Tại sao ung thư amidan nhầm lẫn với viêm loét amidan?
Ung thư amidan hay viêm loét amidan thông thường ban đầu đều có cảm giác đau họng gây ra khó nuốt và nuốt đau. Vậy ung thư amidan là gì và viêm loét amidan là gì? Làm thế nào để phân biệt 2 căn bệnh này?
Tại sao ung thư amidan nhầm lẫn với viêm loét amidan?
Ung thư amidan hay viêm loét amidan thông thường ban đầu đều có cảm giác đau họng gây ra khó nuốt và nuốt đau. Trong khi viêm loét amidan có thể không cần điều trị và tự khỏi thì ung thư amidan nếu phát hiện muộn sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vậy ung thư amidan là gì và viêm loét amidan là gì? Làm thế nào để phân biệt 2 căn bệnh này? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.
1. Ung thư amidan là gì?
Ung thư amidan là một loại ung thư bắt đầu từ việc tổn thương các tế bào của amidan. Amidan là bộ phận giống như 2 miếng đệm hình bầu dục ở phía sau miệng. Nó là một phần của hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào miệng hoặc cổ họng. Cổ họng có ba loại amidan, trong đó ung thư amidan thường liên quan đến amidan vòm họng. Hầu hết các trường hợp ung thư amidan là dạng ung thư biểu mô tế bào gai, phát sinh từ các mô niêm mạc miệng, ngoài ra cũng có thể xuất hiện u lympho amidan (một loại ung thư liên quan đến hệ thống miễn dịch).
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư amidan là gì?
Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư amidan rất giống triệu chứng của viêm họng hoặc viêm loét amidan thông thường. Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư amidan bao gồm:
- Xuất hiện mảng trắng hoặc đỏ trên amidan
- Đau họng tiếp diễn trong một thời gian dài
- Cảm giác có gì đó trong cổ họng không biến mất
- Khó nuốt
- Thay đổi trong giọng nói
- Xuất hiện hạch ở cổ
- Giảm cân không giải thích được
2. Viêm loét amidan là gì?
Viêm loét amidan có nguyên nhân do nhu mô amidan viêm nhiễm (trong khi ung thư lại do tế bào ác tính sản sinh ở các nhu mô amidan). Viêm loét amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và là một bệnh nhiễm trùng phổ biến đối với trẻ em. Bệnh này thường được chẩn đoán ở trẻ từ tuổi mẫu giáo đến khi dậy thì (trẻ từ 5 đến 15 tuổi).
Có hai loại viêm amidan:
- Viêm loét amidan cấp tính phát: có thể tái phát nhiều đợt trong một năm. Bệnh nhân thường sốt, đau họng một bên hoặc hai bên, khó nuốt, khó thở.
- Viêm loét amidan mãn tính: các đợt viêm kéo dài hơn và kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, hôi miệng, sốt, hay nổi hạch ở cổ. Bệnh nhân bị viêm amidan mạn tính thường có khạc ra những hạt bã đậu có mùi rất hôi (trông giống hạt cơm tấm, cơm nát). Hạch ở cổ bệnh nhân sưng to, đau và sẽ biến mất sau khi uống thuốc.
Trong khi đó, đối với bệnh nhân ung thư amidan thường không sốt, chỉ có cảm giác nuốt khó, cổ có hạch nhưng không đau, không sưng. Sau khi uống thuốc, hạch không mất đi mà thậm chí vẫn ngày càng cứng và to ra.
Triệu chứng viêm loét amidan
Triệu chứng của viêm loét amidan có thể được chẩn đoán dễ dàng. Chúng thường biến mất trong vòng 7 đến 10 ngày. Những dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm:
- Amidan đỏ, sưng
- Lớp phủ màu trắng hoặc màu vàng hoặc các mảng trên amidan
- Viêm họng
- Nuốt khó hoặc đau
- Sốt
- Nổi các hạch bạch huyết ở cổ
- Cảm giác khó chịu khi nói
- Hôi miệng
- Đau dạ dày (đặc biệt là ở trẻ nhỏ)
- Cứng cổ
- Đau đầu
3. Chẩn đoán phân biệt ung thư amidan với viêm loét amidan thông thường như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ liên quan. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất bằng cách nhìn vào miệng và cổ họng để kiểm tra xem có khối u hoặc bất cứ điều gì bất thường không.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có khả năng bị ung thư amidan, họ sẽ đề nghị làm các xét nghiệm và kiểm tra khác để kiểm tra ung thư, bao gồm cả sinh thiết.
Các xét nghiệm hình ảnh có thể nhìn thấy bằng mắt thường được sử dụng để giúp xác định mức độ của bệnh. Chúng sẽ cho biết xem, nếu là ung thư thì khối u có thể lan rộng đến đâu hoặc tìm khối u.
Các kĩ thuật có thể bao gồm:
- Chụp Panorex: Đây là một kĩ thuật chụp tia X toàn cảnh của hàm trên và hàm dưới. Nó có thể giúp xác định xem một khối u đã phát triển vào xương hàm hay chưa.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Hình ảnh cộng hưởng từ.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Như vậy, nhiều biểu hiện giống nhau như: amidan sưng đỏ, cảm giác vướng ở cổ, khó nuốt... khiến nhiều người dễ nhầm lẫn ung thư amidan và viêm loét amidan thông thường. Bạn cần để ý kỹ tới những thay đổi của cơ thể. Khi phát hiện những dấu hiệu của bất thường của amidan đặc biệt là những dấu hiệu điển hình ở ung thư amidan như đã nêu trên, mọi người cần đi khám tại bệnh viện chuyên khoa để có kết quả chính xác. Chính bởi những dấu hiệu giống nhau giữa hai bệnh nên tuyệt đối không thể chủ quan được!
Xem thêm:
- 5 địa chỉ cắt amidan được đánh giá cao tại Hà Nội
- Bạn có biết khi nào cần mổ cắt amidan?
- 5 địa chỉ cắt amidan cho trẻ tại TP. HCM