Tất cả những điều cần biết về vắc xin bại liệt

Tìm hiểu bệnh bại liệt và vắc xin bại liệt như tiêm phòng bại liệt có sốt không, tiêm phòng bại liệt khi nào, có những loại vắc xin bại liệt nào,... sẽ giúp chúng ta phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Tất cả những điều cần biết về vắc xin bại liệt Tất cả những điều cần biết về vắc xin bại liệt

1. Vắc xin bại liệt là vắc xin gì?

Vắc xin bại liệt là vắc xin được dùng để chống bệnh bại liệt. Vắc xin có 2 dạng là dạng uống và dạng tiêm.

2. Mục đích của việc chủng ngừa vắc xin bại liệt

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus bại liệt - Polio gây ra. Virus bại liệt có 3 tuýp là 1, 2 và 3. Khi vào cơ thể, virus bại liệt sẽ di chuyển đến hạch bạch huyết, rồi tại đây tiến hành xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương và làm tổn thương những tế bào thần kinh vận động của vỏ não và tế bào sừng trước tủy sống.

Nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc bị liệt, tàn tật suốt đời.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi sức đề kháng trẻ còn thấp, là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, tiêm hoặc uống vắc xin bại liệt là cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả bằng cách chủ động tạo miễn dịch.

HoiBenh.vn-vac-xin-bai-liet-body-2
Tiêm hoặc uống vắc xin bại liệt là cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả

3. Có những loại vắc xin bại liệt nào?

Tại Việt Nam, vắc xin bại liệt đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và có 2 loại:

  • Vắc xin bại liệt OPV: Đây là vắc sống giảm độc lực dạng uống, có chứa virus bại liệt sống nhưng đã được làm suy yếu. Trong đó, vắc xin tOPV là vắc xin chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt 1, 2 và 3. Còn vắc xin bOPV là vắc xin chỉ chứa 2 loại kháng nguyên bại liệt là 1 và 3.
  • Vắc xin bại liệt IPV: Đây là vắc xin bất hoạt dạng tiêm, có chứa virus bại liệt đã chết. Vắc xin IPV cũng có thể ở dạng phối hợp với một vài loại vắc xin khác. Vắc xin này chứa 3 loại kháng nguyên bại liệt là 1, 2 và 3. WHO khuyến cáo có thể tiêm vắc xin bại liệt IPV cùng lúc với vắc xin phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (vắc xin 5 trong 1). Việc tiêm chủng như vậy là không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như khả năng tạo miễn dịch của vắc xin.

4. Tiêm phòng bại liệt khi nào?

Để giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh bại liệt, cần đưa trẻ đến các trạm y tế địa phương theo lịch như sau:

  • Khi trẻ 2 tháng tuổi: uống liều thứ nhất vắc xin bại liệt bOPV.
  • Khi trẻ 3 tháng tuổi: uống liều thứ hai vắc xin bại liệt bOPV.
  • Khi trẻ 4 tháng tuổi: uống liều thứ ba vắc xin bại liệt bOPV.
  • Khi trẻ 5 tháng tuổi: tiêm liều tăng cường vắc xin bại liệt IPV.

5. Tác dụng phụ của vắc xin bại liệt

Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng tiêm phòng bại liệt có sốt không? Câu trả lời là có, trẻ có thể bị sốt nhẹ, đồng thời gặp thêm một số tác dụng phụ như sưng đau, tấy đỏ, nổi cục cứng ở vị trí tiêm; đau khớp, đau nhức mỏi cơ thể; buồn ngủ; buồn nôn.

HoiBenh.vn-vac-xin-bai-liet-body-3
Tiêm phòng bại liệt có thể bị sốt nhẹ

6. Cần lưu ý gì khi chủng ngừa vắc xin bại liệt?

  • Trẻ đã từng có phản ứng gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc gặp phản ứng nghiêm trọng với liều vắc xin trước thì không nên chủng ngừa.
  • Trẻ đang bị ốm ở mức độ từ vừa đến nặng, hoặc mắc bệnh cấp tính cần được hoãn lịch chủng ngừa cho đến khi khỏi ốm.
  • Nếu trẻ có bất kỳ phản ứng phụ nào với vắc xin, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ ngay khi gặp để được thăm khám kịp thời.
  • Sau khi chủng ngừa, nếu có các dấu hiệu như: cực kỳ buồn ngủ hoặc ngất xỉu; co giật; sốt cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, cần gặp bác sĩ ngay.
  • Đặc biệt, nếu có các phản ứng dị ứng với vắc xin như phát ban, khó thở, sưng phù mặt, môi, lưỡi, cổ họng, cần liên hệ cấp cứu ngay.

Chủng ngừa vắc xin bại liệt là cách bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc để được đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm của Vinmec tư vấn về việc chủng ngừa một cách nhiệt tình và cụ thể nhất.

Xem thêm

  • Top 5 địa chỉ tiêm vắc xin bại liệt uy tín nhất tại Hà Nội
  • Tiêm phòng bệnh bại liệt khi nào?
  • Bệnh bại liệt có di truyền hay không?