Thai trứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thai trứng một trong những bệnh hiếm gặp, thường là lành tính, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng đáng sợ như: mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết, ung thư tế bào nuôi...

Thai trứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Thai trứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thai trứng là gì?

Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với noãn sẽ trở thành trứng thụ tinh, phát triển thành thai nhi và các phần phụ như: nhau và túi ối. Thai trứng là một tình trạng thai nghén bất thường. Nó hình thành do sự phát triển không bình thường của lớp tế bào nuôi có trong gai nhau, tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn ở gai nhau phát triển không kịp, dẫn đến gai nhau bị thoái hóa và phù nề tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau chiếm phần lớn buồng tử cung.

vicare.vn-thai-trung-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-body-1

Nguyên nhân của hiện tượng thai trứng

Hiện tượng thai trứng vẫn đang là vấn đề được quan tâm, vì hiện nay y học cũng không thể biết chắc chắn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Nhưng cũng có một vài yếu tố ảnh hưởng và được xác định là nguyên nhân tiềm tàng của hiện tượng thai trứng như:

  • Tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường: Nếu như các thai phụ có tiền sử về thai nghén hoặc có khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng, hay các hiện tượng bất thường ở tử cung... thì nguy cơ rất cao dẫn đến hiện tượng thai trứng.
  • Tuổi của mẹ: Thai trứng có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi khi mang thai nhưng đối với những thai phụ có tuổi đời còn quá trẻ dưới 20 tuổi hay quá cao trên 40 tuổi thì nguy cơ bị chửa trứng sẽ cao hơn hẳn so với các phụ nữ khác.
  • Đẻ nhiều: Việc có thai nhiều lần cũng làm tăng nguy cơ bị thai trứng.

Triệu chứng của thai trứng

Thông thường, bệnh khá lành tính, nhưng khoảng 10% bệnh nhân có thể dẫn đến các biến chứng ác tính như thai trứng xâm lấn hay ung thư nhau thai.

Các dấu hiệu của thai trứng có thể thấy trong thời kỳ đầu là rong huyết, thường xảy ra sau khi trễ kinh vài tuần. Thai phụ có thể nghén nặng, mệt mỏi, đôi khi xuất hiện phù. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, dễ bị chẩn đoán nhầm là dọa sảy thai. Trong giai đoạn giữa thai kỳ, siêu âm không thấy phần thai, không nghe tim thai.

Một triệu chứng điển hình nữa khi mang thai trứng là tử cung của người mẹ to quá mức không tương xứng với tuổi thai. Nhiều người bệnh còn bị hồi hộp, run tay, vã mồ hôi do hormon thai nghén tăng cao,...

Thai trứng có nguy hiểm không?

Thai trứng là một bệnh sản khoa nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết, ung thư tế bào nuôi,...

Ung thư tế bào nuôi là loại tế bào ung thư ác tính, có thể gây di căn toàn thân và tỉ lệ tử vong rất cao.

Khoảng trên 80% các trường hợp thai trứng sau khi được điều trị bằng hút nạo sẽ diễn tiến tốt. Và khoảng 20% trường hợp còn lại, các nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển và tiết ra hCG dẫn đến biến chứng.

vicare.vn-thai-trung-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-body-2

Điều trị thai trứng

Khi xác định thai trứng, việc cần làm trước tiên là lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo.

Đối với thai trứng, sẽ nạo sạch trứng với người có nhu cầu sinh con hoặc cắt tử cung đối với người không có nhu cầu sinh đẻ nữa. Sau khi nạo hút thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ và tuân thủ đúng chỉ định tái khám của bác sĩ. Bệnh nhân có thai trứng lành tính cần phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường.

Khi lượng HCG đã về mức bình thường, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần thiết để tránh những ảnh hưởng về sau.

Phòng ngừa bệnh thai trứng thế nào?

Thai trứng là bệnh lý lành tính, nhưng không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm và nhiều biến chứng.

Nắm rõ nguyên nhân gây bệnh thai trứng thì sẽ có phương án phòng tránh. Ăn uống đủ chất là rất quan trọng trong độ tuổi sinh đẻ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ khi mang thai. Không nên sinh quá gần nhau.

Trong quá trình mang thai, các bà mẹ phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện các triệu chứng bất thường ở thai nhi. Với những người đã từng điều trị thai trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi mang thai lần tiếp theo, thai phụ hãy đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và theo dõi xem có bị thai trứng tái phát lại hay không.

Thời điểm có thể mang thai trở lại

Thông thường, phải chờ một năm sau khi nồng độ beta HCG trở về mức bình thường, phụ nữ mới nên mang thai lần nữa. Nếu những trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta HCG sẽ tăng lên và rất có khả năng mô bất thường thai trứng sẽ quay trở lại.

Rất may thai trứng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay khả năng có thai, ngay cả khi người bệnh đã trải qua hóa trị khi bị ung thư tế bào nuôi, và không bị tăng nguy cơ thai nhi chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Tỷ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ chiếm từ 1 - 2%. Nhưng để đảm bảo an toàn trong lần mang thai tiếp theo, nên đi siêu âm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra.

Xem thêm:

  • Khám thai ở đâu tốt tại TP. Hồ Chí Minh?
  • Chửa trứng – Biến chứng ung thư nhau thai
  • Tổng hợp địa chỉ khám thai tốt ở Hà Nội