Sai lầm thường gặp của bố mẹ khi trẻ bị viêm tai giữa
Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ bị viêm tai giữa là tự ý mua thuốc điều trị. Việc này có thể gây ngộ độc thuốc kháng sinh cho trẻ dẫn đến biến chứng điếc. Khi đó, trẻ không những không khỏi bệnh mà còn bị bệnh mạn tính.
Sai lầm thường gặp của bố mẹ khi trẻ bị viêm tai giữa
Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ bị viêm tai giữa là tự ý mua thuốc điều trị. Việc này có thể gây ngộ độc thuốc kháng sinh cho trẻ dẫn đến biến chứng điếc. Khi đó, trẻ không những không khỏi bệnh mà còn bị bệnh mạn tính.
1. Triệu chứng khi trẻ bị viêm tai giữa
Khi trẻ bị viêm tai giữa thường sẽ có các biểu hiện đặc trưng như sau:
- Tai bị chảy mủ và đau nên trẻ nhỏ thường hay quấy khóc và hay đưa tay dụi hoặc là cấu tai.
- Trẻ còn có các biểu hiện như chán ăn, bị nôn hoặc tiêu chảy, có thể sẽ bị sốt cao.
- Khi cha mẹ ấn vào vùng tai hoặc là kéo vành tai của trẻ bị viêm tai giữa, trẻ sẽ bị đau nhói.
- Trẻ nhỏ thường sẽ khóc thét còn trẻ lớn sẽ kêu đau đầu và nghe kém.
- Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh viêm tai giữa là soi thấy màng nhĩ đỏ đồng thời không di động hoặc là căng phồng...
Những biểu hiện tai bị chảy mủ và đau tai chính là dấu hiệu quan trọng nhất để chẩn đoán trẻ bị viêm tai giữa. Có khoảng 70% số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cấp có nguyên nhân là do vi khuẩn. Trong các vi khuẩn gây ra bệnh hay gặp nhất chính là phế cầu, đó cũng là vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi, vì thế bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị.
2. Những sai lầm thường gặp khi điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa
Một số trường hợp cha mẹ thấy con bị chảy nhiều nước ra phía cửa tai quá nên sử dụng biện pháp cạo các viên thuốc kháng sinh rồi rắc vào tai cho trẻ. Trường hợp này đặc biệt nguy hiểm lý do là những tá dược có trong thành phần thuốc viên gây bít tắc dẫn lưu dịch và dẫn đến tình trạng dịch viêm không được dẫn ra bên ngoài, nó sẽ phá hủy sang phần xương chũm trong tai giữa gây ra viêm xương chũm, nguy hiểm hơn gây biến chứng nội sọ và làm quá trình thăm khám của các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn để có thể đánh giá được đúng tình trạng của bệnh khi không thể quan sát được màng tai.
Điều cha mẹ cần nhớ là việc chẩn đoán cũng như điều trị trẻ bị viêm tai giữa cần phải được thực hiện tại những cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về nhà điều trị khi bệnh nhi chưa qua thăm khám và chẩn đoán của các bác sĩ có chuyên môn, bởi chính hành động này sẽ có thể để lại di chứng cho tai rất nặng nề.
3. Lời khuyên của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec dành cho cha mẹ có trẻ bị viêm tai giữa
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ còn bú mẹ thường rất ít bị viêm tai giữa bởi vì trong sữa mẹ có các kháng thể giúp cho trẻ có sức đề kháng tốt.
Cần phải để ý vấn đề vệ sinh cho trẻ, khi tắm cho trẻ không được để nước vào trong tai giữa, vệ sinh mũi họng cho trẻ để trẻ không bị viêm hô hấp trên, hay viêm amidan bởi vì giữa mũi họng và tai trong sẽ có ống thông nhau chính vì thế vi khuẩn tại vùng mũi họng sẽ thông qua đó để lan sang tai.
Khi trẻ bị viêm tai giữa cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị đồng thời theo dõi chặt chẽ những biến chứng có thể xảy ra.
Những người có yếu tố nguy cơ bị viêm tai giữa (Trong gia đình đã có người bị viêm tai giữa) cần phải chú ý khi có các dấu hiệu đau tai và sốt.
4. Ðiều trị cho trẻ bị viêm tai giữa thế nào là đúng?
Tùy theo từng giai đoạn cụ thể của bệnh viêm tai giữa mà việc điều trị bệnh sẽ khác nhau. Bệnh viêm tai giữa cấp thường sẽ được chia làm ba giai đoạn chính
- Giai đoạn 1: Sung huyết.
- Giai đoạn 2: Ứ mủ.
- Giai đoạn 3: Vỡ mủ.
Điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa trong giai đoạn 1
Nếu như trẻ bị viêm tai giữa đang ở giai đoạn 1 (sung huyết) chỉ cần điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc kháng sinh toàn thân.
Vi khuẩn gây ra bệnh viêm tai giữa chủ yếu là vi khuẩn liên cầu, Hemophilus Influenzae, phế cầu... vì vậy kháng sinh nhóm B lactam hiện nay vẫn là nhóm thuốc được sử dụng với các loại thuốc chống viêm, chống phù nề, hay hạ sốt, giảm đau đồng thời kết hợp với việc điều trị mũi họng.
Điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa trong giai đoạn 2
Nếu như bệnh viêm tai giữa đã chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc thực hiện trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ sẽ được các bác sĩ cân nhắc sử dụng và kết hợp cùng với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.
Điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa trong giai đoạn 3
Nếu bệnh viêm tai giữa đã đi qua hai giai đoạn sung huyết và ứ mủ thì dịch mủ ứ đọng bên trong tai giữa sẽ tiếp tục tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ và chảy ra ngoài qua đường ống tai ngoài. Lúc này màng nhĩ đã bị thủng. Trong giai đoạn này thì việc điều trị bệnh bằng cách làm thuốc tai cho trẻ sẽ rất quan trọng.
Lưu ý trong khi dùng thuốc nhỏ tai để điều trị bệnh
Các loại thuốc chuyên dùng để nhỏ tai cho trẻ bị viêm tai giữa ở từng giai đoạn cũng khác nhau: Trong giai đoạn sung huyết sẽ thường dùng thuốc giảm đau như là otipax... Giai đoạn ứ mủ phải tiến hành trích rạch hoặc trong giai đoạn vỡ mủ thì sẽ cần dùng nhóm thuốc chữa viêm tai phải đảm bảo an toàn với tai thủng như ciplox, tránh sử dụng các loại thuốc nhỏ tai có chứa các kháng sinh nhóm aminosid.
Việc xác định từng giai đoạn cũng như điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn chuyên khoa tai mũi họng.
Kết luận: Khi trẻ bị viêm tai giữa cha mẹ cần lựa chọn cho con mình điều trị tại các cơ sở y tế uy tín và đảm bảo đồng thời kiên trì điều trị bệnh cho con theo đúng phác đồ mà các bác sĩ đã đưa ra. Đặc biệt chú ý tránh gặp những sai lầm khi điều trị bệnh viêm tai giữa cho con như chúng tôi đã nói trong bài viết. Hãy thật thông thái khi tìm phương pháp điều trị cho con khi bé bị bệnh.
Xem thêm:
- Trẻ em bị viêm tai giữa kiêng ăn gì?
- Viêm tai giữa nhỏ thuốc gì
- Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em và cách điều trị