Thời điểm vàng để cho trẻ tập đứng
Để con có thể tự tin bước từng bước chân vững chãi đầu đời là một khoảng thời gian khá dài, nó cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ đầy đủ từ bố mẹ. Đó là những lời động viên dành cho trẻ, khi con có thể tự đứng một mình khá lâu; hay đó là những cái xoa nhẹ nhàng từ mẹ lúc con đứng lên rồi vài ba giây sau lại té ngã. Nhưng con vẫn không bỏ cuộc,
Thời điểm vàng để cho trẻ tập đứng
vì đơn giản đây là điều mà bất cứ đứa trẻ tập đứng nào cũng cần trải qua.
Thời điểm trẻ tập đứng
Thông thường các bé ở giai đoạn từ 6-7 tháng đã có những dấu hiệu bắt đầu tập đứng, tuy nhiên thời gian này còn phụ thuộc vào tình trạng thể chất của từng bé. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, thì không nên để trẻ đứng sớm trước 9 tháng, vì có nguy cơ chân bị vòng kiềng.
Tuy nhiên bố mẹ đừng quá lo lắng đối với trường hợp bé nhà mình hiếu động và thích vận động sớm. Nếu như con phát triển tốt, thì việc đứng sớm hơn sẽ không ảnh hưởng gì. Vì nếu bé có khả năng đứng được thì con đã có thể ngồi được khá vững, đồng thời các cơ xương như ở hông và chân phải thật cứng cáp thì mới chịu được trọng lượng của cơ thể.
Còn với những bé được mẹ cho ở riêng trên giường cũi, thì vào thời điểm có thể cho trẻ tập đứng rất dễ dàng nhận ra. Vì khi đó bé sẽ có biểu hiện các cử động cho thấy con muốn đứng như: chồm người và vịn vào thành cũi, cố gắng di chuyển cơ thể để bám vào bất cứ vật gì cố định để mong muốn đứng lên.
Cũng như chia sẻ của mẹ có nickname zacubi0810 trên diễn đàn sotaychame.com: Thằng cu thứ 2 nhà mình cũng bám vào cũi đứng lên lúc gần 6 tháng, giờ 7 tháng thì cu cậu đã bám 1 tay và đi men được rồi. Trộm vía cu cậu nhanh hơn thằng anh nhiều, vì anh 10 tháng mới đứng được. Mình để con tự nhiên phát triển thôi, không ép vì mỗi đứa có một quá trình phát triển khác nhau, sớm hơn một chút hay muộn hơn cũng không sao cả.
Vậy trẻ tập đứng sớm có sao không?
Có nhiều bà mẹ khá lo lắng bởi nhiều trường hợp bé hay bị tình trạng chân vòng kiềng nếu như tập đứng quá sớm, và họ luôn băn khoăn không biết nên cho trẻ tập đứng khi nào là chuẩn xác. Nhưng mẹ cần hiểu rõ rằng, tình trạng trẻ bị chân vòng kiềng không hẳn lý do tuyệt đối là do việc trẻ đứng quá sớm. Vì nếu xảy ra tình trạng này, đó là bởi vì bố mẹ dạy trẻ tập đứng không đúng thời điểm. Khi ấy các cơ xương của bé chưa hoàn toàn cứng cáp, nên không thể chịu được sức nặng của cơ thể thì mới xảy ra tình trạng chân vòng kiềng. Ngoài ra theo mẹ isuga trên diễn đàn sotaychame.com cũng cho biết: Bác sỹ của con mình bảo bé đứng nhiều, không bị cong chân đâu. Trái lại các cử động đứng, đi của bé làm chân thẳng dần ra, chân bé cong do tư thế nằm co trong bụng mẹ mà. Chân vòng kiềng là do thiếu canxi.
Đồng thời mẹ có nickname breezysmom có chia sẻ theo kinh nghiệm của mình rằng: Chủ yếu là xem con đứng có vững không? Xem xương bé có vẻ cứng cáp đủ để chịu đựng sức nặng cơ thể chưa? Như con mình đứng lên thẳng băng à, lại cười nói hớn hở lắm, bé có thể đứng nắm hai ngón tay của mẹ khoảng 10-15 phút ấy chứ. Ai nhìn thấy cũng khen con bé đứng vững quá, thế là mình cho thường xuyên đứng. Thế nên quan điểm của mình vẫn là con muốn gì thì đáp ứng theo nhu cầu của con, nhưng vẫn chú ý đến khả năng thực tế của con nữa.
Lưu ý khi cho trẻ tập đứng
Mong muốn con yêu phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện so với những bạn bè cùng trang lứa, là điều bố mẹ nào cũng mong muốn. Thế nhưng thể chất của mỗi bé lại khác nhau, nên bạn đừng cố gắng so sánh các trẻ và yêu cầu con mình thực hiện những điều vượt quá khả năng.
Trong trường hợp tập đứng cho trẻ, cũng đừng dựa vào mốc thời gian đại trà nói chung mà ép bé phải tập đứng đúng thời điểm đó. Mà hãy quan sát con để thấy được đâu là lúc thích hợp để bé tập đứng, rồi từ đó bên cạnh giúp đỡ trẻ để con làm quen với các động tác đứng lên hay ngồi xuống.
Khi trẻ đã có những dấu hiệu muốn đứng, mẹ hãy làm một phép thử cho con để kiểm tra sự cứng cáp của bé. Lúc này, bạn có thể dùng hai tay bế để trẻ đứng lên khoảng vài giây để xem chân con khi tiếp xúc với sàn nhà có vững hay không. Nếu như bé tỏ ra thích thú, thì tiếp đó hãy tạo ra một không gian rộng rãi để bé tự đứng lên. Ví dụ như khi trẻ ngồi, bạn chỉ cần đặt bên cạnh một chiếc bàn hay một chiếc ghế cố định thì con sẽ vịn vào đó và tự đứng dậy. Hay đơn giản hơn, là lúc bạn đặt con vào trong cũi bé cũng sẽ chủ động mon men bám vào thành cũi để đứng lên.
Tuy nhiên bố mẹ cần chú ý, thời gian đầu chỉ nên cho trẻ đứng 2-3 phút mỗi lần. Và ban đầu khi trẻ tập đứng, hầu hết các bé sẽ chưa biết cách để tự ngồi xuống. Nên bố hoặc mẹ phải bên cạnh để hỗ trợ các động tác cùng với con, để bé không bị mỏi chân vì đứng quá lâu.