Sẩy thai và những quan niệm lệch lạc
Sẩy thai được định nghĩa là việc mất con khi chưa được 20 tuần tuổi. Hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra trong 7 tuần đầu tiên của thai kỳ...
Sẩy thai và những quan niệm lệch lạc
Sẩy thai xảy ra trong 15-20% những người mang thai
Sẩy thai được định nghĩa là việc mất con khi chưa được 20 tuần tuổi. Hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra trong 7 tuần đầu tiên của thai kỳ và tỷ lệ sẩy thai sẽ giảm khi nhịp tim của em bé được phát hiện. Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), sẩy thai xảy ra trong 15-20% những người mang thai, khoảng 1% trong số họ việc sẩy thai sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần.
Vừa qua, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook nổi tiếng, thông báo tin vui rằng vợ mình đang mang thai một bé gái, đồng thời thổ lộ về 3 lần sẩy thai của vợ - Priscilla Chan. Mark Zuckerberg nói: “Bạn cảm thấy tràn đầy hy vọng khi bạn biết mình sẽ có một đứa trẻ. Bạn tưởng tượng về việc bọn trẻ sẽ trở nên như thế nào và luôn mong ước những điều tốt đẹp cho chúng. Bạn bắt đầu lên những kế hoạch, thế nhưng chúng lại biến mất. Thật sự là một trải nghiệm cô đơn. Hầu hết mọi người không nói về chuyện sẩy thai vì các bạn lo vấn đề của mình sẽ làm mọi người xa lánh và tiết lộ chuyện riêng tư của mình - như thể là bạn không hoàn hảo hay đã làm điều gì đó để xảy ra chuyện này. Bởi vậy bạn giữ riêng chuyện này cho mình”.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, Zuckerberg không phải là người duy nhất lo lắng về cảm giác tội lỗi khi sẩy thai. Trong thực tế, nhiều người có những quan niệm sai lầm về sẩy thai khi cho rằng nguyên nhân của sẩy thai là do lối sống. TS. Zev Williams, một chuyên gia về sẩy thai và bác sĩ sản khoa tại Albert Einstein College of Medicine ở New York, Mỹ cho biết: “Trên thực tế, phần lớn các trường hợp sẩy thai là kết quả của lỗi di truyền ngẫu nhiên khiến thai nhi không thể phát triển bình thường”.
Nhiễm sắc thể bất thường
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của các ca sẩy thai tự nhiên. Theo số liệu thống kê của một nghiên cứu, cứ 5 người mẹ mang thai thì có 1 người sẩy thai và thường là ở những tháng đầu của thai kỳ. Nghiên cứu dựa trên kết quả xét nghiệm máu của phụ nữ có tiền sử sẩy thai khoảng 3 ngày trước kỳ kinh nguyệt gần nhất. Kết quả cho thấy quá nửa số trứng được thụ tinh không thể chuyển thành phôi thai. Hầu hết phụ nữ bị sẩy thai mất một hoặc hai lần mang thai. Khoảng 60% lý do của việc sẩy thai là thể dị bội, có nghĩa là phôi thai hoặc thai nhi đã có một số bất thường về nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể là những cấu trúc nhỏ xíu trong mỗi tế bào, có nhiệm vụ mang bộ gen di truyền của mỗi người. Mỗi người chúng ta có 23 cặp nhiễm sắc thể với một nửa từ mẹ và một nửa từ cha. Khi trứng gặp tinh trùng, có thể do trứng hoặc do tinh trùng bị lỗi khiến nhiễm sắc thể không thể khớp với nhau theo đúng quy cách. Trong trường hợp này, phôi thai được thụ tinh sẽ có bất thường về nhiễm sắc thể và thai kỳ thường sẽ chấm dứt sớm hơn, tức là sẩy thai. Trong khi nhiều đột biến nhiễm sắc thể gây chết người và gây sẩy thai, một số đột biến nhiễm sắc thể vẫn tồn tại được. Ví dụ, trẻ em mắc hội chứng Down có 3 bản sao của nhiễm sắc thể 21 thay vì 2. Trong khoảng gần một nửa số trường hợp còn lại, xét nghiệm di truyền của các ca sẩy thai không tìm thấy rối loạn nhiễm sắc thể, thường khiến cha mẹ thất vọng, bởi nguyên nhân sẩy thai không được xác định. Nhưng những trường hợp này thường vẫn là do di truyền.
Trường hợp hiếm
TS. Ruth Lathi, Giáo sư về sản khoa và phụ khoa tại Đại học Y Stanford, Mỹ cho biết, các lỗi di truyền tăng theo tuổi tác, đến 80% trường hợp sẩy thai ở phụ nữ trên 35 tuổi là do bản thân họ. Thông thường, sẩy thai sẽ không xuất hiện đến lần thứ 2-3. Tuy nhiên, khoảng 5% phụ nữ có sẩy thai tái phát. Trong những trường hợp này, GS. Lathi cho biết có một nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn. Đó có thể là vấn đề về cấu trúc trong tử cung: tử cung có vách ngăn khiến phôi thai không thể làm tổ trên thành tử cung hoặc nếu đã làm tổ thì phôi thai không nhận được dinh dưỡng đủ để tồn tại và gây sẩy thai; hay vấn đề về tuyến giáp, mất cân bằng nội tiết tố và rối loạn đông máu là những khả năng khác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp phụ nữ đã sẩy thai thì việc mang thai lại là hoàn toàn có thể. Ví dụ: một phụ nữ 35 tuổi, đã từng sẩy thai 3 lần liên tiếp vẫn có 70% cơ hội có thể sinh con.
Rối loạn miễn dịch
Trong phần lớn trường hợp cấn thai, trứng đã thụ tinh sẽ gửi một thông điệp đến người mẹ rằng “đừng đối xử với con như một con vi trùng”, nhờ đó thai kỳ được duy trì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bào thai không được chấp nhận bởi cơ thể người mẹ. Kháng thể phosphoilipid - một kháng thể tấn công chính những mô của cơ thể bao gồm cả bào thai - được cho là nguyên nhân của nhiều ca sẩy thai không rõ nguyên nhân.
Quan niệm sai lầm
Mặc dù trên thực tế, hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của người mẹ, nhiều người vẫn tin vào các câu chuyện phổ biến về sẩy thai. Kết quả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology đã chỉ ra rằng, 22% người Mỹ được khảo sát tin rằng lối sống là nguyên nhân hàng đầu của sẩy thai. “Trong thực tế, mặc dù các hành vi cực đoan (sử dụng cocain hay thuốc lá) có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, các yếu tố về lối sống không khiến phụ nữ sẩy thai”, Williams nói. Nhiều người cũng tin các quan niệm về sẩy thai mà không có cơ sở thực tế nào, chẳng hạn như 64% số người cho rằng nâng một vật nặng có thể gây ra sẩy thai. 74% cho biết, căng thẳng lâu dài có thể gây sẩy thai. Trong thực tế, Williams cho biết, mức độ căng thẳng phải rất lớn mới có thể khiến phụ nữ sẩy thai. Một nghiên cứu năm 2013 trên phụ nữ Israel sống ở các thị trấn đang bị đe dọa đánh bom phát hiện ra rằng, những mối lo về cái chết đột ngột được cho là có liên kết với một tỷ lệ sẩy thai là 6,9% so với 4,7% ở thị trấn không bị tấn công bom thường xuyên. TS. William và nhóm nghiên cứu của mình cho biết, họ cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu những nguyên nhân thực sự của sẩy thai và các nhân tố giúp phôi thai phát triển.
>>> Xem thêm: Mối liên hệ giữa ốm nghén và sảy thai khiến mẹ bất ngờ
/bai-viet/moi-lien-giua-om-nghen-va-say-thai-khien-bat-ngo/
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống