Thai ngoài tử cung - dấu hiệu nhận biết, hướng dẫn xử lý đúng cách
Mang thai là niềm hạnh phúc nhưng cũng là nỗi lo của tất cả các bà mẹ. Một thai kì khỏe mạnh bắt đầu bằng một khởi đầu thuận lợi. Nhưng thai ngoài tử cung là tình trạng không hiếm gặp và là mối lo hàng đầu của chị em trong giai đoạn đầu mang thai.
Thai ngoài tử cung - dấu hiệu nhận biết, hướng dẫn xử lý đúng cách
Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em nhận biết và có cách xử trí đúng đắn nếu rơi vào tình huồng mang thai ngoài tử cung.
1. Thế nào được gọi là thai ngoài tử cung?
Sau khi trứng gặp tinh trùng, hiện tượng thụ tinh xảy ra. Hợp tử hình thành sau thụ tinh sẽ chuyển vào làm tổ trong buồng tử cung để phát triển thành phôi. Nếu trong quá trình di chuyển và làm tổ, hợp tử không vào tử cung mà “lạc” vào các vị trí khác như vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hay phổ biến nhất là nằm ở vòi trứng – thì hiện tượng thai ngoài tử cung sẽ xảy ra.
Thai ngoài tử cung là biến chứng sản khoa thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kì. Vì một lý do nào đó mà trong quá trình di chuyển, hợp tử không vào được buồng tử cung và dừng lại ở vị trí bị ách tắc (phổ biến nhất là dừng lại ở vòi trứng). Vị trí này không thích hợp để hợp tử phát triển. Khi hợp tử lớn dần khiến vòi trứng bị căng giãn ra, có thể gây vỡ vòi trứng/ tử cung. Lúc này tình trạng sản phụ sẽ nguy hiểm do mất máu cấp.
2. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
- Chậm kinh: Sản phụ có dấu hiệu chậm kinh, khi sử dụng que thử thai thì thấy dấu hiệu có thai. Thậm chí sản phụ vẫn có thể ốm nghén như bình thường.
- Âm đạo chảy máu: Sau khi chậm kinh, thai phụ thấy âm đạo chảy máu với lượng máu ít và kéo dài, màu máu sậm hơn màu máu kinh. Do hợp tử mới được hình thành, người mẹ sẽ chưa thể cảm thấy những thay đổi trong cơ thể nên không ít trường hợp vẫn nhầm đây là máu kinh do kinh nguyệt rối loạn, dẫn tới chủ quan, không đi khám.
- Đau bụng/ ra máu âm đạo: Là hậu quả của việc vòi trứng bị căng giãn do hứng hợp tử đang lớn dần. Đầu tiên dấu hiệu đau sẽ âm ỉ ở vùng bụng dưới rốn, sau đó đau mạnh hơn (nếu không dùng thuốc giảm đau). Nếu cơn đau trở nên dữ dội, người bệnh sẽ cảm thấy mệt lả, da xanh xao, tụt huyết áp, thậm chí nếu khối thai bị vỡ thì có thể gây chảy máu trong ổ bụng, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Nồng độ HCG giảm dần: Trong thai kì bình thường, nồng độ hormone HCG sẽ tăng dần theo tuổi thai. Tuy nhiên với thai ngoài tử cung, nồng độ này sẽ giảm dần/ đứng yên khi tuổi thai càng lớn. Vì vậy, có một số chị em thấy chậm kinh, buồn nôn/ nghén nhưng thử thai không lên 2 vạch như thông thường.
Các dấu hiệu cảnh báo điển hình của thai ngoài tử cung thường xảy ra vào giai đoạn tuần thứ 5-10 của thai kì. Đối tượng nguy cơ cao bao gồm:
- Những người bị các bệnh vùng chậu
- Có tiền sử bị thai ngoài tử cung ở những lần mang thai trước
- Có tiền sử vô sinh hoặc mang thai ở tuổi trên 35
- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để có thai
- Từng phẫu thuật/ can thiệp hệ thống sinh sản như phẫu thuật ống dẫn trứng, vòi trứng, buồng trứng, ...
- Phụ nữ thường xuyên hút thuốc
- Có tiền sử nạo/ hút thai nhiều lần
Tuy nhiên, việc xác định thai ngoài tử cung cần có hướng dẫn của đội ngũ bác sĩ chuyên môn. Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Ngô Thị Yên (khoa Kế hoạch gia đình – Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh): Để chẩn đoán thai ngoài tử cung – bên cạnh các yếu tố “cảm nhận”, quan sát thì cần kết hợp khám thực tế, làm các xét nghiệm bổ sung, siêu âm, khai thác thông tin bệnh sử. Nếu xác định thai ngoài tử cung thì người bệnh cần được theo dõi/ điều trị trong bệnh viện để đảm bảo an toàn. Vì thế, ngay khi phát hiện có thai hoặc nghi ngờ có thai, người mẹ nên đi khám thai tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.
2. Phải làm gì khi có thai ngoài tử cung?
Khi phát hiện thai ngoài tử cung, không có khả năng nào để tiếp tục duy trì thai kì. Cách duy nhất là phẫu thuật/can thiệp càng sớm càng tốt để bảo toàn khả năng sinh sản cũng như tính mạng của thai phụ.
- Nếu thai đã lớn khiến ống dẫn trứng/ buồng tử cung bị vỡ: Cần phẫu thuật (mổ mở) khẩn cấp để tránh tình trạng mất máu/ máu tích tụ trong ổ bụng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, thai phụ thậm chí có thể bị cắt ống dẫn trứng và buồng trứng/ tử cung để bảo toàn tính mạng.
- Nếu thai còn nhỏ, ống dẫn trứng vẫn nguyên vẹn: Bác sĩ có thể phẫu thuật nội soi để bóc tách/ loại bỏ phôi thai, kết hợp các biện pháp điều trị bằng thuốc để hồi phục tử cung/ buồng trứng. Sau phẫu thuật nội soi, bác sĩ có thể tiếp tục cho xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone HCG (vốn được sản sinh trong quá trình mang thai) để đảm bảo rằng phôi thai ngoài tử cung đã hoàn toàn được loại bỏ.
Hiện nay, các bệnh viện phụ sản lớn đều có khả năng điều trị thai ngoài tử cung với các công nghệ, phương pháp hiện đại cùng chi phí hợp lý. Bệnh lý này khá phức tạp và cần được can thiệp trong bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất tốt, bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm.
3. Các vấn đề cần chú ý sau khi điều trị thai ngoài tử cung
- Cần tham vấn ý kiến bác sĩ về việc điều trị bảo tồn vòi trứng/ tử cung sau phẫu thuật
- Hoàn toàn có thể mang thai/ sinh con lại (ngay cả khi đã cắt 1 vòi trứng). Thời gian có thể mang thai lại được khuyến cáo tối thiểu từ 6-12 tháng. Trong thời gian này, hệ thống sinh sản của người phụ nữ sẽ có đủ thời gian hồi phục để sẵn sàng cho chu kì mang thai mới. Trước khi có kế hoạch mang thai, người mẹ nên đi khám tổng quát sức khỏe sinh sản để dự phòng các tình huống có thể phát sinh.
- Giữ gìn và chăm sóc sức khỏe để cơ thể mau hồi phục, đặc biệt với những chị em trải qua phẫu thuật cắt vòi trứng/ tử cung nên được điều trị thêm về tâm lý để tránh những xáo trộn trong đời sống sau này.
4. Biện pháp hạn chế nguy cơ thai ngoài tử cung
Do nguyên nhân mấu chốt gây hiện tượng thai ngoài tử cung là hợp tử bị “chặn” trên đường di chuyển về buồng tử cung để làm tổ. Vì thế, để “dọn đường thông thoáng” cho hợp tử, phòng tránh tối đa hiện tượng thai ngoài thủ công - các chị em phụ nữ nên:
Vệ sinh vùng kín để tránh viêm nhiễm vùng kín và các bệnh phụ khoa
Sau khi quan hệ tình dục hoặc trong thời gian diễn ra chu kì kinh nguyệt – chị em cần có biện pháp vệ sinh cẩn thận, đúng cách để tránh viêm nhiễm vùng kín, gây ách tắc vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, viêm âm đạo, ...
Nếu đã từng có tiền sử có thai ngoài tử cung
Cần đi khám và thông báo/xin tư vấn tư bác sĩ chuyên khoa trước khi có kế hoạch mang thai trở lại.
Đi khám sớm để được theo dõi/ phát hiện kịp thời
Hạn chế nạo hút thai, nếu không có lựa chọn nào khác nên thực hiện nạo hút thai tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn.
Thai ngoài tử cung ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản và khả năng sinh con/ thai kì khỏe mạnh của người phụ nữ. Trang bị kiến thức đầy đủ, hiểu đúng về bệnh và nắm được cách xử trí hợp lý sẽ giúp mọi người mẹ có hành trình mang thai an toàn, nhẹ nhàng với niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Xem thêm:
- Mang thai ngoài tử cung thử que có biết được không?
- Thai ngoài tử cung thoái triển có làm sao không?
- Điều trị thai ngoài tử cung ở đâu Hà Nội