Tại sao bà bầu bị đau lưng? Mẹo giúp bà bầu giảm đau lưng hiệu quả
Đau lưng là vấn đề mà bà bầu nào cũng gặp phải trong thời kỳ mang thai. Bà bầu bị đau lưng đứng, ngồi, nằm và đi cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chỉ với một vài mẹo nhỏ hàng ngày sẽ giúp bà bầu ngăn chặn hoặc làm giảm các cơn đau lưng.
Tại sao bà bầu bị đau lưng? Mẹo giúp bà bầu giảm đau lưng hiệu quả
Tại sao bà bầu bị đau lưng?
Hầu như bà bầu nào cũng bị đau lưng khi mang bầu. Đau lưng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi nhưng có thể khiến bà bầu gặp khó khăn trong việc di chuyển, ngồi, nằm mỗi ngày. Trong thời kỳ mang thai, có đến 4 nguyên nhân chính khiến bà bầu bị đau lưng:
Hormone thai nghén bị thay đổi
Khi mang bầu, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone thai nghén trong đó có progesteron. Hormone này có vai trò làm khung xương chậu được mềm dẻo và linh hoạt. Nhờ đó, khung xương chậu có thể nâng đỡ được thai nhi và hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ được thành công. Điều này vô tình khiến các dây chằng giúp kết nối giữa khung xương chậu và vùng lưng phía dưới bị “nhão” và thỉnh thoảng gây nên các cơn đau lưng cho bà bầu
Cân nặng
Khi mang bầu, mẹ bầu thường tăng từ 11 đến 15kg. Trong khi đó, khả năng chịu đựng của hệ xương khớp thì không thay đổi. Do vậy, sức nặng từ cơ thể sẽ tạo áp lực lên các hệ xương khớp, xương ở lưng, xương chậu và làm bà bầu bị đau lưng. Ngoài ra, cân nặng của bà bầu tăng chủ yếu là do cân nặng vùng bụng tăng. Khi cân nặng vùng bụng tăng, bụng to ra, về tự nhiên, bà bầu sẽ có xu hướng chúi người ra phía trước. Để cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, bà bầu thường cho người về phía sau từ đó gây áp lực cho vùng lưng hông và dẫn đến mỏi lưng, đau lưng.
Vị trí của thai nhi
Vị trí của thai nhi ở giai đoạn cuối giai kỳ thường khiến bà bầu bị đau lưng. Nếu thai nhi nằm trong bụng, lưng của thai nhi nằm ngược lại với lưng của mẹ và sẽ gây sức ép lên vùng xương lưng, khiến bà bầu bị đau lưng.
Đứng, ngồi, nằm sai tư thế
Đứng: tư thế đứng không đúng, làm áp lực nghiêng về một bên cũng khiến bà bầu bị đau lưng.
Ngồi: các bà bầu thường ngồi bệt và chống tay ra hai bên rồi nghiêng người về phía sau, kết quả vùng lưng bị đặt trong tình trạng phải chịu áp lực, căng thẳng và gây đau lưng.
Nằm: các tư thế nằm ngửa, nằm gục xuống bàn khi làm việc, nằm nghiêng bên phải, nằm sấp khiến bà bầu bị đau lưng và không tốt cho thai nhi. Thay vào đó, bà bầu nên nằm nghiêng về phía bên trái.
Cách giảm đau lưng cho bà bầu
Bà bầu bị đau lưng có thể làm giảm, làm biến mất các cơn đau lưng chỉ với một vài mẹo nhỏ dưới đây:
Massage
Massage giúp máu được lưu thông, các cơ trong cơ thể, đặc biệt là các cơ ở lưng được thư giãn, cơ thể được thoải mái để giảm đau lưng. Bà bầu có thể sử dụng dịch vụ massage dành riêng cho bà bầu hoặc nhờ người thân trong gia đình massage mỗi ngày. Khi mát xa bà bầu nên nằm nghiêng hoặc ngồi áp mặt vào lưng ghế, sau đó nhờ người mát xa dọc theo hai bên cột sống hoặc tập trung vào vùng lưng bị đau. Bên cạnh đó, bà bầu có thể chườm khăn ấm, tắm nước ấm cũng giúp những cơn đau lưng được thuyên giảm.
Tập thể dục
Bà bầu tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường cơ và tăng tính linh hoạt đồng thời có thể làm giảm áp lực cũng như căng thẳng lên cột sống từ đó làm giảm đau lưng. Các bác sĩ khuyên bà bầu nên đi bộ, đạp xe tại chỗ, tập yoga. Những loại hình tập thể dục này khá nhẹ nhàng, sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi và mẹ bầu.
Sử dụng miếng dán nhiệt nóng và lạnh
Dán miếng dán nhiệt nóng và lạnh ở lưng cũng là cách giảm đau lưng hiệu quả mà bà bầu có thể tham khảo. Trước tiên, bà bầu dán miếng dán nhiệt lạnh lên vùng đau lưng khoảng 20 phút mỗi ngày và kéo dài trong vòng 2 đến 3 ngày. Sau đó, bà bầu chuyển sang miếng dán nóng và cũng làm tương tự. Bà bầu sử dụng xong miếng dán nóng thì lại tiếp tục chuyển sang miếng dán lạnh. Bà bầu cứ lặp đi lặp lại cho đến khi dấu hiệu đau lưng giảm đi. Lưu ý: không sử dụng miếng dán nóng lạnh ở vùng bụng.
Tư thế
Nằm ngủ: Khi nằm ngủ, bà bầu nên nằm nghiêng, tốt nhất là nằm nghiêng về phía bên trái, thỉnh thoảng có thể nghiêng về bên phải, không nên nằm ngửa. Nằm nghiêng sẽ giúp mạch máu lưu thông tốt. Khi ngủ, mẹ bầu sử dụng thêm gối đặt dưới bụng, để ở đằng sau lưng để cảm thấy thoải mái hơn.
- Đứng: Mẹ bầu cần đứng thẳng lưng, hai chân mở ngang bằng vai để trong lượng cơ thể được phân bố đều ra hai lòng bàn chân.
- Ngồi: Không được bắt chéo chân, ngồi thẳng lưng, không nên ngồi nửa mông ở trên ghế vì có thể khiến mẹ bầu bị trượt khỏi ghế và gây áp lực lên cột sống. Đồng thời, nếu ghế quá cứng, mẹ bầu có thể lót thêm đệm ở dưới, ở đằng sau lưng để tránh bị đau khi ngồi.
- Đi: Bà bầu nên đi thẳng lưng, ngẩng cao đầu, mông khép chặt sao cho lòng bàn chân tiếp đất được bằng phẳng. Bà bầu cần chọn những đôi dép, giày đế thấp, vừa vặn với chân và có độ ma sát cao để chống trượt. Khi đi ở cầu thang nên bám vào thành vịn, đặt bàn chân thật chắc thì mới bắt đầu di chuyển. Không nên sử dụng các động tác ưỡn bụng, cong lưng, tay chống sau hông.
Mặc quần áo phù hợp
- Áo ngực: đúng kích cỡ, không chèn ép vào vai và lồng ngực.
- Không mặc quần áo chật vì chúng có thể gây tắc nghẽn mạch máu, giảm nguồn cung cấp oxy cho cơ thể từ đó khiến lưng bị đau.
- Đeo đai chuyên dụng cho bà bầu hoặc mặc quần gen bụng cho bà bầu để giúp lưng chống đỡ một phần khối lượng của bụng bầu.
Ngoài ra, bà bầu có thể sử dụng các phương pháp châm cứu, các liệu pháp thảo dược, thiền và có chế độ ăn hợp lý, khoa học (dựa trên tư vấn của bác sĩ) để giúp làm giảm đau lưng trong suốt thai kỳ. Trong trường hợp, bà bầu đau lưng thường xuyên, các cơn đau gây cản trở quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Xem thêm:
- Những cách giúp bà bầu giảm đau lưng khi mang thai
- Bà bầu đau lưng có nên đấm lưng?
- Cách mát-xa lưng cho bà bầu giúp giảm đau lưng cực hiệu quả