Tại sao các chuyên gia cảnh báo dùng nhiều thuốc giải độc gan vô tình làm gan nhiễm độc?
Có rất nhiều loại thuốc giải độc gan ra đời để phục vụ nhu cầu điều trị tình trạng gan nhiễm độc. Song việc sử dụng thuốc giải độc gan tùy tiện của nhiều người đã vô tình làm cho gan bị nhiễm độc thêm.
Tại sao các chuyên gia cảnh báo dùng nhiều thuốc giải độc gan vô tình làm gan nhiễm độc?
Gan là cơ quan loại trừ chất độc từ bên ngoài vào trong cơ thể, cũng chính vì vậy mà gan cũng dễ bị nhiễm độc nhất. Do nhiều yếu tố như môi trường sống, uống nhiều rượu bia,... nên càng ngày càng có nhiều người mắc phải tình trạng này. Từ thực trạng này, có rất nhiều loại thuốc giải độc gan ra đời để phục vụ nhu cầu điều trị tình trạng gan nhiễm độc. Song việc sử dụng thuốc giải độc gan tùy tiện của nhiều người đã vô tình làm cho gan bị nhiễm độc thêm.
Tại sao lại phải sử dụng thuốc giải độc gan?
Như chúng ta đã biết, gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể bởi nó thực hiện nhiệm vụ thanh thải độc tố cho máu đi nuôi dưỡng cơ thể.
Tuy nhiên khả năng giải độc của gan không phải là vô hạn. Khi lượng chất độc cần phải đào thải vượt quá khả năng của gan, các độc tố sẽ tích chứa lại ở gan đầu tiên. Lúc này gan sẽ bị nhiễm độc, bị hủy hoại và cần sự hỗ trợ từ các loại thuốc giải độc gan, thuốc bổ gan.
Mọi người cần phải chú ý, chỉ những người có gan bị nhiễm độc mới cần thiết sử dụng các loại thuốc giải độc gan, thuốc bổ gan, và có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Làm sao để biết gan nhiễm độc?
Khi gan nhiễm độc sẽ phát tín hiệu cảnh báo cho chúng ta biết về tình trạng sức khỏe của nó, trong đó dấu hiệu điển hình nhất là tăng men gan. Chỉ số men gan được xác định khi làm xét nghiệm máu.
Các chỉ số men gan bình thường:
- Chỉ số AST (GOT): 20 - 40 UI/L.
- Chỉ số ALT (GPT): 20 - 40 UI/L.
- Chỉ số GGT: 20 - 40 UI/L.
- Chỉ số LDH: 30 - 40 UI/L.
Khi gan bị nhiễm độc, các tế bào gan bị hủy hoại sẽ giải phóng một lượng lớn men gan vào trong máu, vượt quá giới hạn bình thường. Song không phải bệnh nhân nào cũng xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện được men gan cao.
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc - Phó chủ tịch Hội gan mật Hà Nội, có một số dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết tình trạng men gan tăng cao đó là:
- Ban đầu bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.
- Nước tiểu của bệnh nhân sẫm màu hơn bình thường. Hiện tượng này cũng có thể không phải do gan mà do bạn đang uống một loại thuốc nào đó, hay đơn giản là uống không đủ nước. Khi đó bạn nên thử uống nhiều nước hơn, nếu nước tiểu vẫn có màu vàng sẫm thì bạn cần đi khám kiểm tra chức năng gan.
- Bệnh nhân có thể có biểu hiện ngứa ngoài da, vàng da, nổi mề đay, xuất hiện nhiều mụn nhọt.
Khi gặp phải các triệu chứng này thì tốt nhất, bạn nên đi khám kiểm tra chức năng gan, xem có phải gan đang bị tổn thương hay không để có hướng điều trị kịp thời.
Nhiễm độc gan có nguy hiểm không?
Gan bị nhiễm độc đồng nghĩa với việc gan không thể loại bỏ hết các chất độc có trong máu, các chất độc này sẽ theo máu đi đến tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể. Từ đó ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của các cơ quan, tùy theo mức độ nhiễm độc mà sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Tình trạng nhiễm độc gan càng kéo dài, thì càng có nhiều cơ quan bị ảnh hưởng, và mức độ ảnh hưởng càng tăng lên.
Còn tại gan, từ trạng thái nhiễm độc gan có thể chuyển thành viêm gan, xơ gan thậm chí có thể gây ung thư gan.
Như vậy là chúng ta đã thấy tình trạng nhiễm độc gan nguy hiểm như thế nào. Chính vì vậy mọi người nên đi khám ngay khi có các biểu hiện tình trạng gan nhiễm độc, men gan tăng cao như trên. Ngoài ra, chúng ta cũng nên kiểm tra sức khỏe gan định kỳ, không nên đợi đến khi có bệnh mới đi khám.
Các nguyên nhân khiến cho gan nhiễm độc là gì?
Cũng theo PGS Ngọc có nhiều nguyên nhân khiến cho gan nhiễm độc. Các nguyên nhân khiến cho gan nhiễm độc đó là:
- Do rượu bia: rượu bia gây tác hại tới nhiều cơ quan, trong đó gan là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng và cũng là nơi bị tổn thương nhiều nhất.
- Do hóa chất: các loại hóa chất khi vào trong cơ thể sẽ phải đi qua gan, chính vì vậy chúng sẽ gây độc cho gan.
- Do thuốc: thuốc Tây y, thuốc Đông y, thuốc nam, trong đó có cả các loại thuốc giải độc gan. Một số loại thuốc Tây y như là: thuốc Corticosteroid – steroid, Codeine thường dùng với tác dụng chống viêm, giảm đau; thuốc kháng sinh Tetracycline,... các thuốc này gây hại trực tiếp tới gan.
- Do trong thức ăn có chứa độc tố: trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thường xuyên vô tình đưa vào có thể các chất phụ gia như phẩm màu, chất bảo quản, hoặc các loại chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm... Các chất này có thể gây hủy hoại tế bào, hay làm tế bào đột biến thành ung thư,... khiến cho các tế bào của gan cũng bị tổn thương.
Tại sao các chuyên gia cảnh báo dùng nhiều thuốc giải độc gan vô tình làm gan nhiễm độc?
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giải độc gan, thuốc bổ gan được sản xuất dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Các loại thuốc giải độc gan này được quảng cáo với những tác dụng đặc biệt như: bảo vệ gan, giải độc gan, giảm các triệu chứng gan nhiễm độc, viêm gan,...
Khái niệm “giải độc gan” thường được sử dụng trong các bài thuốc Đông y. Các bài thuốc Đông y có tác dụng làm mát gan, giải độc gan đã được biết đến từ lâu, hiện nay còn được gọi với cái tên là thuốc đông y thế hệ 1 được ứng dụng trong điều trị ở Việt Nam. Từ đây, cùng với sự phát triển của ngành dược phẩm, hiện nay có những bài thuốc Đông y thế hệ 2 ra đời và được sử dụng rất nhiều.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết một số dược liệu thuốc Đông y như Nhân trần, Atiso,... tuy là không có độc, nhưng nếu không được bảo quản cẩn thận, đúng cách mà lại sử dụng các loại chất bảo quản có chứa chất độc hại thì sẽ gây độc cho cơ thể và trong đó có gan.
PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội, nguyên là trưởng khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, trên thị thường có nhiều loại thuốc giải độc gan, song việc sử dụng tràn lan có khi lại gây phản tác dụng. Đồng thời có nhiều bác sĩ lại cho bệnh nhân sử dụng 4-5 loại thuốc giải độc gan, trở thành gánh nặng đối với gan.
Như vậy việc sử dụng thuốc giải độc gan lại vô tình làm cho gan bị nhiễm độc thêm. Nhất là, thực trạng sử dụng thuốc bừa bãi của người dân, chỉ cần cảm thấy gan bị nóng (nhiễm độc gan) là tự đi mua thuốc giải độc gan khiến cho gan bị hủy hoại nhiều hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo khi sử dụng thuốc, kể cả các loại thuốc giải độc gan, thuốc Đông y thế hệ 2, bệnh nhân cần phải uống theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua thuốc uống hay tự ý tăng giảm liều lường, thời gian sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Bởi việc dùng thuốc giải độc gan không đúng có thể vô tình lại làm cho gan nhiễm độc thêm.
Xem thêm:
- Dấu hiệu gan nhiễm độc và cách giải độc khoa học
- Uống thuốc giải độc gan bị nổi mụn
- Nắng nóng, bụi bẩn ô nhiễm, làm gì để giải độc cho gan?