Tại sao khi ngủ lại bị nghiến răng?

Nghiến răng khi ngủ là thói quen của rất nhiều người, tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn tới một số biến chứng khó lường về răng miệng và gây khó chịu cho người bên cạnh. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi ngủ lại bị nghiến răng?

Tại sao khi ngủ lại bị nghiến răng? Tại sao khi ngủ lại bị nghiến răng?

Nghiến răng khi ngủ là gì?

Trên thực tế thì nghiến răng là một thói quen phổ biến ở nhiều người, tuy nhiên nếu bạn thường xuyên nghiến răng một cách vô thức, đặc biệt là khi ngủ, thì rất có thể bạn đã mắc phải chứng bệnh có tên khoa học là sleep bruxism, hay còn gọi là chứng nghiến răng khi ngủ. Đây là tình trạng hai hàm răng bị ghì và nghiến chặt tạo áp lực lên nhau và phát ra âm thanh ken két. Nghiến răng khi ngủ là một chứng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ. Do đó, nếu bạn mắc chứng nghiến răng khi ngủ thì bạn dễ bị mắc những rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc ngáy.

HoiBenh.vn-tai-sao-khi-ngu-lai-bi-nghien-rang-body2
Nghiến răng là một thói quen phổ biến ở nhiều người

Tại sao khi ngủ lại bị nghiến răng?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng nghiến răng khi ngủ, có thể xuất phát từ thể chất hoặc tâm lý người bệnh như:

  • Tình trạng lo âu, stress, căng thẳng.
  • Cảm xúc giận dữ hoặc thất vọng.
  • Người bệnh có tính cách mạnh mẽ, cạnh tranh hay dễ kích động.
  • Liên kết bất thường của khớp cắn sai lệch.
  • Sự tăng trưởng và phát triển của hàm và răng.
  • Người bệnh mắc hội chứng rối loạn tâm thần như bệnh Huntington, bệnh Parkinson cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng khi ngủ.
  • Một tác dụng phụ hiếm gặp của một số thuốc tâm thần như thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra thì thuốc lá, các loại đồ uống chứa caffeine, rượu và các chất kích thích khác có thể làm tăng nguy cơ bị nghiến răng khi ngủ.
HoiBenh.vn-tai-sao-khi-ngu-lai-bi-nghien-rang-body-3
Nguyên nhân dẫn đến chứng nghiến răng khi ngủ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng nghiến răng khi ngủ:

  • Stress: Tình trạng quá lo lắng và stress, tức giận hoặc thất vọng có thể dẫn tới nghiến răng.
  • Tuổi tác: Chứng nghiến răng khi ngủ phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng thường biến mất khi trưởng thành.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có thành viên mắc chứng nghiến răng khi ngủ thì bạn có nguy cơ cao cũng mắc chứng này.

Nếu bạn mắc phải một trong những triệu chứng như: Mòn răng, đau xương hàm, mặt hoặc tai; những người khác than phiền về tiếng động bạn tạo ra khi ngủ... thì lời khuyên tốt nhất là bạn nên đi khám tại cơ sở nha khoa uy tín. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ bằng cách đặt các câu hỏi về sức khỏe răng miệng nói chung, các loại thuốc bạn sử dụng, thói quen sinh hoạt hàng ngày và thói quen ngủ. Để đánh giá mức độ nghiến răng khi ngủ, bác sĩ có thể kiểm tra:

  • Mức đau nhức ở các cơ hàm.
  • Những bất thường về răng miệng như răng bị hỏng hoặc rụng răng.
  • Các tổn thương răng miệng, gồm tổn thương xương bên dưới và bên trong má thông qua chụp X-quang.
HoiBenh.vn-tai-sao-khi-ngu-lai-bi-nghien-rang-body-4
Tổn thương xương bên dưới và bên trong má

Điều trị nghiến răng khi ngủ như thế nào?

Can thiệp nha khoa

Các phương pháp can thiệp nha khoa có thể được đề xuất nhằm bảo vệ và cải thiện sức khỏe răng miệng, bao gồm:

  • Sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm: Đây là dụng cụ này được thiết kế để giữ hai hàm răng tách nhau ra, tránh những tổn thương cho răng. Dụng cụ bảo vệ hàm có thể được làm bằng vật liệu mềm hoặc acrylic cứng, phù hợp với kích thước răng ở hàm trên và hàm dưới của người dùng.
  • Chỉnh nha: Nếu nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ là các vấn đề nha khoa thì việc chỉnh răng là cần thiết. Trong trường hợp nghiêm trọng, khi chiếc răng đã dẫn đến sự nhạy cảm hoặc không có khả năng để nhai đúng, nha sĩ có thể cần phải sử dụng lớp hoặc chụp để hoàn toàn thay đổi hình dáng bề mặt nhai của răng.

Áp dụng các biện pháp tâm lý

  • Kiểm soát cảm xúc tiêu cực: Nếu chứng nghiến răng khi ngủ là do tâm trạng stress gây ra, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách thư giãn đầu óc, ví dụ như ngồi thiền, nghe nhạc, tắm nước ấm. Hoặc bạn có thể đến gặp bác sĩ tâm lý nếu chứng nghiến răng khi ngủ có liên quan đến tâm trạng lo lắng của bạn.
  • Thay đổi hành vi: Chứng nghiến răng khi ngủ có thể được cải thiện nếu người bệnh thay đổi hành vi bằng cách thực hành tư thế miệng và hàm phù hợp. Bạn nên hỏi nha sĩ để được chỉ dẫn vị trí tốt nhất cho miệng và hàm.
  • Phản hồi sinh học: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, bạn có thể thử áp dụng phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Phương pháp này sử dụng những quy trình giám sát và các thiết bị để hướng dẫn bạn cách kiểm soát hoạt động của cơ hàm.
HoiBenh.vn-tai-sao-khi-ngu-lai-bi-nghien-rang-body-5
Điều trị nghiến răng khi ngủ

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả đáng kể trong điều trị chứng nghiến răng khi ngủ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giãn cơ bắp trước khi đi ngủ. Nếu chứng nghiến răng khi ngủ là một tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi loại thuốc đang sử dụng hoặc đề xuất một loại thuốc để chống nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, tiêm Botulinum có thể giúp cải thiện tình hình ở một số người mắc chứng nghiến răng khi ngủ nghiêm trọng hoặc những người không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.

Xem thêm:

  • 4 bước loại bỏ triệu chứng nghiến răng bạn nên biết
  • Trẻ nghiến răng khi ngủ liệu có hại hay không?
  • Ngủ nghiến răng là bệnh gì?