Sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus

Như chúng ta đã biết vi khuẩn và vi rút đều gây bệnh cho con người và hàng ngày chúng ta vẫn tiếp xúc với chúng thông qua môi trường nước, không khí, đất, bề mặt dụng cụ,...Vậy làm thế nào để chúng có thể xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể chúng ta và vi khuẩn và virus khác nhau như thế nào?

Sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus Sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus

Những vi sinh vật nhỏ bé này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh thường gặp cho cơ thể con người. Phần lớn các bệnh thường gặp được gây ra từ vi khuẩn hoặc virus. Vậy vi khuẩn và virus khác gì nhau?

Như chúng ta đã biết vi khuẩn và virus đều gây bệnh cho con người và hàng ngày chúng ta vẫn tiếp xúc với chúng thông qua môi trường nước, không khí, đất, bề mặt dụng cụ,...Vậy làm thế nào để chúng có thể xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể chúng ta và vi khuẩn và virus khác nhau như thế nào?

Mặc dù đều có kích thước nhỏ bé, khả năng sinh sản nhanh, có khả năng gây bệnh trong thời gian ngắn,... nhưng vi khuẩn và virus là 2 loài hoàn toàn khác nhau. Trong khi vi khuẩn là một sinh vật tiền nhân, có cấu tạo tiền nhân thì virus chỉ là một đại phân tử nucleoprotein, có cấu tạo ở mức dưới tế bào. Vi khuẩn và virus được phân biệt bằng những đặc điểm cơ bản sau:

Sự khác biệt về kích thước và hình thể vi khuẩn và virus

Kích thước, hình thể vi khuẩn

vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-1
Một số hình thể của vi khuẩn
  • Phần lớn vi khuẩn có kích thước từ 1-3 mcm. Về hình thể của vi khuẩn, có 3 loại hình cơ bản:
  • Cầu khuẩn: vi khuẩn có loại hình thể này có nhiều cách sắp xếp khác nhau như tụ cầu khuẩn (staphylococcus), liên cầu khuẩn (streptococcus), song cầu khuẩn (diplococcus), vi cầu khuẩn (micrococcus).
  • Trực khuẩn: một số loại trực khuẩn gây bệnh nổi bật là trực khuẩn than, trực khuẩn hủi, trực khuẩn lao, trực khuẩn uốn ván, trực khuẩn lỵ,....
  • Phẩy khuẩn : một số loại phẩy khuẩn như phẩy khuẩn tả, xoắn khuẩn giang mai,...

Kích thước, hình thể virus

Virus còn có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều, khoảng 1/100 đến 1/10 vi khuẩn, nó hoàn toàn qua được màng lọc vi khuẩn. Kích thước trung bình của virus khoảng từ 100-200 nm. Vrus có nhiều hình thể khác nhau:

  • Hình cầu: virus cúm, sởi, bại liệt.
  • Hình khối đa diện: virus Adeno, Papova, Herpes.
  • Hình que: virus khảm thuốc lá.
  • Hình viên gạch: virus đậu mùa.
  • Hình dùi trống: virus của vi khuẩn E. coli (phage T2).
vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-2
Một số hình thể của virus

Khác nhau về cấu tạo vi khuẩn và virus

Vi khuẩn có cấu trúc của một tế bào gần hoàn chỉnh

vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-3
Cấu trúc của vi khuẩn

Nói chung vi khuẩn có cấu tạo một tế bào chưa hoàn chỉnh, bao gồm các phần cấu tạo cơ bản là nhân, bào tương, thành tế bào. Nhân là một phân tử ADN hình sợi, uốn vòng kín. Bào tương tế bào vi khuẩn ở trạng thái gel, chứa nước với các chất hòa tan và nhiều loại hạt vùi.

Dựa vào sự khác nhau về độ dày và thành phần hóa học của thành tế bào, bằng phương pháp nhuộm gram người ta phân vi khuẩn thành 2 nhóm lớn là vi khuẩn Gram âm và Gram dương.

Có thể thấy, vi khuẩn có cấu trúc một tế bào gần hoàn chỉnh, có hệ thống enzyme chuyển hóa đảm bảo đời sống độc lập của vi khuẩn. Ngoài các cấu trúc cơ bản trên, một số vi khuẩn có thêm cấu trúc phụ như lông, pili, vỏ, bào tử. Với cấu trúc của một tế bào gần hoàn chỉnh khiến vi khuẩn có thể sống tự do bên ngoài hoặc sống ký sinh trên cơ thể của động vật khác. Khi ở môi trường bên ngoài môi trường vi khuẩn có thể tự lấy thức ăn tự tiêu hóa và tự tạo ra năng lượng sống

Những nét đặc trưng trong cấu trúc của virus

Virus có cấu tạo ở mức dưới tế bào. Tất cả virus đều có cấu tạo chung cơ bản giống nhau gồm lõi và vỏ. Lõi của virus, thành phần quan trọng nhất của virus, được tạo nên bởi acid nucleic và protein.

Mỗi virus chỉ có một loại acid nucleic, hoặc ADN hoặc ARN. Vỏ virus bao quanh lõi có bản chất là protein. Ngoài ra một số loại virus còn có cấu tạo riêng là bao ngoài, tố ngưng kết hồng cầu và một số enzyme đặc biệt.

Do cấu tạo không có các cơ quan phụ trợ bắt buộc không thể sống ở môi trường bên ngoài nên virus phải bắt buộc ký sinh trên một tế bào, cơ thể sống.

vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-4
Cấu trúc của virus

Sự khác nhau trong cơ chế sinh sản

Tế bào vi khuẩn lớn rất nhanh, trong vài phút. Khi tế bào vi khuẩn đã trưởng thành thì từ sinh sản. Vi khuẩn thường sinh sản vô tính bằng cách tự phân đôi hoặc theo thể L.

vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-5
Vi khuẩn sinh sản phân đôi

Ngược lại, trong quá trình nhân lên của mình, virus chỉ đóng vai trò truyền các thông tin di truyền của chúng cho tế bào chủ (tế bào bị nhiễm virus), bắt các tế bào chủ chuyển hướng các hoạt động bình thường của tế bào sang việc tổng hợp các virus mới.

Khả năng gây bệnh của vi khuẩn và vi rút với cơ thể con người

Vi khuẩn có thể có lợi hoặc có hại. Ví dụ, có rất nhiều vi khuẩn bất lợi gây viêm nhiễm khuẩn và cũng có rất nhiều vi khuẩn có lợi như các loại vi khuẩn đường ruột sống cộng sinh trong đường tiêu hóa của chúng ta.

Trong khi virus chỉ có hại đối với tế bào chủ chúng xâm nhập. Như một mầm bệnh, virus có thể gây ra một quá trình nhiễm trùng cho cơ thể sinh vật dưới dạng một nhiễm trùng cấp tính, nhiễm trùng mạn tính, đặc biệt là nhiễm trùng tiềm tàng, dai dẳng và nhiễm trùng virus chậm. Đối với hệ thống miễn dịch, một mặt virus kích thích tạo ra đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, mặt khác nó gây ra trạng thái “đàn áp miễn dịch” tạm thời hoặc đôi khi vĩnh viễn của cơ thể bị nhiễm trùng virus.

Cả vi khuẩn và virus đều có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hay xâm nhập qua các vết thương, lỗ hở trên da.

Các bệnh do vi khuẩn và virus gây ra rất khác nhau nhưng các triệu chứng gây ra thường khó phân biệt. Bệnh do virus thường xảy ra theo mùa, theo vùng dịch tễ hoặc với số lượng bệnh nhân lớn ví dụ như bệnh tay chân miệng, đậu mùa, cúm,... Còn bệnh do vi khuẩn thì thường không gây ra trên diện rộng như vậy, các bác sĩ sẽ hỏi các vấn đề liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân để nắm rõ về triệu chứng, đường lây nhiễm,.. hoặc dựa vào triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh. Để có thể nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh chúng ta có thể làm xét nghiệm như nuôi cấy, soi,...

Do căn nguyên khác nhau nên việc điều trị bệnh do vi khuẩn và virus cũng rất khác nhau. Bệnh do vi khuẩn có thể điều trị nguyên nhân bằng kháng sinh đặc nhạy với vi khuẩn đó. Với virus, tiến hành điều trị triệu chứng là chính. Trong thực tế điều trị, bệnh nhân ngoài dùng thuốc ngăn cản virus nhân lên còn sử dụng thuốc phục hồi chức năng miễn dịch và kháng sinh để tránh bội nhiễm do vi khuẩn.

Vai trò của kháng sinh và vacxin với vi khuẩn và virus

Kháng sinh là các chất chiết từ vi sinh vật hoặc tổng hợp hóa học có tác dụng ức chế hoặc giết chết các vi sinh vật. Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ngăn cản hoạt động sống của chúng trong khi virus không thể nói là một sinh vật sống. Kháng sinh không thể tiêu diệt được virus.

vicare.vn-su-khac-nhau-giua-vi-khuan-va-virus-body-6

Vaccine là chế phẩm chứa kháng nguyên của mầm bệnh, có khả năng kích thích miễn dịch đặc hiệu chống lại các mầm bệnh đó nên nó có tác dụng phòng bệnh. Vaccine là cách phòng virus hiệu quả nhất.

Cách phòng ngừa bệnh do vi khuẩn và virus

  • Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ
  • Ngăn chặn các đường lây truyền của chúng: rửa tay sạch với nước và xà phòng, ăn chín uống sôi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với gần mầm bệnh,...
  • Nâng cao sức đề kháng bằng thực phẩm, thuốc, chế độ sinh hoạt hợp lý...

Xem thêm:

  • Phân biệt bệnh do vi khuẩn hay virut gây ra
  • Viêm họng, viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn là gì?