Tâm sự trước lúc nghỉ hưu của vị bác sĩ 40 năm theo nghiệp Y khoa
Nghề nào trong xã hội cũng chứa đựng những gian truân mà nếu không phải là người trong cuộc thì sẽ không thể nào hiểu được. Đặc biệt, nghề bác sĩ luôn là một trong số những nghề áp lực và vất vả đồng thời bị xã hội hiểu lầm nhiều nhất.
Tâm sự trước lúc nghỉ hưu của vị bác sĩ 40 năm theo nghiệp Y khoa
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/02, hãy cùng đọc những tâm sự dưới đây của vị bác sĩ 40 năm cống hiến cho sự nghiệp cứu người để hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của nghề Y và thêm đồng cảm, tin yêu, chia sẻ với những thế hệ bác sĩ hôm nay và tương lai.
An Long, ngày ... tháng ... năm ...
Ngày mai là ngày tôi chính thức về hưu. Xin gửi các bạn thày thuốc những dòng sau đây từ bài diễn văn tôi sẽ đọc vào buổi tiệc chia tay. Có lẽ đó cũng là tiếng nói đại diện cho một thế hệ thày thuốc đã và đang bước qua ngưỡng cửa cuộc đời...
Bốn mươi năm trước, tôi bước vào ngưỡng cửa trường Y, khoác lên màu áo trắng tinh khiết của nghề thày thuốc. Trải qua bao nhiêu sóng gió, thăng trầm, buồn nhiều hơn vui, nhục nhiều hơn vinh, cay đắng nhiều hơn ngọt ngào, thất bại nhiều hơn thành công, nghe tiếng khóc nhiều hơn thấy nụ cười.
Trong cuộc đời 40 năm làm thầy thuốc của tôi chắc rằng phạm phải không ít sai lầm, do kém cỏi cũng có, do mệt mỏi hay chủ quan cũng có nhưng bao giờ tôi cũng muốn đem lại điều gì đó tốt nhất cho bệnh nhân, những người luôn tin tưởng ở tôi.
Tôi tin rằng bất cứ ai đã khoác màu áo trắng đều luôn mong muốn cho bệnh nhân của mình mau chóng khỏi hoặc giảm bệnh tật, nhưng điều đó đôi khi đi ngược lại ý muốn của mình. Và nếu chúng tôi có sai lầm hay chậm chạp cũng mong mọi người ngoài nghề thông cảm và giúp chúng tôi làm tốt hơn.
Tuổi tác và bệnh tật là hai gánh nặng làm cho những con người dù xưa kia mạnh mẽ thế nào thì hôm nay cũng có lúc phải lùi bước. Đó là quy luật tự nhiên. Tre già thì măng mọc, những người lớn tuổi, giảm hiệu suất công việc thì phải nhường chỗ cho lớp dưới tiến lên. Chỉ mong sao cho lớp trẻ tránh được những sai lầm của thế hệ cũ, đi những bước vững chắc vượt qua những bài toán khó của cha anh.
Làm thày thuốc không phải là một cuộc dạo chơi vui thú như nhiều người tưởng lầm. Đó là một con đường lắm chông gai nhưng những mũi gai nhọn đó không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy và tránh được. Cứu được nghìn người không nhận được một lời khen ngợi, nhưng chỉ thất thoát một ca bệnh thôi thì có khi thân bại danh liệt, ôm hận suốt đời... Và không hiếm thày thuốc đã ngã gục trong khi đang làm nhiệm vụ.
Khó khăn của thày thuốc đến từ mọi phía, từ bệnh nhân, thân nhân, chính quyền, đồng nghiệp, lãnh đạo, cơ quan bạn, người bên ngoài cho đến bản thân. Đang ca trực êm ả, yên tĩnh đột ngột lại có bệnh cấp cứu, tai biến đột xuất, có thể nói không một nghề nào mà sự căng thẳng lại thường xuyên và kéo dài như ngành y. Có khá nhiều người trong ngành y phải bỏ nghề giữa chừng vì không kham nổi gánh nặng... Có thể nói người thày thuốc nào còn trụ vững đến ngày về hưu thật là đáng quý.
Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, buổi tiệc nào rồi cũng kết thúc. Sớm hay muộn thì mọi sự cũng sẽ chấm dứt cho dù đó là nỗi đau hay niềm hạnh phúc. Nghề cũng là nghiệp và chúng ta sẽ mang cái dư âm của ngành y cho đến cuối cuộc đời.
Cuối cùng tôi không biết nói gì hơn cho lớp trẻ bằng cách lập lại lời khuyên của Trousseau, một vị danh sư của Pháp, đã từng khuyên các sinh viên y khoa:
"Các bạn có bổn phận làm vẻ vang cho nghề của các bạn, cũng như nhờ nghề đó mà các bạn được vẻ vang, một nghề đòi hỏi nhiều hi sinh, một nghề trong đó ngày và đêm của các bạn sẽ là ngày và đêm của người bệnh.
Các bạn nên yên trí rằng các bạn gieo tận tâm mà sẽ chỉ gặt bội bạc. Các bạn sẽ phải gạt bỏ hết những thú vui đầm ấm của gia đình và thì giờ nghỉ ngơi sau một thời gian làm lụng vất vả.
Các bạn không được sợ thối tha bẩn thỉu hoặc nguy hiểm, các bạn không được lùi bước trước cái chết khi cái chết đó xảy ra giữa những lúc nguy hiểm của nghề chúng ta, bởi chết như thế sẽ làm cho ai nấy khi nhắc đến tên bạn, phải tỏ lòng kính mến".
Mong rằng tất cả thày thuốc chúng ta sẽ thuận buồm xuôi gió trong suốt cuộc đời hành nghề của mình.
Thân.
BS. Lê Ngọc Dũng
(Theo Sức khỏe đời sống)