Tất tần tật những gì bạn cần biết về xét nghiệm máu
Hiện nay, xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm y khoa rất hữu ích và phổ biến, thường quy đối với chăm sóc sức khỏe của con người. Nhưng trên thực tế, không nhiều người biết được xét nghiệm máu là gì, ý nghĩa và quy trình lấy máu xét nghiệm như thế nào.
Tất tần tật những gì bạn cần biết về xét nghiệm máu
Hiện nay, xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm y khoa rất hữu ích và phổ biến, thường quy đối với chăm sóc sức khỏe của con người. Nhưng trên thực tế, không nhiều người biết được xét nghiệm máu là gì, ý nghĩa và quy trình lấy máu xét nghiệm như thế nào.
Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu là việc lấy một lượng máu nhất định của người bệnh (thường được lấy từ tĩnh mạch hoặc mao mạch, một phần nhỏ ở động mạch) và tiến hành phân tích mẫu máu thu thập được trên các dụng cụ máy móc chuyên biệt.
Với sự tiến bộ của y học ngày nay, xét nghiệm máu không chỉ xác định công thức máu, nhóm máu, các bệnh lý liên quan mà còn phục vụ trong việc phát hiện nhiều căn bệnh nguy hiểm ở giai đoạn đầu.
Xét nghiệm máu được xem như “hàng rào phòng ngự” đầu tiên để giúp người bệnh chống lại rắc rối về sức khỏe, nhanh chóng điều trị kịp thời và nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh.
Xét nghiệm máu gồm những loại nào và có ý nghĩa gì?
Một số xét nghiệm máu phổ biến như: xét nghiệm công thức máu toàn bộ, sinh hóa máu, miễn dịch – vi sinh, ...
Xét nghiệm máu là một phương pháp đơn giản giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, kiểm tra chức năng của một số cơ quan trong cơ thể đồng thời đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị. Cụ thể, khi thực hiện xét nghiệm máu sẽ có những ý nghĩa cơ bản dưới đây:
- Xét nghiệm công thức máu: đánh giá được số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu cũng như các tế bào máu, thông qua đó chẩn đoán người khám có thiếu máu hay mắc phải bệnh lý về máu hay không (khả năng đông máu, thiếu máu, huyết tán, ...).
- Xét nghiệm mỡ máu: bao gồm kiểm tra nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu, đưa ra khuyến cáo về nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
- Xét nghiệm lượng đường trong máu (đường huyết): giúp phát hiện bệnh đái tháo đường.
- Xét nghiệm HIV: kết luận có hay không việc bị nhiễm HIV
- Xét nghiệm men gan: xác định bệnh xơ gan, tăng men gan, ung thư gan, ...
- Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra khả năng phát huy tác dụng của thuốc điều trị bệnh, tình trạng tuyến giáp, ...
Những loại xét nghiệm máu cần nắm rõ
1. Tổng phân tích tế bào máu CBC (Complete Blood Count)
Với hình thức xét nghiệm máu CBC (còn gọi là xét nghiệm công thức máu, huyết đồ), bác sĩ dựa vào đó để tìm nguyên nhân gây ra các biểu hiện như mệt mỏi, suy yếu, ... và chẩn đoán bệnh nhiễm trùng, thiếu máu và một số chứng rối loạn khác.
Loại xét nghiệm phổ biến này giúp cung cấp các chỉ số quan trọng sau đây:
- Số bạch cầu (WBC): thể hiện dấu hiệu của ung thư máu, rối loạn hệ miễn dịch hay nhiễm trùng
- Chỉ số hồng cầu: cho biết dấu hiệu thiếu máu, chảy máu, mất nước hoặc các chứng rối loạn khác
- Đếm số tiểu cầu (thrombocyte): báo động nguy cơ bị rối loạn chảy máu hoặc dễ tụ huyết khối
- Hemoglobin: chỉ số bất thường có thể là biểu hiện của bệnh thiếu máu, bệnh thalassemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm, ...
- Dung tích hồng cầu (HCT): sự cao hoặc thấp có nghĩa là bạn bị mất nước, thiếu máu, rối loạn máu hoặc tủy xương
- Thể tích trung bình của tế bào hồng cầu (MCV): đây có thể là dấu hiệu của chứng thiếu máu cục bộ hoặc thiếu máu
2. Xét nghiệm sinh hóa máu
Đây là xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ một số chất điện giải và những chất hóa học quan trọng trong máu. Sinh hóa máu giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe, phát hiện những bất thường, cảnh báo bệnh tật của cơ thể.
Xét nghiệm sinh hóa bao gồm các chỉ số cơ bản sau đây:
- Xét nghiệm GLU (glucose): kiểm tra nồng độ đường trong máu. Thường được chỉ định thực hiện với người nghi ngờ bị tiểu đường, bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra trước phẫu thuật, đang điều trị corticoid, ...
- Xét nghiệm ure máu: thông qua chỉ số ure máu để kiểm tra chức năng thận, bệnh lý về thận, ...
- Xét nghiệm Creatinin máu: chỉ định chẩn đoán mức độ suy thận, đánh giá chức năng thận, các bệnh lý ở cơ, ...
- Xét nghiệm acid uric: dùng để kiểm tra khi nghi ngờ bị Gout, bệnh khớp hoặc thận, ...
- Xét nghiệm Bilirubin: xác định trong trường hợp vàng da do bệnh tụy, gan mật, tan máu, ... gây ra
- Xét nghiệm Albumin máu: chỉ số này giúp nhận biết được bệnh đa u tủy xương, thận, viêm cầu thận, xơ gan
- Xét nghiệm GGT (Gama Globutamin): giúp phát hiện bệnh lý về gan mật
- Xét nghiệm chất điện giải (natri, kali, clorua, bicarbonat): mức điện giải thể hiện sự mất nước, bệnh gan, thận, suy tim, huyết áp cao, rối loạn khác.
- Xét nghiệm nhóm mỡ máu (Cholesterol, Triglyceride, HDL – Cholesterol, LDL – Cholesterol): nếu một trong các chỉ số của nhóm vượt giới hạn thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và huyết áp, cường giáp, ...
Quy trình lấy máu xét nghiệm như thế nào?
Lấy mẫu máu để làm xét nghiệm thường từ tĩnh mạch, riêng trường hợp đặc biệt có thể lấy ở mao mạch hoặc động mạch.
- Tư thế: bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi tùy từng trường hợp. Đặt tay duỗi thoải mái.
- Nhân viên y tế dùng dây garo thắt ở vị trí phía trên chỗ lấy máu một khoảng cách phù hợp.
- Sau đó tiến hành sát khuẩn, để khô tự nhiên, chọc kim vào tĩnh mạch, bỏ dây garo ra trước khi máu chảy vào bơm tiêm nhằm tránh xảy ra tình trạng ứ máu, thay đổi thành phần dịch.
- Lấy đủ lượng máu nhân viên y tế sẽ rút kim ra, áp bông sát trùng lên da một vài phút để tránh máu tiếp tục chảy.
- Khi lấy máu cần lưu ý:
Chỉ lấy đủ số lượng máu để làm xét nghiệm
Khi rút máu nên rút chậm, không nhanh hơn tốc độ chảy của tĩnh mạch
Không làm vỡ hồng cầu trong máu
Lựa chọn chất chống đông phù hợp như EDTA (là muối Ethylen Diamin Tetraacetic Acid), natri citrat, kali oxalat, ...
Sau khi lấy mẫu cần đóng chặt nắp ống nghiệm để tránh rò rỉ
Các bước sau khi lấy máu xét nghiệm
- Điều vô cùng quan trọng là mọi ống bệnh phẩm phải được dán nhãn có đầy đủ thông tin của người bệnh (họ tên, ngày tháng năm sinh, khoa, phòng, ngày, giờ lấy mẫu, ...). Nếu sử dụng mã vạch để nhận dạng bệnh nhân thì cần sử dụng đúng mã vạch trên mẫu, phiếu yêu cầu để tránh nhầm lẫn.
- Sau khi lấy mẫu nên đựng trong hộp đựng ống nghiệm, giữ ổn định đến khi vận chuyển đến khu vực xét nghiệm.
- Tại đây, các chuyên viên xét nghiệm sẽ tiến hành phân tích mẫu máu để đưa ra các chỉ số phục vụ cho mục đích khám, chữa bệnh.
- Kết quả xét nghiệm máu được gửi trở lại trong cùng ngày lấy mẫu hoặc chậm hơn vài ngày tùy thuộc vào mức độ phức tạp. Bạn không nên quá lo lắng vì mỗi người sẽ có phiếu hẹn hoặc thông báo thời gian nhận khi kết quả sẵn sàng.
5 thắc mắc thường gặp nhất về xét nghiệm máu
1. Có cần nhịn ăn trước trước khi làm xét nghiệm máu không?
Theo nghiên cứu, có 2 xét nghiệm chính yêu cầu bạn phải nhịn ăn trước đó là xét nghiệm đường huyết và Triglyceride huyết. Còn lại những xét nghiệm khác không cần để bụng đói. Riêng thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng.
Ngoài ra, để giúp cho kết quả chính xác, người khám cần tránh uống nước ngọt, nước hoa quả, sữa, sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, bia, rượu, cà phê, chè, ...) trong vòng 12 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm máu.
Một lưu ý cực kỳ quan trọng là bạn có thể nhịn ăn nhưng phải đảm bảo giữ cho cơ thể đủ nước, tuyệt đối không được ngừng cung cấp nước cho cơ thể bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Bao lâu nên đi lấy máu xét nghiệm một lần?
Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chỉ định của bác sĩ. Thông thường, xét nghiệm máu được tiến hành khi bạn kiểm tra sức khỏe toàn diện hoặc khi bệnh nhân đi khám khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe.
Do vậy, bạn không nên tự quyết định điều này mà hãy nhờ đến sự tư vấn, hướng dẫn của đội ngũ y bác sĩ.
3. Xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư?
Dấu hiệu ung thư có thể tìm thấy trong máu, tuy nhiên nếu chỉ qua kiểm tra máu thôi thì chưa đủ để chẩn đoán bệnh, nhất là ở thời kỳ sớm.
Thông thường, kết quả xét nghiệm máu chỉ là biện pháp kỹ thuật bổ sung để bác sĩ phát hiện ung thư cũng như theo dõi sự tiến triển của ung thư, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân, ...
Tốt nhất, người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng khác (nội soi sinh thiết, MRI, siêu âm, X-quang, ...) để xác định chính xác tình hình bệnh, loại trừ khả năng không phải bị ung thư.
4. Nên chuẩn bị và tìm hiểu gì trước khi lấy máu xét nghiệm?
- Xét nghiệm máu có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng, do đó hãy hít thở sâu, tự động viên một cách tích cực để thoải mái, thư giãn hơn.
- Tuy nhiên, một số người sẽ có triệu chứng chóng mặt, khó chịu khi lấy máu. Hãy thông báo ngay với nhân viên xét nghiệm để có biện pháp cải thiện. Nên nằm nghỉ ngơi và ăn nhẹ sau khi lấy máu để nhanh chóng hồi phục
- Mức độ đau khi lấy máu phụ thuộc vào: kỹ năng lấy máu, tình trạng tĩnh mạch, mức độ nhạy cảm với cơn đau, ...
- Lưu ý về vết bầm hay khối tụ máu sau khi lấy máu: bình thường sau khi xét nghiệm bạn có thể bị một vết bầm nhỏ nơi tiếp xúc với kim tiêm đâm vào nhưng chúng thường vô hại, nhanh chóng hết đau và mờ dần sau vài ngày. Bạn nên báo trước về tình trạng rối loạn chảy máu nếu mắc phải vấn đề này.
- Nếu vết tiêm bị đỏ, viêm do nhiễm trùng cần gặp bác sĩ để can thiệp sớm.
5. Chi phí một lần xét nghiệm máu bao nhiêu?
Theo các chuyên gia, rất khó để đưa ra mức giá chính xác cho câu hỏi xét nghiệm máu giá bao nhiêu bởi nó còn tùy thuộc vào:
- Mục đích thực hiện xét nghiệm: khi bạn thăm khám tổng quát, theo dõi tiến trình bệnh hay hỗ trợ chuẩn đoán bệnh, ... sẽ có chi phí khác nhau.
- Loại xét nghiệm: nếu bạn tiến hành một hoặc nhiều loại xét nghiệm máu thì mức phí bạn phải chi trả sẽ không giống nhau.
- Yếu tố khác như: địa chỉ thực hiện, thiết bị hoặc kỹ thuật áp dụng, bác sĩ thăm khám, ...
Do vậy, để biết được chi phí phải trả là bao nhiêu, bạn nên tìm hiểu trước thông qua điện thoại, tổng đài tư vấn, làm xét nghiệm ở một bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, chất lượng với bảng giá dịch vụ công khai.
Gợi ý cách đọc kết quả của một vài chỉ số xét nghiệm máu
- Số lượng bạch cầu (40 - 10 Giga/L): nếu cao vượt ngưỡng bình thường nghĩa là người bệnh có khả năng mắc bệnh viêm nhiễm, bạch cầu, máu ác tính. Nếu thấp có thể cảnh báo thiếu máu, thiếu hụt vitamin B12 hoặc folate, nhiễm khuẩn, ...
- Số lượng hồng cầu (3,8 - 5,8 Tera/L): chỉ số giảm đi khi thiếu máu và tăng khi mất nước hoặc chứng tăng hồng cầu
- Chỉ số Hb (Hemoglobin từ 12 - 16,5 g/dL): chỉ số giảm nếu bạn bị thiếu máu, phản ứng gây tan máu, chảy máu. Ngược lại, khi bị bệnh tim, phổi, mất nước thì chỉ số sẽ tăng cao.
- GLU – Glucose: giới hạn bình thường từ 4,1 - 6,1 mmol/L. Chỉ số này thường tăng do bệnh tiểu đường, viêm tụy, bệnh tuyến giáp, u não, ... Nếu bị hạ đường huyết nghĩa là bạn bị suy giáp, suy vỏ thượng thận, bệnh gan nặng, nhược năng tuyến yên, ...
- SGOT và SGPT (20 – 40 UI/L): mức độ này thường tăng cao trong viêm gan
- Nồng độ Cholesterol (3,4 – 5,4 mmol/l): khi chỉ số này cao sẽ cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ, xơ vữa động mạch, ... Giảm khi bị nhiễm trùng huyết, thiếu máu, suy gan, cường giáp, bệnh Basedow, ...
- Triglyceride (0,9 – 2,1 mmol/l): hội chứng tăng lipid máu nguyên phát, thứ phát, xơ vữa động mạch, thận hư, viêm tụy, ... khi chỉ số Triglyceride tăng vượt ngưỡng cho phép. Giảm khi bị xơ gan, suy kiệt, cường tuyến giáp, ...
- HDL – Choles (0,9 – 2,1 mmol/l): đây được xem là loại mỡ “tốt”, hạn chế gây xơ tắc mạch máu
- LDL – Choles (0,0 – 2,9 mmol/l): tỷ trọng thấp khiến cho động mạch cứng và hẹp
- GGT (0 – 53 U/L): khi gan giảm sức đề kháng và miễn dịch của tế bào gan kém thì GGt tăng.
- URE (2,5 – 7,5 mmol/l): bệnh nhân đối diện với u tiền liệt tuyến, viêm cầu thận mạn, suy thận, ... khi chỉ số Ure tăng. Đồng thời, nếu thấp hơn giới hạn bình thường thì người bệnh có khả năng suy gan, chế độ ăn nghèo ure, ...
- CRE (Creatinin): nam từ 62 – 120 μmol/l, nữ từ 53 – 100 μmol/l là bình thường và nó là dấu hiệu của chức năng thận
- URIC: nam từ 180 – 420 μmol/l, nữ từ 150 - 360 μmol/l. Khi bị tổn thương tế bào gan, bệnh Wilson, ... sẽ dẫn đến giảm chỉ số Uric.
Xem thêm:
- 5 cơ sở xét nghiệm máu được đánh giá cao ở Hà Nội
- Xét nghiệm máu tại nhà