Thuốc bổ gan, giải độc gan - con dao hai lưỡi ?

Hiện nay, nhiều người tự cho mình là bị viêm gan,mụn nhọt... cũng tự ý mua thuốc hay các loại thực phẩm chức năng bổ gan, giải độc gan về sử dụng. Tuy nhiên, họ không biết được rằng cách làm như vậy sẽ gây hại cho sức khỏe.

Thuốc bổ gan, giải độc gan - con dao hai lưỡi ? Thuốc bổ gan, giải độc gan - con dao hai lưỡi ?

Vì sao phải giải độc gan?

Gan là bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể, là cơ quan duy nhất có thể ngăn chặn và chuyển hóa các chất độc từ bên ngoài vào cơ thể như thức ăn, khói, bụi, đồ uống độc hại như bia rượu... Thế nhưng khả năng giải độc của gan chỉ ở mức giới hạn. Nếu cơ thể bạn tiếp xúc với quá nhiều những chất độc hại, gan làm việc không xuể, những chất độc đó sẽ tích tụ lại trong cơ thể, đầu tiên là ở gan sau đó sẽ đến một số bộ phận khác... Khi đó, để cân bằng hoạt động cho cơ thể nói chung và cân bằng hoạt động của gan nói riêng, người ta cần phải giải độc gan. Giải độc gan cần thiết đối với những người có lá gan đang bị tổn thương, phải làm việc quá sức, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, vì gan khỏe thì cơ thể cũng khỏe.

uống rượu

Uống nhiều rượu bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan

Đâu là thuốc bổ gan, giải độc gan?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bảo vệ nhu mô, tăng cường chức năng gan, tăng giải độc cho gan mà người tiêu dùng thường gọi là thuốc bổ gan. Trong đó được chia thành 2 loại: Nhóm hợp chất tổng hợp (cianidanol, essential, flumeciol, methionin...) và nhóm dược chất chiết xuất từ dược liệu, dược thảo (biphenyl dimethyl dicarboxylat, silymarin, silibinin...). Cụ thể:

Cianidanol: Tăng cường nồng độ ATP ở gan, trung hòa gốc tự do, ổn định màng lysosom tế bào gan, tăng khả năng đáp ứng miễn dịch. Dùng trong viêm gan virut cấp mạn, bệnh gan do nghiện rượu, nhiễm độc gan cấp.

Essential (dạng tiêm): Có tính năng điều hòa chức năng gan bị rối loạn... Dùng trong thoái hóa mỡ ở gan do các nguyên nhân khác nhau, viêm gan cấp hay mạn, xơ gan chớm phát, tổn thương chức năng gan do các bệnh khác.

Flumeciol: Là chất cảm ứng enzym, bảo vệ nhu mô gan (nhờ có tính giải độc với một số hóa chất thuốc). Thuốc dùng trong viêm gan do nhiễm độc (như ngộ độc thuốc gây rối loạn chuyển hóa gan), phòng vàng da cho trẻ sơ sinh.

Methionin: Dùng trong viêm gan do nhiễm độc thuốc các chứng thiếu máu thứ phát, ban xuất huyết, suy dinh dưỡng do bệnh tật, do ăn thiếu chất đạm...

Biphenyl dimethyl dicarboxylat: Có tác dụng bảo vệ gan, chống lại tổn thương gan do dùng rượu, thuốc; Làm giảm nhanh enzym gan ALT tăng bất thường, cải thiện đáng kể chức năng gan; Dùng hỗ trợ điều trị viêm gan do nhiễm virut, uống rượu, dùng thuốc, do gan nhiễm mỡ.

Silibinin và silymarin: Hai hoạt chất trên có tính năng bảo vệ gan (ổn định màng tế bào, duy trì các chức năng nhu mô gan), hướng mỡ, kích thích quá trình tái tạo nhu mô gan. Dùng bảo vệ nhu mô gan khi dùng các thuốc có độc với gan.

Khi nào cần dùng thuốc?

thuốc

Nhiều người lạm dụng thuốc bổ gan, giải độc gan mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

Giải độc gan hiệu quả là phải sử dụng thuốc giải độc gan đúng cách. Nghĩa là người bệnh nếu nghi ngờ bị nóng gan, suy giảm chức năng gan thì cần phải đi thăm khám và làm các kiểm tra chức năng gan. Sau khi có kết quả và được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh hiện tại thì người bệnh mới được sử dụng thuốc giải độc gan.

Khi bị các bệnh về gan, phải dùng thuốc đặc trị (viêm gan do virut thì dùng thuốc ức chế virut, viêm gan do rượu thì cai rượu và dùng thuốc điều trị...). Tất cả các thuốc trên chỉ dùng để hỗ trợ gan.Các thuốc bổ gan, giải độc gan nếu dùng đúng lúc sẽ hỗ trợ khi gan bị tổn thương hay bị rối loạn chức năng. Khi vào cơ thể, thuốc nào (hóa dược, chất chiết xuất hay dược liệu) cũng buộc gan phải làm việc (chuyển hóa thành chất có lợi, giải hóa thành chất không độc). Thời điểm thuận lợi nhất dùng các thuốc hỗ trợ này là sau khi tình trạng bệnh gan đã ổn định hay tương đối ổn định. Khi enzym gan ALT tăng bất thường, chức năng gan (kể cả chức năng giải độc gan) suy giảm thì dùng các thuốc hỗ trợ này.Khi gan trở lại bình thường thì ngừng thuốc.

Đối với người không có bệnh lý ở gan nhưng chức năng gan yếu, có thể dùng các chế phẩm này để hỗ trợ, bồi dưỡng cho gan nhưng cần có sự tư vấn của thầy thuốc, không tự ý dùng thuốc bổ gan, làm hạ men gan sẽ nguy hại đến sức khỏe.

Một vấn đề phổ biến là nhiều người sử dụng thuốc bổ gan để ngăn ngừa những tổn thương do uống bia, uống rượu. Do tâm lý đã có thuốc “giải độc”, bảo vệ gan nên nhiều người chủ quan, càng thỏa sức uống bia rượu nhiều hơn. Dĩ nhiên các loại thuốc này cũng hỗ trợ cho gan trong vấn đề thanh nhiệt, giải độc nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nếu uống bia rượu liên tục, uống quá nhiều thì không thuốc nào có thể giúp gan khỏe được. Thậm chí nếu dùng không đúng, dùng bừa bãi hoặc dùng quá nhiều loại thuốc bổ gan cùng lúc thì vô tình lại bắt gan làm việc nhiều hơn trong khi gan không được khỏe. Như vậy dễ khiến gan bị tổn thương hơn, chức năng gan vì thế cũng suy giảm hơn.

vicare.vn-kham-suc-khoe-tong-quat-o-dau-tot-tai-ha-noi

Bạn nên đi khám bác sĩ để hiểu rõ bệnh của mình

Sai lầm nhiều người hay mắc phải là khi cơ thể có triệu chứng bất thường đều nghĩ là do “nóng gan” nên mua thuốc giải độc gan, làm mát gan về uống tràn lan. Thường gặp nhất là khi bệnh nhân nổi mụn nhọt, ngứa ngáy, sắc tố da thay đổi... Quan niệm sai lầm thường gặp là nhiều người nghĩ rằng các thuốc giải độc gan, bổ gan nguồn gốc thảo dược (thuốc Nam, thuốc Đông y,...) vì do chế biến từ cây cỏ thiên nhiên nên vô hại, uống vào “không bổ ngang cũng bổ dọc”.

Về nguyên tắc, không có bệnh thì không dùng thuốc. Việc dùng thuốc giống như “con dao hai lưỡi”. Dùng thuốc tức là đưa dược chất vào cơ thể để trị bệnh, ngoài tác dụng chính để trị bệnh, thuốc có thể gây nên những tương tác bất lợi nhất là khi lạm dụng thuốc, dùng thuốc không có hướng dẫn chuyên môn. Thuốc được dùng đúng chỉ định, chính xác thì mới đem lại lợi ích cho người bệnh và tránh được các rủi ro, bất lợi. Thuốc Đông y, thuốc Nam cũng là thuốc và cần phải sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc, trên cơ địa của từng người với từng chẩn đoán bệnh khác nhau. Không thể sử dụng tràn lan theo kiểu truyền miệng vì trong các loại cây thảo dược có những hoạt chất trị bệnh được, nhưng cũng có nhiều chất không trị bệnh được và có thể gây hại cho gan.

Nguồn: Sức khỏe đời sống