Tìm hiểu kỹ thuật nắn trật khớp vai
Trật khớp hay trật khớp vai là tình trạng rất phổ biến ở nhiều người, có thể xảy ra với mọi đối tượng từ người trẻ đến người già, nam giới hoặc phụ nữ. Trật khớp vai hay gặp nhất ở người trẻ khoẻ, tuổi từ 20 – 40 tuổi, chiếm 60% tổng số trật khớp. Có thể gặp trật khớp vai mới, trật cũ và trật tái diễn.
Tìm hiểu kỹ thuật nắn trật khớp vai
Khớp vai
Khớp vai là một khớp chỏm cầu vì thế biên độ vận động của khớp lớn. Chỏm to, hõm khớp bé, có một sụn viền quanh khớp để tăng cường cho khớp
Các phương tiện giữ khớp: bao khớp rộng và lỏng lẻo, phía trước mỏng, có các dây chằng tăng cường. Dây chằng là chỗ dày lên của bao khớp. Giữa dây chằng giữa và dây chằng dưới là điểm yếu. Vì thế hay bị trật khớp vai kiểu trước trong, dưới mỏm quạ.
Cơ chế chấn thương
Cơ chế chấn thương thường là gián tiếp, do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài
Các yếu tố thuận lợi cho trật khớp: khớp vai có biên độ vận động lớn, chỏm to hõm nông, các dây chằng bao khớp ở trước dưới yếu
Triệu chứng thường gặp khi bị trật khớp vai
– Khớp vai đau mạnh và không cử động được do khớp vai bị trật ra khỏi vị trí khiến việc phối hợp hoạt động với các nhóm cơ không đồng bộ.
– Sờ vào vai có thể thấy hõm khớp rỗng, tay tại khớp vai bị đau bị cố định tại 1 tư thế, nếu cử động tay sang hướng khác sẽ rất đau và tự bật về chỗ cũ như lò xo.
– Trật khớp kèm theo gãy xương có thể gây tê liệt dây thần kinh cảm giác và vận động ở cánh tay.
Các bước xử lý khi bị trật khớp vai
Bước 1: Hạn chế di chuyển hoặc cử động
Khi bị trật khớp vai, việc đầu tiên là bạn đừng di chuyển hoặc cử động khớp vai để tránh tạo thêm lực lên khớp gây đau hơn. Các động tác lắc tay, xoay khớp hoặc nắn khớp có thể khiến khớp bị tổn thương, các nhóm cơ, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu quanh khớp vai có thể bị ảnh hưởng nặng hơn lúc ban đầu.
Bước 2: Cố định khớp vai
Tiếp theo, dùng băng vải cố định khớp vai ở tư thế hiện tại để nâng đỡ khớp bị tổn thương, giúp người bệnh đỡ đau và thoái mái hơn.
Bước 3: Chườm lạnh
Cho đá hoặc nước lạnh vào túi chườm và chườm lên vùng khớp vai để làm dịu nhanh cơn đau và giảm sưng hiệu quả. Chú ý tránh các phương pháp chườm nóng, bóp muối, xoa rượu thuốc, dùng mật gấu để giảm đau vì không mang đến hiệu quả giảm đau khớp vai mà có thể khiến các mạch máu, dây thần kinh bị tổn thương hơn.
Bước 4: Đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời
Trật khớp vai tuy không quá nguy hiểm nhưng sau khi cố định khớp và chườm lạnh, bạn đã cảm thấy cơn đau thuyên giảm thì vẫn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị phù hợp, giúp chữa trật khớp nhanh chóng và an toàn hơn.
Phân loại trật khớp vai
Trật khớp vai mới
- Trật khớp vai trước, xuống dưới, vào trong
Hầu hết đến 95% là trật khớp vai ra trước, khi bị trật ra trước thì chỏm xương xuống dưới và vào trong, gồm có:
Chỏm ngoài mỏm quạ (còn gọi là bán trật)
Chỏm dưới mỏm quạ (chiếm khoảng 80% trật khớp loại này)
Chỏm trong mỏm quạ.
Chỏm dưới xương đòn, trong lồng ngực.
- Trật xuống dưới ổ chảo, cánh tay quặt ngược lên (ít gặp).
- Trật ra sau, rất hiếm(5%) vì có xương bả vai án ngữ.
Trật khớp vai cũ
Là trật khớp đến muộn trên 3 tuần.
Trật khớp vai tái diễn
Là trật khớp mà có tần suất trật đi trật lại trên 10 lần
Các kĩ thuật nắn trật khớp vai
Đối với trật khớp vai mới
- Vô cảm cần gây mê để nắn, thêm thuốc dãn cơ, nắn nhẹ nhàng quan trọng hơn là nắn cố lấy được.
- Nắn
Phương pháp Hypocrat bệnh nhân nằm ngửa, người nắn ngồi bên cạnh, độn gót chân vào nách, đạp chân tựa vào thành ngực kéo cánh tay dạng 20 độ, từ từ, có thể kèm xoay nhẹ. Theo Bohler gần 100 trường hợp chỉ mấy lần thất bại do mẩu xương, gân bị kẹt vào hõm khớp.
Phương pháp Kocher không dùng cho nắn trật lần đầu, vì làm hỏng phần mềm do lực đòn bẩy có hại. Nay còn dùng cho trật tái diễn đã nhiều lần, có thể tự nắn, gây tê tại chỗ. Nắn theo 4 thì
Thì 1: kéo thẳng cánh tay.
Thì 2: xoay cánh tay ra ngoài bằng cách đưa cẳng tay ra ngoài tối đa.
Thì 3: khép cánh tay vào thân mình bệnh nhân.
Thì 4: đưa cánh tay lên trên và vào trong, bàn tay s ờ được tai đối diện.
Một số kiểu nắn khác: ISELIN, Djenalizde, Arlt...
- Bất động bất động bằng băng Desault để 3 – 4 tuần. Bệnh nhân trên 40 tuổi băng khoảng 2 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu khớp vai.
Đối với trật khớp vai cũ
- Từ 3 – 4 tuần, nắn thử theo phương pháp Hypocrat.
- Từ 4 – 8 tuần, nắn thử nhẹ nhàng, không cố gắng để nắn vì dễ gây nên gãy cổ xương cánh tay.
- Sau 8 tuần không còn chỉ định nắn, phải mổ đặt lại khớp.
- Mổ đặt lại khớp vai, găm kim Kirchner, hoặc bắt vít giữ trong 3 tuần, sau đó rút kim và cho tập phục hồi chức năng.
Đối với trật khớp vai tái diễn
Đa số bị trong 2 năm đầu sau lần trật đầu tiên. Chỉ có 21% bị sau 2-5 năm. Càng ngày càng bị trật nhiều hơn và do chấn thương nhẹ hơn. Nam nhiều hơn nữ. Điều trị trật khớp vai tái diễn còn khá phức tạp và chủ yếu bằng phẫu thuật.
- Phẫu thuật can thiệp phần mềm
Phục hồi bao khớp phía trước (kỹ thuật Bankart): khâu chỗ rách bao khớp phía trước bằng các mũi khâu qua xương.
Kỹ thuật làm ngắn cơ dưới vai (kỹ thuật Putti-Platt): cắt rời gân cơ dưới vai cách chỗ bám tận 2,5 cm, mở bao khớp khâu chỗ rách vào trước ổ chảo, khâu chồng lên gân cơ dưới vai làm cho gân cơ này ngắn lại.
- Phẫu thuật can thiệp xương
Chốt xương bờ trước dưới ổ chảo (kỹ thuật Eden-Hybbinette)
Chuyển vị trí mẩu mỏm quạ có cơ bám (kỹ thuật Latarzet)
Biến chứng của trật khớp vai
Tổn thương thần kinh có thể gặp đến 15% số trường hợp
- Có nhiều mức độ, từ liệt nhẹ thần kinh mũ đến liệt nặng đám rối thần kinh cánh tay
- Cơ denta hay bị nhất, 10%, thường bị liệt tạm thời. Nếu bị liệt kéo dài quá 3 tháng sẽ không hồi phục, hiếm gặp.
Tổn thương mạch máu
- Năm 1911, Guibe thông báo 78 trường hợp bị thương tổn mạch máu trong trật khớp vai.
- Năm 1942 J.P. Calvé tập hợp 90 trường hợp, tỉ lệ gặp 6 – 10%, có thể động mạch bị tắc do thương tổn nội mạc sau đụng dập, bị rách bên do đứt gốc động mạch vai dưới.
Đau quanh khớp vai rất hay gặp ở người lớn tuổi sau trật khớp vai, đau dai dẳng, khó chịu cho sinh hoạt cũng như lao động hàng ngày. Ngày nay, nhờ chụp C.T.Scanner và cộng hưởng từ (MRI), người ta thấy rõ các tổn thương phần mềm đai vai, can thiệp nội soi khớp vai, nên di chứng đau quanh khớp vai được khắc phục.
Xem thêm:
- Trật khớp vai nhiều lần vì sao?
- Làm thế nào có thể nhận biết nếu trẻ bị trật khớp vai?