Tại sao phải làm xét nghiệm phân?
Khi đi khám sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm phân trong một vài trường hợp. Nhiều bệnh nhân băn khoăn không biết họ cần xét nghiệm phân để làm gì và cảm thấy rất ngại khi được yêu cầu. Tuy nhiên, lợi ích của xét nghiệm phân mang lại rất lớn và có thể giúp giảm nhiều chi phí cho điều trị.
Tại sao phải làm xét nghiệm phân?
Xét nghiệm phân là gì?
Không giống như các loại xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu hay xét nghiệm máu, xét nghiệm phân thường chỉ được thực hiện sau khi có chỉ định của bác sĩ. Mặc dù ít được thực hiện, nhưng xét nghiệm này có vai trò khá quan trọng trong phát hiện sớm các bệnh về hệ tiêu hóa và cần được áp dụng ở mọi đối tượng.
Đây là một loại xét nghiệm được thực hiện trên một mẫu phân giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến tiêu hóa. Những bệnh lý này có thể bao gồm nhiễm trùng, tình trạng hấp thụ dinh dưỡng kém, hoặc ung thư.
Đối với xét nghiệm phân, một mẫu phân sẽ được thu thập trong một cốc nước sạch và sau đó gửi đến phòng xét nghiệm. Khi làm xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi và các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh để phân tích màu sắc, hình dạng, độ đặc quánh, sự hiện diện của chất nhầy, tìm chất ẩn trong phân bao gồm máu, chất béo, các sợi thịt, mật, các tế bào bạch cầu, và các loại đường... để phát hiện, chẩn đoán các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Xét nghiệm phân để làm gì?
Thông qua xét nghiệm phân, các bác sĩ sẽ tìm ra phát hiện một số bệnh liên quan đến chức năng tiêu hóa của bệnh nhân:
Xác định các bệnh về đường tiêu hóa như loạn khuẩn, các cơ quan gan, mật, tuyến tụy;
Xác định nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa, các triệu chứng tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy có máu, đầy hơi, đau bụng;
Phát hiện sớm ung thư đại tràng bằng cách kiểm tra tìm máu lẫn trong phân;
Phát hiện giun sán, ký sinh trùng chẳng hạn như giun kim hoặc Giardia;
Tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng như do vi khuẩn, nấm hoặc virus;
Kiểm tra khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng của đường tiêu hóa.
Ngoài ra, việc xét nghiệm phân cũng giúp cho các bác sĩ có thể điều trị đúng bệnh đúng thời điểm, tránh trường hợp điều trị sai bệnh, dùng sai thuốc, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Những đối tượng cần làm xét nghiệm phân
Ở phương Tây, việc xét nghiệm phân là bình thường và gần như ai trong đời cũng làm xét nghiệm này, thậm chí là nhiều lần. Còn ở Việt Nam, có những người cả đời chưa từng làm xét nghiệm phân. Tuy nhiên, tất cả mọi người từ trẻ em đến người già đều nên được xét nghiệm phân 6 tháng đến 1 năm một lần.Những lưu ý khi làm xét nghiệm phân
Để kết quả xét nghiệm phân được chính xác, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Trước khi làm xét nghiệm này, bạn không nên sử dụng các loại thuốc uống điều trị tiêu chảy, kháng sinh, thuốc sắt hay thuốc kháng viêm,....
Không để phân nhiễm máu như chu kỳ kinh nguyệt, máu do nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, các tổn thương bên ngoài hậu môn hay các chất khác từ khăn hoặc giấy vệ sinh.
Cần gửi mẫu phân đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau khi lấy mẫu
Báo cáo với bác sĩ nếu bạn ăn các đồ lạ trước khi lấy mẫu xét nghiệm
Hỏi bác sĩ về một số đồ ăn không nên sử dụng trước khi lấy mẫu xét nghiệm
Xem thêm:
- Đại tiện phân đen có nguy hiểm hay không?
- Phân có màu xanh và những điều cần biết