Thông tin cần biết về nhóm kháng sinh aminosid

Bạn đã từng nghe về nhóm kháng sinh có tên là aminosid nhưng không biết nhóm này có đặc điểm gì, cơ chế tác dụng ra sao, có những lưu ý gì trong khi sử dụng? Hãy cùng khám phá sâu hơn về nhóm kháng sinh aminosid với bài viết sau đây.

Thông tin cần biết về nhóm kháng sinh aminosid Thông tin cần biết về nhóm kháng sinh aminosid

Đặc điểm của nhóm kháng sinh aminosid

Kháng sinh nhóm aminosid hay còn gọi là aminoglycosid. Đây là nhóm có tác dụng diệt khuẩn, tức là trong huyết tương có thể dễ dàng đạt được nồng độ MBC (MBC gần bằng MIC), nhìn chung được sử dụng với những người có sức đề kháng yếu hoặc với các nhiễm khuẩn mức độ nặng.

Nhóm kháng sinh aminosid có các đặc điểm chung như sau:

  • Dùng chủ yếu bằng đường tiêm vì không/ít hấp thu được qua đường tiêu hóa.
  • Độc với thận và thính giác (đây là tác dụng phụ chung của các kháng sinh trong cả nhóm).
  • Phổ tác dụng tương đối rộng, chủ yếu trên vi khuẩn gram âm. Có thể hiện tác dụng trên nhóm vi khuẩn gram dương nhưng hoạt tính yếu hơn penicillin.
  • Cơ chế tác dụng: thay đổi quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, phá vỡ cấu trúc và tiêu diệt chúng.

Cơ chế hoạt động của nhóm kháng sinh aminosid

Các aminosid gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosome làm sai lệch quá trình tổng hợp protein thông thường, gây biến dạng ribosome từ đó tiêu diệt vi khuẩn. Có 3 cách tác động của kháng sinh đến sự tổng hợp protein vi khuẩn bao gồm:

  • Chỉ một ribosome tiếp cận được với sợi ARN thông tin do các polysome bị chuyển thành các monosome, dẫn đến không thể tổng hợp được chuỗi peptid mới do ribosome không trượt dọc được theo sợi ARN thông tin.
  • Vi khuẩn bị tiêu diệt do tạo ra các protein không có hoạt tính. Điều này bị gây ra do việc đọc sai mã ở đơn vị 30S, các acid amin không được sắp xếp theo đúng trình tự.
  • Không thể tạo được phức hợp khởi đầu trong quá trình tổng hợp protein vi khuẩn.

Cơ chế của vi khuẩn kháng lại nhóm kháng sinh aminosid

Ngoài các nguyên nhân gây kháng thuốc giả của vi khuẩn như hệ miễn dịch suy giảm, kháng sinh không thể tiếp xúc với vi khuẩn (do màng bọc, ứ trệ tuần hoàn hoặc có vật cản) thì dưới đây là các lý do chính khiến kháng sinh nhóm aminosid bị vi khuẩn kháng lại:

  • Do cấu tạo vốn có của vi khuẩn (kháng thuốc tự nhiên). Nhóm kháng sinh aminosid có hệ vận chuyển phụ thuộc oxy, vì vậy chỉ có tác dụng diệt khuẩn với các vi khuẩn hiếu khí. Các vi khuẩn nhóm kỵ khí kháng lại aminosid vì chúng không có hệ vận chuyển này.
  • Vi khuẩn thay đổi receptor gắn thuốc. Aminosid chỉ tác dụng thông qua tiểu đơn vị 30S. Khi vi khuẩn thay đổi các receptor trên tiểu đơn vị này thì chúng không còn chịu ảnh hưởng từ kháng sinh.

Lưu ý gì khi sử dụng nhóm kháng sinh aminosid trong điều trị?

Trong điều trị bằng kháng sinh, các bác sĩ hay sử dụng phối hợp thuốc một cách hợp lý để tăng hiệu quả, mở rộng phổ hoặc sử dụng với các thuốc khác để điều trị đồng thời các bệnh. Tuy nhiên với kháng sinh nhóm aminosid, khi sử dụng cùng các thuốc sau thì cần lưu ý:

  • Amphotericin: gây tăng độc tính trên thận
  • Vancomycin: tăng độc tính trên thận
  • Các aminosid khác: tăng độc tính trên thận và thính giác
  • Thuốc lợi tiểu furosemid: tăng độc tính trên tai
  • Các thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: tăng độc tính trên thận
  • Thuốc chống đông máu: tăng thời gian prothrombin
  • Thuốc mềm cơ cura: liệt hô hấp, ngạt thở
  • Các kim loại nhiều hóa trị: giảm hấp thu kháng sinh aminosid
  • Glucocorticoid: nếu dùng kéo dài có nguy cơ xuất hiện bội nhiễm nấm

Các đại diện của nhóm kháng sinh aminosid

Các kháng sinh nhóm aminosid có các đặc điểm chung như đã nói ở trên, tuy vậy, mỗi kháng sinh đều có những điểm nổi bật khác nhau. Một số đại diện của nhóm này là gentamicin, amikacin, neomycin, streptomycin, tobramycin...

Gentamycin

vicare.vn-cu-ve-nhom-khang-sinh-aminosid-body-1

Thuốc khuếch tán được vào bào thai, sữa mẹ, dịch ngoại bào nhưng khó vào được dịch não tủy, thậm chí cả khi não bị viêm. Gentamycin ít chuyển hóa trong cơ thể, được đào thải chủ yếu qua thận.

Tác dụng chủ yếu của kháng sinh này là trên vi khuẩn ưa khí gram âm. Hiện nay vi khuẩn kháng gentamycin được biết đến bao gồm: vi khuẩn kỵ khí, nấm, Mycobacterium.

Gentamycin được dùng trong các trường hợp nhiễm trùng nặng tại bệnh viện nghi ngờ do vi khuẩn gram âm, dự phòng trong phẫu thuật. Thuốc có thể được phối hợp cùng metronidazol, clindamycin, quinolon, penicillin để tăng cường khả năng kháng khuẩn.

Streptomycin

Cũng giống gentamycin, thuốc được dùng chủ yếu qua đường tiêm bắp do ít hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, thuốc không bị phá hủy bởi dịch vị dạ dày nên một số trường hợp có thể sử dụng streptomycin để diệt khuẩn đường tiêu hóa.

Tác dụng tốt trên vi khuẩn lao, đặc biệt là giai đoạn sinh sản nhanh. Ngoài ra thuốc thường được dùng với trực khuẩn đường ruột, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, bệnh phong hoặc phối hợp với penicilin trong điều trị viêm màng trong tim do liên cầu.

Thuốc thường được dùng dưới dạng thuốc bột pha tiêm, dạng muối sulfat. Streptomycin được cho là gây độc với thính giác nhất so với các thuốc cùng nhóm.

Tobramycin

So với gentamycin, thuốc có hoạt tính mạnh gấp 2-4 lần. Thường được dùng đơn độc để tiêu diệt trực khuẩn mủ xanh hoặc phối hợp với penicillin để tăng cường khả năng diệt khuẩn.

Thuốc dùng dưới dạng dung dịch tiêm hoặc thuốc mỡ tra mắt.

Neomycin

Thuốc dùng chủ yếu tại chỗ do độc tính cao với thính giác và thận. Thuốc ít hấp thu qua đường tiêu hóa, chỉ sử dụng đường uống khi chuẩn bị cho phẫu thuật tiêu hóa (diệt vi khuẩn hiếu khí ở ruột).

Xem thêm:

  • Tìm hiểu về các loại thuốc kháng sinh nhóm beta lactam
  • Nhóm kháng sinh macrolid có được sử dụng phổ biến không ?