Tại sao tia cực tím có hại cho da?
Tia cực tím (hay tia UV) là một dạng tia điện từ, có tác dụng giúp da tổng hợp vitamin D, kích thích các hoạt động chính của cơ thể. Ngoài ra tia cực tím còn có khả năng tiệt trùng, diệt khuẩn, chữa bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là tác hại đến da.
Tại sao tia cực tím có hại cho da?
Vậy tia cực tím có độc hại hay không?
1. Tia cực tím là gì?
Tia cực tím (tia UV) là bức xạ sóng điện từ được phát ra từ mặt trời. Tia UV được chia làm 3 loại chính sau đây:
- Tia UVA có bước sóng từ 400 – 320nm, chiếm khoảng 95% lượng tia cực tím chiếu xuống trái đất trong khoảng thời gian 10 – 16h mỗi ngày. Là loại tia cực tím có bước sóng dài nên tia UVA có thể xuyên qua các đám mây, sương mù, cửa kính, vải mỏng để tác động lên da, phá hủy các sợi collagen và elastin (là 2 protein đóng vai trò như một bộ khung chống đỡ bên dưới da, giúp làn da duy trì sự căng mịn và đàn hồi) khiến da chùng nhão và nhăn nheo. Tia UVA liên quan đến các tổn thương lâu ngày trên da như nếp nhăn và là thủ phạm gây nên bệnh ung thư da.
- Tia UVB có bước sóng ngắn hơn (từ 320 – 280nm) nhưng có năng lượng mạnh hơn tia UVA và phần lớn bị hấp thụ bởi tầng ôzôn. Tia UVB chỉ chiếm khoảng 5% lượng tia cực tím chiếu xuống trái đất vào thời gian từ 10h – 16h hàng ngày. Tuy nhiên, loại tia này có thể trực tiếp phá hủy ADN của tế bào da và là nguyên nhân chính gây cháy nắng và ung thư da.
- Tia UVC có năng lượng mạnh hơn tia UVA, UVB nhưng là loại tia UV có bước sóng ngắn nhất nên bị bầu khí quyển của trái đất hấp thụ hoàn toàn, và không có trong ánh nắng mặt trời khi chiếu xuống mặt đất. Tuy nhiên, tầng ôzôn bị thủng do khí hậu nóng lên toàn cầu đang dấy lên nỗi lo sợ tia cực tím chiếu xuống trái đất ngày càng mạnh hơn.
Tuy nhiên ánh nắng mặt trời không phải là nguồn duy nhất sản sinh ra tia cực tím. Chính con người cũng đã sản xuất ra nguồn tia cực tím nhân tạo, chúng thường được sử dụng trong các thiết bị giường nhuộm da, đèn UV, đèn chiếu chữa bệnh, đèn diệt trùng, đèn halogen và một số loại máy phát ra tia laze.
2. Tia cực tím có độc hại hay không?
Tia cực tím gây ung thư da
Theo thống kê, số ca mắc ung thư da hàng năm ở Mỹ được chẩn đoán nhiều hơn các ca mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư ruột kết (hay ung thư trực tràng). Cứ 5 người Mỹ sẽ có một người mắc ung thư da trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời họ, số người chết vì ung thư da đang nhiều lên sau mỗi giờ. Phơi nhiễm với tia cực tím không an toàn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư da. Ung thư da không phải dạng u ác tính nên ít gây tử vong hơn, tuy nhiên chúng có thể lan rộng ra khắp cơ thể, gây biến dạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.
U ác tính
U ác tính cũng là một dạng ung thư da tuy nhiên nguy hiểm hơn rất nhiều ung thư da thông thường. U ác tính là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 – 29 tuổi tại Mỹ. Khối u ác tính thường chiếm khoảng 3% các trường hợp được chẩn đoán ung thư da. Tuy nhiên, 75% số người mắc ung thư da tử vong là do u ác tính. Phơi nhiễm với tia cực tím và có tiền sử bị cháy nắng trong thời thơ ấu là yếu tố nguy cơ phổ biến gây bệnh. Bên cạnh đó những yếu tố như di truyền, sự suy giảm hệ thống miễn dịch cũng có thể gây u ác tính.
Ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư biểu mô tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất hiện nay. Chúng thường xuất hiện ở trên đầu và cổ tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở các vùng da khác. Ung thư biểu mô tế bào đáy thường phát triển chậm và hiếm khi lan ra các vùng da khác của cơ thể.
Ung thư biểu mô tế bào vảy
Tác hại của tia UV đối với con người chưa dừng lại ở đó, chúng còn làm xuất hiện các khối u dưới dạng nốt ruồi hoặc đốm vảy màu đỏ hay còn gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy. Dạng ung thư này có thể phát triển thành khối u lớn, không giống như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tia cực tím gây lão hóa da sớm
Tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng mặt trời trong đó có tia cực tím sẽ gây lão hóa da sớm. Theo thời gian, da chúng ta có thể bị nhăn nheo, hình thành các vết nám, tàn nhang và đốm nâu. Lão hóa da sớm sẽ biểu hiện sau một thời gian âm thầm phơi nhiễm với tia UVA (loại tia cực tím có bước sóng dài, xuyên qua lớp vải, cửa kính và tác động lên da). Lão hóa da bình thường là quy luật tự nhiên, tuy nhiên có đến 90% số người bị lão hóa da sớm là do tác động của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Nếu có các biện pháp bảo vệ da thích hợp trước tác hại của tia UV thì hầu hết tình trạng lão hóa da sớm có thể tránh được.
Đục thủy tinh thể và các tổn thương mắt
Đục thủy tinh thể là một dạng của tổn thương mắt, trong đó thủy tinh thể bị mất đi độ trong suốt vốn có. Nếu không được điều trị kịp thời, đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến chứng mù lòa. Các nghiên cứu cho thấy, bức xạ tia UV làm tăng khả năng gây đục thủy tinh thể. Mặc dù có khả năng chữa khỏi bằng cách phẫu thuật mắt, nhưng đục thủy tinh thể làm giảm tầm nhìn của rất nhiều người song song với đó là rất nhiều chi phí tốn cho chăm sóc y tế mỗi năm. Tia UV còn gây ra các tổn thương về mắt khác như pterygium (mộng thịt ở mắt), ung thư da quanh mí mắt hay thoái hóa điểm vàng. Tất cả các vấn đề này đều có thể được giải quyết nếu sử dụng các biện pháp chống tia cực tím thích hợp cho vùng mắt.
Suy giảm hệ miễn dịch
Các nhà khoa học đã phát hiện, việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể ngăn chặn các hoạt động có lợi của hệ thống miễn dịch cơ thể và ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ tự nhiên của da. Da có thể kích hoạt hệ thống phòng vệ chống lại những tác nhân gây hại từ bên ngoài như ung thư, nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bạn phơi nhiễm quá mức với tia UV, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân từ bên ngoài.
3. Tại sao tia cực tím có hại cho da?
Cháy nắng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với tia UV độc hại. Về cơ bản, cháy nắng là phản ứng tự vệ để bảo vệ cơ thể. Da bao gồm tế bào sắc tố là melanin, chúng được tạo ra từ các tế bào da có tên là melanocytes. Melanin hấp thụ tia UV và biến nó thành nhiệt. Khi cảm nhận được nhiệt nóng từ ánh sáng mặt trời, cơ thể sẽ chuyển melanin đến các tế bào xung quanh và cố gắng bảo vệ chúng khỏi những tổn thương có thể gây ra. Chính điều này khiến da của chúng ta trở nên tối màu hơn.
Như vậy, thực chất melanin là một chất chống nắng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cơ thể phải tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài, hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ có thể bị áp đảo, khi đó xảy ra phản ứng với chất độc hại, dẫn đến hiện tượng cháy nắng. Tia UV có thể gây hại cho ADN của tế bào da. Cơ thể chúng nhận biết được điều này và vận chuyển máu đến khu vực đó để giúp cho quá trình phục hồi. Thông thường, chỉ cần phơi nắng nửa ngày, bạn đã cảm thấy da tấy đỏ và có cảm giác rát – mức độ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ nhạy cảm của da từng người.
Đôi khi, ADN của tế bào da bị đột biến bởi tia cực tím, từ tế bào da bình thường sẽ trở thành các tế bào có vấn đề - những tế nào này không chết theo chu trình và thậm chí còn sinh sôi, nảy nở giống các tế nào ung thư. Kết quả nhận được chính là bệnh ung thư da phát triển – dạng thức thường gặp nhất của bệnh ung thư trên toàn thế giới. Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao nhất là những người bị cháy nắng thường xuyên. Như đã phân tích ở trên, dạng thức ung thư da nguy hiểm nhất là u ác tính. Dạng thức này có nguy cơ xảy ra cao gấp đôi đối với những người đã từng bị cháy nắng 5 lần hoặc hơn so với người bình thường.