Tại sao cần chích ngừa cảm cúm cho người lớn?
Hiện đang có nhiều người băn khoăn với câu hỏi có nên chích ngừa cảm cúm cho người lớn không và tần suất chích ngừa như thế nào tốt nhất? Để tìm đáp án cho những câu hỏi trên, các bạn có thể tham khảo bài viết chia sẻ dưới đây.
Tại sao cần chích ngừa cảm cúm cho người lớn?
Hiện đang có nhiều người băn khoăn với câu hỏi có nên chích ngừa cảm cúm cho người lớn không và tần suất chích ngừa như thế nào tốt nhất? Để tìm đáp án cho những câu hỏi trên, các bạn có thể tham khảo bài viết chia sẻ dưới đây.
1. Sơ lược về bệnh cúm
Cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp bị gây nên bởi virus cúm. Ở phía bắc bán cầu và các nước có khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, virus cúm thường hoạt động mạnh mẽ vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Việt Nam hiện đang là nước có số người nhiễm cúm cao, khả năng bùng phát dịch lớn và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng. Tuy nhiên, đa số người dân ở nước ta hiện vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của virus cúm nên còn khá lơ là trong việc phòng, điều trị bệnh.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Danh Đức – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mặc dù phần lớn các trường hợp mắc cúm đều ở thể nhẹ, có thể tự hồi phục sau khoảng 5 - 7 ngày nhưng bệnh vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh do tình trạng sốt, ho, mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, bệnh còn gây nhiều hậu quả khác cho xã hội như phải nghỉ học, nghỉ làm, giảm năng suất lao động, tổn thất về mặt kinh tế, gây quá tải ở các cơ sở chăm sóc y tế,... Đặc biệt, bệnh cúm làm gia tăng tình trạng lạm dụng kháng sinh, dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh.
Lịch sử đã ghi nhận có những đại dịch cúm cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Đại dịch cúm gần đây nhất là cúm A H5N1 bùng phát năm 2010. Và theo thống kê dịch tễ cho thấy: cứ khoảng 10 – 14 năm thì đại dịch cúm lại bùng phát. Vì vậy, hiện tại đang là thời điểm nguy cơ bùng phát một đại dịch cúm mới.
2. Một số vấn đề liên quan tới việc chích ngừa cảm cúm cho người lớn
2.1 Vì sao cần phải tiêm phòng vắc xin cúm?
Cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Đặc biệt, virus cúm còn có thể phát triển rất nhanh trong cơ thể, làm phá hủy tế bào, gây suy đa tạng và thậm chí dẫn tới tử vong. Trong khi đó, các chủng virus cúm lại biến đổi liên tục nên dù đã từng tiêm vắc xin một vài lần thì cũng không thể đảm bảo hiệu quả phòng vệ suốt đời. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm, giảm bùng phát dịch cúm chính là tiêm phòng. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo là cần phải chích ngừa cảm cúm cho cả người lớn và trẻ em. Và phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng quan trọng nhất cần tiêm ngừa cúm.
Lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin ngừa cúm là:
- Tạo kháng thể chủ động bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm với khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa lên tới 96 – 97%.
- Người đã tiêm ngừa nếu mắc cúm sẽ giảm nguy cơ mắc các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh cũng ngắn hơn người chưa tiêm ngừa.
- Việc tiêm vắc xin ngừa cúm trước khi mang thai giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh bởi thời gian tồn tại của kháng thể có thể kéo dài 9 – 12 tháng. Điều đó có nghĩa là vắc xin ngừa cúm không chỉ giảm nguy cơ bệnh lý ở thai nhi mà còn bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin cúm.
2.2 Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin cúm
Vắc xin cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm nay và có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của nó trong dự phòng bệnh cúm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vắc xin cúm giúp giảm 60% bệnh tật liên quan tới cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm lên tới 70 – 80%.
Hiện ở Việt Nam, vắc xin phòng cúm Vaxigrip có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và chủng cúm tuýp B. Đây là loại vắc xin chứa virus cúm bất hoạt, không có khả năng gây bệnh và không gây ra bất kỳ bất lợi nào cho phôi thai.
2.3 Thời điểm chích ngừa cảm cúm cho người lớn
Vì chủng virus cúm thay đổi hằng năm nên bạn cầm tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm một lần trước khi vào mùa cúm. Các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt khi có vắc xin cúm mới của năm đó. Ở Việt Nam, tốt nhất bạn nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 9 – tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong mùa cúm, thông thường là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Người lớn chỉ cần mỗi năm tiêm một mũi vắc xin ngừa cúm là được.
Đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất bạn nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi có thai 3 tháng. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai, bạn vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa của thai kỳ.
Mong rằng thông tin trên đã giúp bạn nắm được vì sao phải chích ngừa cảm cúm cho người lớn để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình. Và bạn hãy nhớ lịch chích ngừa để giảm nguy cơ mắc cúm hay các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Xem thêm:
- 3 cách điều trị cảm cúm không cần đến kháng sinh
- 6 nguyên tắc vàng đề phòng cảm cúm mùa hè hiệu quả
- Những người dễ bị cảm cúm vào lúc giao mùa