Sẽ tầm soát ung thư đại trực tràng cho người dân Hà Nội thế nào?

Trước thông tin Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội tầm soát ung thư đại trực tràng cho người dân thủ đô với chi phí 63.200 đồng, quy trình để được tầm soát căn bệnh nguy hiểm này như thế nào. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Sẽ tầm soát ung thư đại trực tràng cho người dân Hà Nội thế nào? Sẽ tầm soát ung thư đại trực tràng cho người dân Hà Nội thế nào?

Tầm soát ung thư trực tràng cần thiết như thế nào?

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, mỗi năm ở Việt Nam ghi nhận khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 73.000 người chết vì ung thư. Dự báo đến năm 2020, con số này ở Việt Nam sẽ là 200.000 người mắc mới và 100.000 người tử vong vì căn bệnh ung thư. Theo ước tính không đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có thêm vài chục ngàn người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, trong số đó chỉ có khoảng 1/3 được chẩn đoán sớm và hơn 1 nửa trong số đó tử vong do bệnh này. Theo thống kê, Việt nam chi tới gần 9 nghìn tỷ đồng hàng năm để điều trị cho căn bệnh này chưa kể những bệnh nhân tự đi nước ngoài điều trị bệnh.

Bệnh ung thư đại trực tràng là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ mắc tương đối cao, nhưng lại là căn bệnh có thể điều trị được và chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện sớm. Tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore... các chiến dịch tầm soát ung thư đại trực tràng đã được thực hiện nhiều năm và đã chứng minh tính hiệu quả trong việc phát hiện, làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, tăng số ca phát hiện sớm cũng như loại bỏ sớm những nguy cơ ung thư đại trực tràng để phòng bệnh cho người dân. Việc tầm soát định kỳ đã được ví như vắc xin phòng chống bệnh ung thư đại trực tràng.

vicare.vn-se-tam-soat-ung-thu-dai-truc-trang-cho-nguoi-dan-ha-noi-the-nao-1

Trang thiết bị hiện đại tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội.

Thông tin từ Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Saint Paul cho biết đã tiến hành đàm phán nhập và lắp đặt xong hệ thống thiết bị của Nagase từ Nhật và đặt mua bước đầu 100.000 test để triển khai thí điểm và tiến tới nhân rộng tầm soát cho toàn bộ gần 2 triệu người dân thủ đô có độ tuổi từ 40 trở lên, là độ tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên để hoạt động tầm soát này đem lại hiệu quả nhất, cho nhiều người được hưởng nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế cùng với hệ thống 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế, 52 phòng khám đa khoa và 584 trạm y tế phường xã của Hà Nội để triển khai chương trình này.

Chương trình dự kiến bắt đầu lựa chọn thí điểm khu vực để triển khai từ giữa tháng 12-2016. Thông qua các bệnh viện, phòng khám, trung tâm và các trạm y tế phường xã, người dân sẽ được lấy mẫu phân tại nhà rồi tập trung gửi đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm. Như vậy họ không cần phải đến trực tiếp trung tâm mà sẽ được tầm soát ngay tại cơ sở y tế gần nhà mình nhất.

>>> Xem thêm: Ung thư đại trực tràng - những điều bạn cần biết

vicare.vn-se-tam-soat-ung-thu-dai-truc-trang-cho-nguoi-dan-ha-noi-the-nao-2

Phòng phẫu thuật hiện đại đạt chuẩn châu Âu.

Sau khi xét nghiệm, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sẽ gửi kết quả về các cơ sở y tế địa phương đã thu thập mẫu. Toàn bộ quá trình xét nghiệm hoàn toàn tự động và mã hóa code cho từng mẫu để tránh nhầm lẫn tuyệt đối và bảo mật thông tin. Nếu mẫu xét nghiệm bình thường thì sẽ được khuyến cáo lặp lại sau 6 đến 12 tháng. Chỉ khi nào mẫu xét nghiệm dương tính thì người đó sẽ được mời đến Trung tâm để tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo như nội soi đại tràng... nhằm xác định có mắc bệnh hay không và nếu mắc thì ở mức độ nào. Vì vậy cần lưu ý rằng đây là xét nghiệm tầm soát ban đầu để phát hiện nguy cơ có bệnh hay không chứ không phải là xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.

Về chi phí xét nghiệm, các cơ quan của thành phố đang làm việc thống nhất quy trình thanh toán với bảo hiểm y tế để tầm soát miễn phí cho những người có thẻ bảo hiểm y tế. Còn với những người không có thẻ bảo hiểm thì việc chi trả xét nghiệm với chi phí hơn 60.000 một lần cũng không phải là quá lớn để tầm soát nguy cơ cho mình.

Người dân cũng cần lưu ý rằng phòng bệnh ung thư đại trực tràng này không phải là một sớm một chiều mà theo thời gian dài, với ý thức phòng bệnh cao. Từ khi hình thành polip trong đại trực tràng cho đến khi phát triển thành ung thư là quá trình kéo dài 10 đến 15 năm. Dó đó việc có lối sống lành mạnh, vệ sinh ăn uống và ăn nhiều rau củ quả... cùng với việc tầm soát định kỳ đã được chứng minh là vũ khí mạnh nhất chống lại căn bệnh này.

>>> Xem thêm: Chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng
vicare.vn-se-tam-soat-ung-thu-dai-truc-trang-cho-nguoi-dan-ha-noi-the-nao-3

Phòng chờ khám bệnh ở Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội.

Bên cạnh đó, BS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cho biết, có những đối tượng không nên chờ đợi mà nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn như những người có tiền sử gia đình hay cá nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polip trong đại trực tràng dù đã được cắt bỏ, có tiền sử bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn và viêm loét đại trực tràng, tiền sử gia đình có hội chứng đa polip, hoặc có các biểu hiện như đi ngoài ra nhầy máu hay phân sẫm màu, đau chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phân, thiếu máu, sụt cân, đặc biệt ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Vậy bao nhiêu lâu thì người dân cần đi tầm soát bệnh ung thư đại trực tràng một lần? - bác sĩ Sơn cho biết, tùy thuộc vào phương pháp tầm soát bệnh, như nếu dùng xét nghiệm phân này thì nên tầm soát mỗi năm 1 đến 2 lần. Nội soi là biện pháp tầm soát và đồng thời chẩn đoán xác định bệnh tốt nhất, cũng như có thể cắt bỏ luôn polip nếu có trong quá trình làm nội soi để phòng tránh phát triển thành ung thư. Nếu một người hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình không có ai mắc bệnh hay có các biểu hiện nói trên mà được tầm soát bằng nội soi với kết quả nội soi hoàn toàn bình thường thì sau 5 đến 10 năm mới cần làm nội soi lại. Ngoài ra còn có 1 số phương pháp tầm soát khác nữa như chụp CT ảo đại tràng, xét nghiệm DNA trong phân hay Septin 9 trong máu nhưng rất đắt tiền nên chỉ áp dụng với một số người chứ không thể dùng để tầm soát được cho toàn dân ngay cả ở các nước phát triển.

>>> Xem thêm: Sàng lọc ung thư đại trực tràng

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống