Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh cho bà bầu

Hành trình mang thai ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, trong đó thai ngoài tử cung là một biến chứng nguy hiểm của sản khoa. Vậy thai ngoài tử cung là gì? Đâu là nguyên nhân và cách phòng tránh?

Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh cho bà bầu Thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh cho bà bầu

Đối với bất kỳ người phụ nữ nào, thiên chức làm mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Hành trình mang thai luôn là một chặng đường chứa đựng nhiều biến đổi của cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, mang thai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, trong đó thai ngoài tử cung là một biến chứng nguy hiểm của sản khoa.

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Khác với quá trình thụ thai thông thường (trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển đến tử cung và làm tổ tại thành tử cung), mang thai ngoài tử cung được xem là một biến chứng trong thai kỳ. Lúc này, phôi thai làm tổ ở một vị trí bất thường bên ngoài tử cung của người mẹ như cổ tử cung, ống dẫn trứng, khoang bụng.

Mang thai ngoài tử cung không còn là trường hợp hiếm gặp. Tại Việt Nam, Bệnh viện Từ Dũ đã thống kê được cứ 1.000 người mang thai thì sẽ có khoảng 4 -10 người có nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Để phát hiện mang thai ngoài tử cung không gì đúng và chính xác bằng việc siêu âm, chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy, thai phụ được khuyên nên đi khám ngay trong vòng 2 – 3 tuần sau khi có dấu hiệu mất kinh.

Đối với người mẹ mang thai ngoài tử cung, vấn đề can thiệp sớm, kịp thời có vai trò rất lớn để tránh các nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

2. Nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của thai ngoài tử cung

Một số người mang thai ngoài tử cung có thể xác định được nguyên nhân, tuy nhiên trong một vài trường hợp khó chuẩn đoán được lý do bắt nguồn từ đâu bởi lần mang thai trước vẫn bình thường. Nhưng nhìn chung, các trường hợp điển hình làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung có thể kể đến như: tình trạng viêm nhiễm phụ khoa kéo dài, tuổi tác cao khi mang thai, đã từng bị viêm khung xương chậu, tác dụng phụ của hình thức trợ sinh, những bất thường của ống dẫn trứng, ...

vicare.vn-mang-thai-ngoai-tu-cung-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-cho-ba-bau-body-1
Ảnh hưởng không hề nhỏ do thai ngoài tử cung gây ra đối với sản phụ

Mức độ nguy hiểm đối với người mẹ mang thai ngoài tử cung rất rõ ràng và không thể chậm trễ trong khâu xử lý. Khi phôi thai không phát triển trong tử cung, chúng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan mà chúng bám vào. Từ đó gây ra các hiện tượng như huyết tụ thành nang, thai trong ổ bụng, ... nguy hại cho sự an toàn của mẹ.

Hầu hết các trường hợp thai ngoài tử cung khi không phát hiện sớm đều dẫn đến tình trạng chung là chảy máu âm ỉ, sau khi khối thai bị vỡ sẽ chuyển sang chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe dọa trực tiếp tính mạng của bà bầu. Chảy máu trong ổ bụng khiến cho người mẹ đau bụng dưới quằn quại, mất máu, ngất xỉu, thậm chí tử vong nếu đưa đến bệnh viện trễ. Hoặc nếu được can thiệp thì ít nhiều cũng để lại dư chấn về tâm lý, sức khỏe và tương lai sản khoa về sau.

3. Thai ngoài tử cung có bảo tồn được không? Cách xử lý thai ngoài tử cung như thế nào?

Từ những nguy hiểm đã nêu ở trên, có thể xác định chắc chắn rằng thai ngoài tử cung không thể tiếp tục giữ lại khi phát hiện mà cần phải đình chỉ thai kỳ càng sớm càng tốt.

Về cách xử lý thai ngoài tử cung cần dựa trên hiện trạng túi thai đã vỡ hay chưa để có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu khối thai chưa vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ dùng hình thức đình chỉ thai bằng thuốc nhằm làm tiêu biến thai nhi. Các loại thuốc được kê để chấm dứt thai kỳ như mifepristone 200mcg, misoprostol 200mg, ... Sau khi uống thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến trong vòng 3 – 4 tuần để đảm bảo khối thai đã được loại bỏ hoàn toàn và không để lại biến chứng nào.

Trong trường hợp cấp cứu vì khối thai đã to có khả năng vỡ bất kỳ lúc nào hoặc đã vỡ và chảy máu ổ bụng thì cần tiến hành can thiệp bằng phẫu thuật ngay lập tức. Có hai hình thức mổ thai ngoài tử cung là mổ hở và mổ nội soi. Mổ hở thường áp dụng khi máu đã chảy ra nhiều trong ổ bụng, cần vệ sinh và cầm máu nhanh chóng. Tuy nhiên, mổ hở sẽ gây đau, hồi phục chậm và để lại sẹo. Mổ nội soi là phương pháp hiện đại nhất, ít để lại biến chứng như dính ruột, ít sẹo và bệnh nhân chỉ cần nằm viện ngắn ngày nên tiết kiệm chi phí.

4. Cách phòng tránh để không mang thai ngoài tử cung

vicare.vn-mang-thai-ngoai-tu-cung-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-cho-ba-bau-body-2
Sự đồng hành của bác sĩ và bệnh nhân sẽ giảm thiểu mọi rủi ro do thai ngoài tử cung gây ra

Mang thai ngoài tử cung là trường hợp không mong muốn đối với bất kỳ những ai đang háo hức chờ đợi em bé được sinh ra. Nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ có thai ngoài tử cung, chị em cần chủ động phòng tránh bằng cách khám tầm soát phụ khoa trước khi có ý định mang thai. Bên cạnh đó, thai phụ cần khám thai định kỳ, chặt chẽ nhằm theo dõi sát sự phát triển của thai nhi. Điều này càng cần thiết hơn đối với các mẹ đã có tiền sử bị thai ngoài tử cung.

Giữ vệ sinh vùng kín cũng được xem là phương pháp phòng tránh thai ngoài tử cung hiệu quả. Cách chăm sóc vùng kín cần được thực hiện đúng cách, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt, sau khi sinh và đang cho con bú. Vùng kín luôn được giữ khô thoáng, tránh ẩm ướt. Không thụt rửa âm đạo khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm phụ khoa bằng cách khám phụ khoa định kỳ, phát hiện sớm triệu chứng viêm nhiễm và điều trị tích cực, dứt điểm. Quan hệ tình dục lành mạnh bằng cách sử dụng bao cao su để tránh lây lan bệnh qua đường tình dục. Có biện pháp tránh thai an toàn để không nạo phá thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai sản khoa về sau.

Nếu mắc các bệnh về phụ khoa, chị em cần điều trị khỏi trước khi quyết định mang thai. Đặc biệt là các bệnh lý có khả năng gây thai ngoài tử cung như viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm tử cung, viêm khoang chậu, viêm ống dẫn trứng, ...

Trong trường hợp thai phụ có tiền sử thai ngoài tử cung và muốn có thai trở lại, cần đợi khoảng thời gian 1 năm để tử cung được hồi phục hoàn toàn.

Xem thêm:

  • Giải đáp những thắc mắc về mang thai ngoài tử cung
  • Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung mẹ phải biết
  • Có thai ngoài tử cung thử que có lên 2 vạch được không?
  • Thai ngoài tử cung bao lâu thì phát hiện được và cách nhận biết?
  • Mang thai ngoài tử cung có giữ được không?