Thắt ống dẫn trứng: Tránh thai hiệu quả nhưng cần cân nhắc

Thắt ống dẫn trứng từ lâu được biết đến như một biện pháp tránh thai vĩnh viễn ở nữ, hay còn gọi là triệt sản nữ. Đây là một biện pháp tránh thai rất hiệu quả nhưng cần cân nhắc trước khi thực hiện. Vậy thắt ống dẫn trứng có đặc điểm gì, cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.

Thắt ống dẫn trứng: Tránh thai hiệu quả nhưng cần cân nhắc Thắt ống dẫn trứng: Tránh thai hiệu quả nhưng cần cân nhắc

Thắt ống dẫn trứng là gì?

Thắt ống dẫn trứng hay còn gọi là triệt sản nữ là một loại biện pháp ngừa thai vĩnh viễn, được tiến hành trên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đây là một trong những phương pháp ngừa thai bằng phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất cho phụ nữ. Trong quá trình thực hiện, ống dẫn trứng hai bên sẽ được cắt, cột hay thắt. Việc thắt ống dẫn trứng có tác dụng ngăn trứng sau khi rụng di chuyển từ buồng trứng vào ống dẫn trứng và đồng thời ngăn không cho tinh trùng di chuyển lên ống dẫn trứng để gặp trứng. Do đó tinh trùng không thể gặp được trứng để thụ tinh được.

vicare.vn-that-ong-dan-trung-tranh-thai-hieu-qua-nhung-can-can-nhac-body-1

Ưu điểm của thắt ống dẫn trứng là gì?

  • Đây là biện pháp có thể ngăn ngừa có thai vĩnh viễn. Vì vậy người phụ nữ không cần phải sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào khác sau khi thực hiện biện pháp này.
  • Việc thắt ống dẫn trứng thường không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và đời sống tình dục sau này của bạn.
  • Đây là biện pháp ngừa thai có thể được thực hiện bất cứ lúc nào: bao gồm cả sau khi sinh con hoặc kết hợp với một phẫu thuật bụng khác.
  • Việc thắt dẫn trứng cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, đặc biệt là nếu ống dẫn trứng được cắt bỏ.

Nhược điểm của thắt ống dẫn trứng là gì?

  • Thắt ống dẫn trứng chỉ là biện pháp ngừa thai nên hoàn toàn không thể bảo vệ bạn chống lại được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Hầu hết các trường hợp ống dẫn trứng đã bị thắt thì khó có thể khôi phục lại ống dẫn trứng về tình trạng ban đầu. Nếu cố gắng khôi phục, thường phải đòi hỏi một phẫu thuật lớn và không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Do đó, chị em phụ nữ cần cân nhắc trước khi quyết định ngừa thai bằng phương pháp này.

Thắt ống dẫn trứng không phù hợp với tất cả mọi phụ nữ. Bác sĩ sẽ đảm bảo bạn hiểu rõ ràng và đầy đủ về phương pháp này cũng như những ưu điểm và nhược điểm của nó. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về các biện pháp tránh thai, đặc biệt là các biện pháp tránh thai có thể hồi phục có tác dụng lâu dài như dụng cụ tử cung, cấy que tránh thai hoặc tiêm thuốc tránh thai ...

Thắt ống dẫn trứng cần thận trọng trong trường hợp nào?

Bạn cần lưu ý và báo cho bác sĩ biết về tình trạng sức khoẻ trong các trường hợp sau, để bác sĩ chuẩn bị cẩn thận hơn cho thủ thuật, tránh những rủi ro đáng tiếc:

  • Bệnh lý sản phụ khoa như: tiền sử viêm vùng chậu từ lần mang thai trước, ung thư vú, u xơ tử cung hoăc tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc vùng bụng dưới.
  • Bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, tiền sử đột quị hoặc bệnh tim mạch khác.
  • Bệnh lý mạn tính như bệnh phổi mạn tính, lao vùng chậu, động kinh, đái tháo đường, suy giáp, cường giáp, xơ gan, u gan, nhiễm sán máng gan, thiếu máu, rối loạn đông máu, bệnh hồng cầu hình liềm, thalassemia, bệnh thận mạn, suy dinh dưỡng nặng, béo phì, trầm cảm.
  • HIV/AIDS, tử cung bị dính do phẫu thuật trước đó hoặc do nhiễm khuẩn, có chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, thoát vị rốn, thoát vị thành bụng, vỡ tử cung sau sinh hoặc sau phá thai.
vicare.vn-that-ong-dan-trung-tranh-thai-hieu-qua-nhung-can-can-nhac-body-2

Trì hoãn thắt ống dẫn trứng trong trường hợp nào?

Cần trì hoãn thực hiện thủ thuật nếu bạn có một trong những tình trạng sau:

  • Có thai trong thời gian từ 7 đến 42 ngày hậu sản.
  • Thời kỳ hậu sản bị tiền sản giật nặng hoặc sản giật.
  • Biến chứng sau sinh trầm trọng như: nhiễm trùng, xuất huyết, chấn thương hoặc còn ứ máu buồng tử cung nhiều hoặc ra huyết âm đạo bất thường.
  • Viêm vùng chậu, viêm mủ cổ tử cung, viêm cổ tử cung do Chlamydia hoặc lậu cầu.
  • Ung thư vùng chậu, bệnh tế bào nuôi ác tính.
  • Bệnh lý túi mật có triệu chứng, viêm gan siêu vi cấp tính.
  • Thiếu máu thiếu sắt nặng.
  • Bệnh phổi như: viêm phổi, viêm phế quản.
  • Nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng da vùng bụng.
  • Chuẩn bị phẫu thuật do nguyên nhân cấp cứu hoặc do nhiễm trùng.

Rủi ro của thắt ống dẫn trứng là gì?

Do đây là một thủ thuật xâm lấn do phải gây mê nội khí quản và rạch da để can thiệp vào bên trong cơ thể nên sẽ có một số rủi ro cho bạn. Những rủi ro liên quan đến thắt ống dẫn trứng bao gồm:

  • Dị ứng với thuốc mê.
  • Tổn thương ruột, bàng quang hoặc các mạch máu lớn.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Vết mổ lành kém tạo sẹo xấu.
  • Đau bụng kéo dài.
  • Thủ thuật thắt ống dẫn trứng thất bại, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn trong tương lai.

Bạn cần chuẩn bị như thế nào trước khi thắt ống dẫn trứng?

Trước khi tiến hành thắt thủ thuật, bác sĩ sẽ hỏi bạn về lý do bạn muốn triệt sản. Bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận về các yếu tố có thể khiến bạn hối hận về quyết định này, chẳng hạn như tuổi còn trẻ, muốn có thêm con trong tương lai, con mất ...

Những vấn đề thường được bác sĩ trình bày với bạn là:

  • Ưu và nhược điểm của biện pháp thắt ống dẫn trứng so với các biện pháp tránh thai hồi phục.
  • Cách tiến hành thủ thuật thắt ống dẫn trứng, rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật.
  • Cách phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thắt ống dẫn trứng vào thời điểm nào?

Thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật này là ngay sau khi sinh con hoặc kết hợp với phẫu thuật vùng bụng khác, chẳng hạn như phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật cắt u nang buồng trứng...

  • Sau khi sinh thường: thủ thuật được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ dưới rốn giúp tiếp cận ống dẫn trứng dễ dàng, đây là phẫu thuật nội soi, tuy nhiên chỉ là phẫu thuật nhỏ và rất đơn giản.
  • Ngay trong quá trình phẫu thuật lấy thai hoặc phẫu thuật vùng bụng khác: thắt ống dẫn trứng thông qua vết mổ có sẵn, cũng rất đơn giản và nhanh chóng, không làm mất nhiều thời gian cho cuộc phẫu thuật chính.
  • Nếu bạn không thực hiện thủ thuật trong những thời điểm trên thì bạn hãy cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 1 tháng trước khi thực hiện thủ thuật và tiếp tục sử dụng một biện pháp tránh thai đáng tin cậy cho đến khi thủ thuật thắt ống dẫn trứng của bạn được thực hiện xong.
  • Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể thắt ống dẫn trứng bằng cách sử dụng phương pháp nội soi và gây mê nội khí quản.

Quá trình thắt ống dẫn trứng sẽ diễn ra như thế nào?

Sau đây là những bước cơ bản để bạn có thể hình dung về quá trình thắt ống dẫn trứng một cách đơn giản nhất.

Trước khi làm thủ thuật

Trước khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm để đảm bảo bạn không mang thai.

Trong khi làm thủ thuật

Một mũi kim được đưa vào hoặc một vết mổ được thực hiện tại rốn của bạn để bụng của bạn có thể được bơm phồng bằng khí (carbon dioxide hoặc nitơ oxit). Sau đó, dụng cụ nội soi sẽ được đưa vào bụng của bạn thông qua vết mổ ở rốn. Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ này để bịt kín ống dẫn trứng bằng cách buộc và cắt rời. Cũng có thể bịt kín bằng cách đốt điện, sử dụng cặp kim loại, kẹp hay thắt bằng vòng. Thỉnh thoảng, có thể cắt bỏ một đoạn nhỏ của ống dẫn trứng.

Nếu làm cùng với phẫu thuật lấy thai hoặc phẫu thuật vùng bụng khác, bác sĩ sẽ sử dụng vết mổ của các phẫu thuật này để tiến hành thủ thuật thắt ống dẫn trứng nên bạn không có thêm một vết mổ nào nữa.

Sau khi làm thủ thuật

Sau thủ thuật, bạn có thể nằm viện từ 1 đến 2 ngày để bác sĩ thuận tiện trong việc theo dõi tình trạng sức khoẻ của bạn.

Một số vấn đề sau thủ thuật này mà bạn có thể gặp phải như:

  • Đau tại vết mổ.
  • Đau bụng.
  • Đầy hơi.
  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt.
  • Đau vai.
vicare.vn-that-ong-dan-trung-tranh-thai-hieu-qua-nhung-can-can-nhac-body-3

Thông thường, bạn có thể tắm 48 giờ sau khi thực hiện thủ thuật, nhưng tránh làm căng hoặc chà xát vết mổ. Cần làm khô vết mổ sau khi tắm. Tránh nâng vật nặng và quan hệ tình dục trong thời gian đầu. Trở lại sinh hoạt bình thường dần khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Nên tái khám sau khi thắt ống dẫn trứng để bác sĩ kiểm tra, theo dõi và phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Bạn cần đến khám ngay khi gặp các tình trạng sau:

  • Sốt từ 38 độ C trở lên.
  • Ngất xỉu.
  • Đau bụng dữ dội kéo dài hoặc nặng hơn sau 12 giờ.
  • Chảy máu từ vết mổ thấm băng.
  • Vết mổ của bạn có mủ, có mùi hôi.

Kết quả sau thắt ống dẫn trứng là gì?

Thắt ống dẫn trứng là một biện pháp tránh thai rất hiệu quả với tỷ lệ thành công trên 99%. Tuy nhiên, nếu bạn càng trẻ thì nó càng có khả năng thất bại. Theo Trung tâm Y tế thuộc Đại học Pittsburgh của Hoa Kỳ, tỷ lệ mang thai sau khi thắt ống dẫn trứng là:

  • 5% ở phụ nữ dưới 28 tuổi.
  • 2% ở phụ nữ trong độ tuổi từ 28 đến 33.
  • 1% phần trăm ở phụ nữ lớn tuổi hơn 34.

Sau thắt ống dẫn trứng, vẫn tồn tại một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ có thai. Các triệu chứng liên quan đến mang thai sau thắt ống dẫn trứng bao gồm: vú mềm, thèm ăn, buồn nôn, đặc biệt là vào buổi sáng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, đi tiểu nhiều lần ...

Ngoài ra, sau khi thắt ống dẫn trứng, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh lý thai ngoài tử cung. Nguyên nhân là do trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Bên cạnh các triệu chứng mang thai thông thường, thai ngoài tử cung còn có các triệu chứng bao gồm: đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường. Thai ngoài tử cung cần điều trị y tế ngay lập tức do nếu để chậm trễ có thể gây xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng, nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu bạn nghi ngờ có thai hay thai ngoài tử cung bất kỳ lúc nào sau khi thắt ống dẫn trứng, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được đánh giá tình trạng của bản thân.

Hãy luôn nhớ rằng, mặc dù có thể thực hiện thủ thuật phục hồi ống dẫn trứng sau khi đã thắt nhưng thủ thuật đảo ngược này rất phức tạp và dễ thất bại. Do đó, bạn cần phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn trứng để ngừa thai này.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Mayoclinic & Healthline)

Xem thêm:

  • Có thể nối lại ống dẫn trứng sau 14 năm thắt ống dẫn trứng không?
  • Những lưu ý trong việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 120h
  • Mách nhỏ bạn 10 biện pháp tránh thai hiệu quả dễ thực hiện