Tại sao phụ nữ mang thai dễ viêm đường tiết niệu?
Tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai cao hơn ở phụ nữ bình thường. Tại sao lại có sự chênh lệch này? Các mẹ bầu nên làm gì để phòng tránh? Cùng HoiBenh tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Tại sao phụ nữ mang thai dễ viêm đường tiết niệu?
Tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai cao hơn ở phụ nữ bình thường. Tại sao lại có sự chênh lệch này? Các mẹ bầu nên làm gì để phòng tránh? Cùng HoiBenh tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tại sao phụ nữ mang thai dễ viêm đường tiết niệu?
Đối với phụ nữ mang thai, cấu trúc xương chậu thay đổi, cơ thể bị mất nhiều nước hơn bình thường, số lần đi tiểu giảm, đường tiết niệu ít được làm sạch là nguyên nhân dẫn đến việc vi khuẩn hoành hành.
Khi thai kỳ vào tháng thứ 4, bàng quang của mẹ bầu bị thai nhi chèn ép, việc tiểu tiện khó kiểm soát làm ứ đọng nước tiểu, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Ở giai đoạn mang thai 3 tháng cuối, tử cung người mẹ thường có xu hướng nghiêng sang phải, đè vào niệu quản và thận phải nên dễ gây ứ nước thận và viêm thận. Bên cạnh đó sự thay đổi nội tiết trong suốt quá trình mang thai làm nhu động ruột và niệu quản ảnh hưởng, người mẹ thường bị táo bón và ứ đọng nước tiểu nhiều hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến vi khuẩn xâm nhập dễ dàng và phát triển mạnh trong đường tiết niệu, gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Ngoài ra, thân nhiệt của phụ nữ mang thai thường cao hơn so với bình thường, chứng nóng trong cũng gây nóng rát, đi tiểu buốt, dễ mắc viêm đường tiết niệu hơn.
2. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu
Triệu chứng của viêm đường tiết niệu chủ yếu là đi tiểu khó, rất hay buồn tiểu nhưng mỗi lần đi lại ra rất ít,tiểu buốt, đau rát, bệnh nặng có thể tiểu ra máu. Người bệnh thường bị đau, căng ở bàng quang, khó chịu vùng bụng dưới, cảm giác mệt mỏi, bứt rứt. Nước tiểu ở người bệnh thường đục và có màu hồng (máu lẫn trong nước tiểu).
Nếu người bệnh còn xuất hiện thêm các triệu chứng đau lưng, buồn nôn, sốt thì có thể vi khuẩn đã vào thận rất nguy hiểm, có thể gây ra các bệnh về thận như viêm thận, suy thận v.v. Lúc này bệnh nhân cần lập tức tới bệnh viện để khám, xét nghiệm và xử lý kịp thời.
3. Phòng bệnh viêm đường tiết niệu cho phụ nữ mang thai
Để phòng tránh và phát hiện viêm đường tiết niệu sớm nhất, phụ nữ mang thai cần thường xuyên kiểm tra nước tiểu trong mỗi lần khám thai, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên của thai kỳ.
Trong quá trình khám và xử trí cần tránh các yếu tố thuận lợi gây nên nhiễm khuẩn tiết niệu như sang chấn sản khoa, cần hạn chế thông tiểu nếu thấy chưa cần thiết. Nếu bị viêm âm hộ, âm đạo phải điều trị dứt điểm, đề phòng lây nhiễm sang đường tiết niệu.
Người mẹ cũng nên bổ sung nhiều nước hơn so với bình thường, sử dụng thêm các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe và có tác dụng lợi tiểu. Lượng nước cần thiết mẹ bầu dung nạp vào cơ thể trong quá trình mang thai là khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày. Khi muốn đi tiểu, mẹ cần đi ngay. Tuyệt đối không nín tiểu vì sẽ gây ứ đọng nước tiểu làm ảnh hưởng đến thận, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây nguy hiểm cho đường tiết niệu, bàng quang và thận.
Ngoài ra mẹ bầu cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể, vệ sinh đúng cách để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và trú ngụ. Nên làm sạch vùng kín và hậu môn bằng nước sạch sau mỗi lần vệ sinh.
Khi phát hiện thai phụ bị bể thận, viêm thận so ảnh hưởng nặng của viêm đường tiết niệu, cần nhập viện ngay để được theo dõi và điều trị.
Bài viết trên đây đã giải thích tại sao phụ nữ mang thai thường dễ mắc viêm đường tiết niệu hơn so với phụ nữ bình thường, đồng thời cũng chia sẻ cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu cho chị em bầu bí. Hy vọng qua bài viết này, các mẹ bầu sẽ nhìn nhận đúng đắn hơn về căn bệnh viêm đường tiết niệu để sáng suốt trong việc phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Viêm tai giữa khi mang thai có nguy hiểm không?
- Mang thai lần đầu bị thai lưu và viêm lộ tuyến cổ tử cung
- Viêm âm đạo khi mang thai 3 tháng cuối mẹ phải làm sao để điều trị bệnh kịp thời