Thói quen dùng son màu đỏ đậm khiến nữ MC bị nhiễm độc chì

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong suốt nhiều chục năm làm nghề lần đầu tiên mới đây ông đã gặp một trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc chì vì thói quen dùng son đậm màu để tô môi.

Thói quen dùng son màu đỏ đậm khiến nữ MC bị nhiễm độc chì Thói quen dùng son màu đỏ đậm khiến nữ MC bị nhiễm độc chì

Bên lề Hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc năm 2017 vừa diễn ra cuối tuần qua taị Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Phạm Duệ- nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cách đấy mấy tháng khi ông đến ghi hình tại một đài truyền hình thì nữ MC có hỏi riêng ông rằng liệu cô có bị nhiễm chì không khi có nhiều biểu hiện như mất ngủ, táo bón, hay quên...

Qua trao đổi ban đầu thì được biết nữ MC này thường xuyên có thói quen dùng son môi đậm. “Tôi có hỏi thêm xem nữ MC này có dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì khác hay không thì cô ấy cho biết chỉ có thói quen dùng son màu đỏ, đỏ cam hàng ngày”- PGS.TS Phạm Duệ kể.

vicare.vn-thoi-quen-dung-son-mau-do-dam-khien-nu-mc-bi-nhiem-doc-chi-body-1

Thói quen dùng son màu đỏ đậm đã khiến nữ MC bị ngộ độc chì.

PGS.TS Phạm Duệ đã tư vấn nữ MC nên đi kiểm tra nồng độ chì. Kết quả khi kiểm tra răng thì phát hiện viền lợi của cô MC này đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Sau khi lấy máu xét nghiệm, phát hiện lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép

“Với những trường hợp này sẽ phải thải độc chì. Với ngộ độc chì mãn, sẽ lắng đọng nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có xương. Sẽ cần thời gian dài để thải độc chì vì khi dùng thuốc, chì trong máu sẽ tụt nhanh, khi đó dùng thuốc thêm cũng không có tác dụng. Cần nghỉ một thời gian để chì trong xương nhiễm ra mới có thể tiếp tục thải được”, PGS.TS Phạm Duệ cho biết

Qua trường hợp này, PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, đặc biệt màu đỏ cam, khi đánh rồi không nên “liếm môi” và trước khi ăn cần lau sạch son.

Cũng trong bài trình bày tại hội nghị, PGS. TS Phạm Duệ cho biết, nhiễm độc chì ở người lớn có thể khỏi nhưng với trẻ em sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất như chậm lớn, trí tuệ kém, tự kỷ, nặng nhất là mất khả năng tự phục vụ vĩnh viễn. Ở trẻ càng nhỏ, tác hại càng nặng.

Chì hấp thụ vào cơ thể qua 4 con đường chính như: Tiếp xúc lâu dài qua da; Qua hô hấp do hít thở hàng ngày từ bụi sơn chì, hơi xăng xe (con đường này gây nhiều nguy hại và ảnh hưởng tới trẻ em nhiều hơn do tốc độ chì lắng đọng ở phổi của trẻ cao hơn gấp 2,7 lần người lớn); Qua tiêu hóa (đây là đường phổ biến nhất thông qua các thực phẩm chứa thuốc trừ sâu, chất bảo quản, rồi một số trẻ có thói quen ngậm các đồ vật có chì cũng là nguyên nhân gây ngộ độc chì); Tiếp đến chì có thể ngấm vào cơ thể qua nhau thai, sữa mẹ.

Theo PGS.TS Phạm Duệ, tại Việt Nam hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng ảnh hưởng của chì đến sự phát triển của trẻ, tuy nhiên nhưng qua những ca bệnh trong mấy năm vừa qua cho thấy nhiều trẻ nhiễm độc chì bị co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ.

vicare.vn-thoi-quen-dung-son-mau-do-dam-khien-nu-mc-bi-nhiem-doc-chi-body-2

Lấy máu xét nghiệm nồng đôc chì trong máu cho trẻ em làng nghề tái chế chì.

“Các nghiên cứu cũng chỉ rõ phơi nhiễm chì từ bé có ảnh hưởng đáng kể và lâu dài tới sự tái tổ chức vùng vỏ não, liên quan đến chức năng ngôn ngữ”, PGS.TS Phạm Duệ nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, theo thống kê từ 2011-2016 đã có tới 894 trẻ ngộ độc chì với ngưỡng trên 10mcg/dL từ 26 tỉnh thành đến khám và điều trị. Trong đó ít nhất 2 trường hợp tử vong. Có trường hợp bệnh nhi có lượng chì trong máu cao nhất lên tới gần 200mcg/dL, ròng rã thải chì 6 năm mới xuống được 20mcg/dL.

Đến nay, việc điều trị thải độc chì được khuyến cáo tiến hành liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm mới có thể thải loại được lượng chì đã thôi nhiễn ra khỏi cơ thể người nhiễm chì.

Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì.

Theo Sức khỏe & Đời sống