bị phơi nhiễm

Vắc xin Verorab được chỉ định tiêm dự phòng cho những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại cao như:

  • Các nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, nơi sản xuất liên quan tới virus dại. Những người này cần được làm xét nghiệm huyết thanh 6 tháng 1 lần. Khi định lượng kháng thể dưới dưới ngưỡng bảo vệ (<0,5 IU/ml) thì phải tiêm vắc xin nhắc lại.
  • Các bác sĩ thú y, nhân viên kiểm lâm, người canh giữ và chăm sóc thú, thợ săn, những người làm việc ở lò mổ, người làm nghề nhồi bông thú, người nghiên cứu về hang động.
  • Người sinh sống hoặc đi du lịch hay di chuyển đến vùng có dịch bệnh dại đang lưu hành trên súc vật.

Dùng để phòng bệnh dại cho các đối tượng đã bị phơi nhiễm (sau khi bị súc vật cắn)

Ngay sau khi xác định hoặc có nghi ngờ bị phơi nhiễm, cần phải tiến hành đánh giá để có hướng điều trị và tiến hành tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh dại. Việc đánh giá và điều trị cần phải được thực hiện tại các trung tâm y tế điều trị bệnh dại. Quyết định tiêm phòng và điều trị dựa vào loại vết thương và tình trạng của con vật.

Đối với tình trạng con vật:

  • Nếu như không thể theo dõi con vật thì dù có nghi ngờ hay không nghi ngờ, bệnh nhân cần được tiến hành điều trị đầy đủ theo phác đồ tại trung tâm điều trị bệnh dại.
  • Nếu con vật bị chết, cần phải gửi não con vật đến phòng xét nghiệm để phân tích, đồng thời bệnh nhân cần được tiến hành điều trị tại trung tâm điều trị dại. Nếu kết quả xét nghiệm não con vật âm tính thì ngừng điều trị cho bệnh nhân. Ngược lại, kết quả dương tính thì bệnh nhân cần tiến hành điều trị đầy đủ theo phác đồ.
  • Trong trường hợp con vật còn sống và có thể theo dõi, bác sĩ thú y sẽ tiến hành theo dõi ít nhất là 10 ngày, tốt nhất là 14 ngày.
  • Nếu không nghi ngờ con vật bị dại, bệnh nhân sẽ được hoãn điều trị. Việc có điều trị hay không sẽ dựa vào kết quả theo dõi con vật của bác sĩ thú y.
  • Nếu nghi ngờ con vật bị bệnh dại, bệnh nhân cần tiến hành điều trị ngay. Trong quá trình theo dõi, nếu bác sĩ thú y thấy con vật không bị bệnh dại thì sẽ ngừng việc điều trị. Ngược lại, bác sĩ thú y phát hiện con vật bị bệnh dại thì cần tiếp tục điều trị đầy đủ theo phác đồ.

Đối với loại vết thương:

  • Trường hợp khi tiếp xúc hoặc cho súc vật ăn, súc vật liếm trên vùng da lành (vết thương độ I): không cần điều trị nếu bệnh sử đáng tin cậy.
  • Trường hợp súc vật gặm vùng da trần, bị xước nhẹ hoặc xước không chảy máu (vết thương độ II): bệnh nhân cần tiến hành tiêm vắc xin ngay lập tực. Việc điều trị sẽ dừng lại khi sức vật vẫn khỏe mạnh trong 10 ngày, hoặc súc vật bị giết và xét nghiệm âm tính với virus dại.
  • Trường hợp súc vật liếm trên vùng da bị trầy xước (vết thương độ II): bệnh nhân cần được cho sử dụng Globulin miễn dịch và tiêm vắc xin ngay lập tức. Quá trình điều trị sẽ dừng lại khi súc vật vẫn khỏe mạnh trong 10 ngày theo dõi, hoặc súc vật bị giết và xét nghiệm âm tính với virus dại.
  • Trường hợp có một hoặc nhiều vết cắn qua da hoặc niêm mạc bị nhiễm nước dãi của súc vật (vết thương độ III): bệnh nhân cần được sử dụng Globulin miễn dịch và tiến hành tiêm vắc xin ngay lập tức. Quá trình điều trị sẽ dừng lại nếu sức vật vẫn khỏe mạnh trong 10 ngày theo dõi, hoặc khi súc vật bị giết và xét nghiệm âm tính với virus dại.

Cách dùng và đường dùng Vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Cách dùng: sử dụng dung môi đi kèm để pha vắc xin dạng bột đông khô. Lắc kỹ để tạo thành dung dịch đồng nhất, trong suốt. Tiến hành tiêm vắc xin ngay sau khi pha xong (hoàn nguyên).

Đường dùng:

  • Tiêm bắp: với liều 0.5ml dung dịch vắc xin đã pha. Người lớn tiêm tại vùng cơ delta cánh tay. Trẻ em tiêm tại mặt trước bên đùi. Vắc xin Verorab không được tiêm vào vùng mông.
  • Tiêm trong da: với liều 0.1ml dung dịch vắc xin đã pha.

Lịch tiêm phòng vắc xin Verorab

Tiêm dự phòng trước khi bị phơi nhiễm:

  • Phác đồ tiêm cơ bản: tiêm bắp 3 liều 0.5 ml/liều vào các ngày 0, 7, 28 hoặc ngày 0, 7, 21.
  • Tiêm mũi nhắc lại: sau 1 năm tiến hành tiêm mũi thứ 4, các mũi tiếp theo cứ 5 năm tiêm 1 lần.

Tiêm phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm:

Sơ cứu ban đầu:

  • Ngay sau khi bị súc vật cắn, bệnh nhân cần phải vệ sinh, rửa vết thương bằng nước và xà phòng, hoặc các thuốc làm sạch vết thương.
  • Rửa sạch xà phòng ở vết thương thật kỹ bằng nhiều nước.
  • Sau đó sử dụng cồn iod hay cồn 70 độ hoặc dung dịch dẫn xuất ammonium bậc 4 tỷ lệ 0.1/100 để rửa vết thương.
  • Sau khi sơ cứu xong, đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất điều trị bệnh dại.

Phác đồ tiêm bắp như sau:

Cả người lớn và trẻ em đều sử dụng liều tiêm 0.5 ml/lần.

  • Người chưa tiêm dự phòng và người đã tiêm vắc xin dự phòng nhưng chưa hoàn thành phác đồ hoặc đã quá 5 năm mà chưa tiêm nhắc lại: tiêm 05 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày sau: 0, 3, 7, 14 và 28.
  • Người đã tiêm dự phòng đầy đủ theo phác đồ trong vòng 5 năm gần đây: tiêm 02 liều (0.5 ml/liều) vào các ngày 0 và 3.

Trường hợp vết thương phơi nhiễm độ III, cần phải kết hợp tiêm vắc xin Verorab với Immuno globulin miễn dịch dại:

  • Tiến hành tiêm Immuno globulin miễn dịch dại cùng với mũi tiêm vắc xin đầu tiên.
  • Sử dụng bơm kim tiêm riêng, tuyệt đối không được trộn lẫn vắc xin Verorab với globulin miễn dịch, và tiêm khác vị trí.
  • Liều Immuno globulin miễn dịch:
  • Nguồn gốc từ người sử dụng liều: 20 IU/kg cân nặng.
  • Nguồn gốc từ ngựa sử dụng liều: 40 IU/kg cân nặng.

Độ nặng nhẹ của tình trạng phơi nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố sau: vị trí vết thương, độ nặng của vết thương, thời điểm đến khám cách thời điểm bị súc vật cắn bao lâu, tình trạng suy giảm miễn dịch của bệnh nhân,... Đối với các trường hợp nặng hoặc bệnh nhân đến khám muộn có thể tiêm liền 2 mũi vắc xin trong ngày thứ 0 (ngày tiêm đầu tiên).

Phác đồ tiêm trong da như sau:

  • Người chưa tiêm dự phòng và người đã tiêm vắc xin dự phòng nhưng chưa hoàn thành phác đồ hoặc đã quá 5 năm mà chưa tiêm nhắc lại: tiêm 02 liều (0.1 ml/liều) tại 2 vị trí khác nhau vào các ngày sau: 0, 3 và 7. Sau đó tiêm 01 liều (0.1ml/liều) vào ngày 28 (hoặc ngày 30) và ngày 90. Phác đồ là 2 - 2 - 2 - 1 - 1.
  • Người đã tiêm dự phòng đầy đủ theo phác đồ trong vòng 5 năm gần đây: tiêm 01 liều (0.1 ml/liều) vào các ngày 0 và 3.
vicare.vn-tim-hieu-tu-den-z-ve-vac-xin-tiem-phong-dai-verorab-body-2

Chống chỉ định của vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Vắc xin Verorab chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Không tiêm vắc xin Verorab vào mạch máu trong bất kỳ trường hợp nào.
  • Người rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu: không tiêm bắp.
  • Các trường hợp sau không được tiêm trong da:

Người đang điều trị dài ngày bằng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác hay thuốc Chloroquin.

Người bị khiếm khuyết về miễn dịch.

Người đến khám muộn.

Trẻ em hoặc người có vết cắn nguy hiểm hoặc bị cắn ở các vùng đầu, cổ.

  • Đối với tiêm dự phòng, không tiêm cho các trường hợp sau:

Người đang bị sốt.

Người đang bị nhiễm trùng nặng.

Người có bệnh cấp tính hoặc mạn tính dang trong giai đoạn tiến triển.

Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.

  • Đối với tiêm phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm: không có chống chỉ định nào trong trường hợp này. Bởi bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm phòng kịp thời.
vicare.vn-tim-hieu-tu-den-z-ve-vac-xin-tiem-phong-dai-verorab-body-3

Thận trọng khi sử dụng vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Các trường hợp sau cần phải thận trọng khi sử dụng vắc xin Verorab:

  • Những người có nguy cơ nhiễm virus dại cao nên làm xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh 6 tháng 1 lần. Khi định lượng kháng thể dưới ngưỡng bảo vệ (<0.5 IU/ml) cần tiêm vắc xin nhắc lại.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch, sau khi tiêm vắc xin 2 - 4 tuần có thể làm xét nghiệm đánh giá nồng độ kháng thể. Nếu định lượng kháng thể dưới ngưỡng 0.5 IU/ml sẽ phải tiêm nhắc lại.
  • Cần thận trọng với những người dị ứng với Neomycin.
  • Việc tiêm trong da phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ lưỡng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng.
  • Khi tiến hành tiêm trong da nên sử dụng loại bơm kim tiêm tiệt trùng liền kim.
  • Khi thực hiện tiêm trong da đúng kỹ thuật thì khi rút kim tiêm ra sẽ phải có nốt phồng da cam. Nếu không có nốt phồng là do tiêm sâu quá sẽ phải tiến hành tiêm lại ở vị trí khác, gần vị trí vừa tiêm.
  • Vắc xin sau khi pha (hoàn nguyên) nên sử dụng luôn, nếu không sử dụng ngay phải bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, và phải sử dụng trong ngày. Sau khi pha 24h nếu không sử dụng phải bỏ ngay.
  • Cần phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và thuốc cấp cứu để đề phòng trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm.

Phụ nữ có thai và đang cho con bú

  • Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về ảnh hưởng của vắc xin tiêm phòng dại Verorab đối với phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Các trường hợp tiêm vắc xin với mục đích dự phòng nên hoãn đối với các đối tượng này.
  • Vắc xin Verorab không bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú trong trường hợp các đối tượng này bị phơi nhiễm và có nguy cơ cao bị bệnh dại.

Tác dụng không mong muốn của vắc xin tiêm phòng dại Verorab

Sau khi tiêm vắc xin Verorab, người tiêm có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn sau đây:

  • Tại chỗ tiêm có thể bị sưng, nổi quầng đỏ, đau, nốt cứng hoặc bị ngứa tại chỗ tiêm.
  • Phản ứng toàn thân: bệnh nhân có thể bị sốt vừa, ngất, run rẩy, suy nhược, chóng mặt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau bụng hay buồn nôn.
  • Các phản ứng hiếm gặp là: sốc phản vệ, ban đỏ, mày đay.

Tương tác với thuốc

Các thuốc Corticosteroid có thể làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, giảm sinh kháng thể sau khi tiêm vắc xin Verorab. Bởi vậy với các trường hợp bắt buộc phải tiêm vắc xin trong khi đang sử dụng các loại thuốc này, sau khi tiêm 2 - 4 tuần cần làm xét nghiệm định lượng kháng thể. Nếu lượng kháng thể thấp hơn mức bảo vệ (<0.5 IU/ml) cần phải tiêm nhắc lại.

Trên đây là các thông tin về vắc xin tiêm phòng dại Verorab. Khi sử dụng vắc xin cần phải tiêm đủ liều theo đúng phác đồ. Tuyệt đối không được tự ý dừng tiêm khi không có chỉ định của bác sĩ, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.

Xem thêm:

  • Bị chó mèo cắn vào đâu thì phải đi tiêm vắc xin phòng dại?
  • Vắc-xin bệnh dại có gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh không?
  • Tiêm 5 mũi vắc-xin phòng dại Abhayrab thì đã an toàn chưa?