Rối loạn lipid máu là gì? Tại sao rối loạn lipid máu lại nguy hiểm?

Rối loạn lipid máu là một trong những thủ phạm dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Bạn có biết trên thế giới cứ 2 giây lại có 1 người tử vong vì bệnh tim mạch, cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do nhồi máu cơ tim. Vậy rối loạn lipid máu là gì? Tại sao rối loạn lipid máu lại cực kỳ nguy hiểm?

Rối loạn lipid máu là gì? Tại sao rối loạn lipid máu lại nguy hiểm? Rối loạn lipid máu là gì? Tại sao rối loạn lipid máu lại nguy hiểm?

Tổng quan về lipid máu

Lipid máu là một thành phần quan trọng, có mặt ở nhiều bộ phận và đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, nhưng khi lipid máu tăng quá cao có thể gây hại đến sức khỏe. Về cơ bản, lipid máu gồm nhiều thành phần khác nhau như sau:

Cholesterol: Do gan tổng hợp ( chiếm khoảng 75%) và phần còn lại được cung cấp từ thức ăn. Cholesterol gồm 3 loại cơ bản sau:

  • VLDL-cholesterol (Very Low Density Lipoprotein-Cholesterol): có nhiệm vụ vận chuyển triglycerid từ gan đi đến các mô trong cơ thể. VLDL-cholesterol là tiền chất của LDL-cholesterol.
  • LDL-cholesterol (Low Density Lipoprotein-Cholesterol): còn được gọi là cholesterol xấu. Đây chính là tác nhân chính gây xơ vữa mạch máu. LDL-cholesterol sẽ vận chuyển cholesterol đến các mạch máu, gây lắng đọng cholesterol ở thành mạch và tạo nên các mảng xơ vữa.
  • HDL-cholesterol (High Density Lipoprotein-Cholestrol): Còn được gọi là cholesterol tốt. HDL-cholesterol chiếm khoảng 1⁄4 đến 1/3 tổng lượng cholesterol trong cơ thể. HDL-cholesterol có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu và mang trở về gan, giúp ngăn ngừa quá trình tạo mảng xơ vữa.

Triglyceride: Trong tổng lượng chất béo chúng ta tiêu thụ hằng ngày, triglycerid chiếm đến 95%, và đây cũng là thành phần chủ yếu của mỡ động vật và dầu thực vật. Triglyceride được vận chuyển bởi VLDL-cholesterol và chylomicron, nó là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho các quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nhưng khi lượng triglyceride tích tụ quá nhiều sẽ dẫn đến tăng triglyceride máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch...

HoiBenh.vn-roi-loan-lipid-mau-la-gi-tai-sao-roi-loan-lipid-mau-lai-nguy-hiem-body-2
Tổng quan về lipid máu

Rối loạn lipid máu là gì ?

Bình thường trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa thành phần lipid có lợi và lipid có hại. Nhưng khi thành phần lipid bất lợi tăng lên và/hoặc thành phần lipid có lợi giảm xuống sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn lipid máu. Các chỉ số lipid máu bất thường là dấu hiệu nhận biết chính xác bệnh lý rối loạn lipid, cụ thể như sau:

  • Cholesterol toàn phần > 240nmg/dl.
  • HDL-cholesterol (tốt) < 40 mg/dl.
  • LDL-cholesterol (xấu) > 160 mg/dl.
  • Triglyceride > 200 mg/dl

Rối loạn lipid máu có thể do di truyền ( nguyên phát) hoặc là hậu quả của lối sống an nhàn, tĩnh tại, chế độ ăn không hợp lý,...hay là biến chứng của một bệnh lý khác (thứ phát).

Triệu chứng rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu thường không có triệu chứng rõ ràng, do đó rất dễ bị người bệnh bỏ qua. Khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng hơn, gây xơ vữa động mạch thì người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng sau:

  • Hoa mắt, chóng mặt: Các mảng xơ vữa ở mạch máu gây hẹp lòng mạch, dẫn đến không cung cấp đủ máu đến não, vì vậy mà người bệnh thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt.
  • Chân tay lạnh: Tương tự như tình trạng trên, nguyên nhân cũng do các mạch máu ngoại biên bị xơ vữa, hẹp lại và do đó không đủ máu giàu oxy khiến tay chân có cảm giác tê, lạnh
  • Khó thở, đau thắt ngực: Khi động mạch cung cấp máu đến tim bị xơ vữa, người bệnh có thể gặp phải các cơn đau thắt ngực thoáng qua.

Rất khó chẩn đoán rối loạn lipid máu nếu chỉ dựa vào triệu chứng của bệnh. Đến khi các triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã tiến triển quá nặng. Do đó, để có thể phát hiện bệnh và điều trị sớm, bạn đừng quên khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ. Và đặc biệt lưu ý, trước khi làm xét nghiệm lipid máu, bạn phải nhịn ăn khoảng 12 giờ thì kết quả thu được mới chính xác.

HoiBenh.vn-roi-loan-lipid-mau-la-gi-tai-sao-roi-loan-lipid-mau-lai-nguy-hiem-body-3
Khó thở, đau thắt ngực

Hậu quả của rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xơ vữa động mạch. Khi nồng độ cholesterol tăng cao, chúng sẽ sẽ lắng đọng ở thành mạch máu và dần dần hình thành mảng xơ vữa, do đó lòng mạch dần hẹp lại và có thể bị tắc hoàn toàn. Nguy hiểm ở chỗ các mảng xơ vữa thường hình thành ở các mạch máu quan trọng, cung cấp máu nuôi dưỡng các cơ quan trọng yếu của cơ thể như tim, thận và não.

Khi nguồn máu cung cấp cho tim bị thiếu hụt, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực và nghiêm trọng nhất là nhồi máu cơ tim. Đối với não, khi lượng máu đến não không đủ, các tế bào não sẽ bị thiếu oxy, dần chết đi và dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, xơ vữa động mạch còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy thận hay bệnh động mạch ngoại biên (thiếu máu đến các chi khiến tay chân người bệnh bị tê liệt).

Cách phòng ngừa rối loạn lipid máu

  • Thay đổi lối sống

Đây là biện pháp đầu tiên và cơ bản trong hướng dẫn điều trị rối loạn lipid máu. Tùy vào chỉ số lipid máu , bác sĩ có thể chỉ định thay đổi lối sống mà không cần dùng thuốc trong vòng 2-3 tháng, vì nhiều trường hợp rối loạn lipid máu nhẹ đến vừa đã được điều trị hiệu quả chỉ bằng cách điều chính lối sống. Vì vậy, bạn cần tuân thủ một số biện pháp sau:

  • Chế độ ăn uống hợp lý

Nên ăn nhiều rau và hoa quả, Uống sữa không béo, Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da (da gia cầm chứa rất nhiều cholesterol), Cá béo, ăn ít nhất 2 lần/tuần; Đậu và đậu Hà lan; Các loại hạt (chỉ nên ăn từ 4 - 5 lần/tuần); Dầu thực vật không bão hòa (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành...), nhưng không ăn bơ thực vật chế biến từ chúng

Không nên: Mỡ động vật; Sữa béo nguyên kem; Lòng đỏ trứng, bơ, phomai và các đồ ăn được chế biến từ chúng; Nội tạng động vật (gan, thận, óc, ...). Các loại đồ ăn nhanh, chiên xào nhiều chất béo như: xúc xích, khoai tây chiên,...Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu hạnh nhân.. và bơ thực vật

  • Tập thể dục đều đặn :

Tập thể dục giúp “đốt cháy” bớt mỡ thừa trong cơ thể, giúp giảm cân hiệu quả và hạn chế các yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp, đái tháo đường. Nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập 3-4 lần mỗi tuần. Chế độ tập vừa sức với thể trạng mỗi người, vừa đủ để ra mồ hôi. Giảm cân không chỉ hiệu quả trong giảm rối loạn lipid máu mà còn giúp giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch xơ vữa khác.

  • Bỏ các thói quen có hại:

Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu. Các chuyên gia khuyên rằng uống không quá 142 ml rượu vang đỏ mỗi ngày sẽ rất tốt cho hệ tim mạch của bạn.

HoiBenh.vn-roi-loan-lipid-mau-la-gi-tai-sao-roi-loan-lipid-mau-lai-nguy-hiem-body-4
Bỏ các thói quen có hại

Thuốc điều trị rối loạn lipid máu

  • Thuốc nhóm statin: Đây là nhóm thuốc được khuyến cáo ưu tiên trong điều trị rối loạn lipid máu. Các statin rất hiệu quả trong giảm LDL-cholesterol, và cũng có thể làm tăng HDL-cholesterol và giảm được triglycerid. Bên cạnh đó, nó còn giúp làm ổn định mảng xơ vữa, giảm viêm mạch máu, chống huyết khối... Các thuốc statin có trên thị trường như: atorvastatin (Lipitor); Fluvastatin (Lescol); Simvastatin (Zocor)...Khi dùng statin, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau cơ, viêm cơ, tăng men gan, nhức đầu, táo bón, ban đỏ,...
  • Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimibe làm giảm cholesterol bằng cách giảm hấp thu từ ruột non. Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, ezetimibe phối hợp với simvastatin đã chứng minh tác động giảm LDL-cholesterol hiệu quả.
  • Resins (thuốc gắn với acid đường mật): có tác dụng ngăn hấp thu cholesterol từ thức ăn và giảm tái hấp thu acid mật, do đó tăng ly giải cholesterol. Một số thuốc hiện có trên thị trường là: Cholestyramine (Questran), Colestipol (Colestid). Tác dụng phụ có thể gặp là táo bón, đầy hơi, đôi khi gây ợ nóng, tiêu chảy.
  • Thuốc nhóm Fibrates: Có tác động giảm triglycerides hiệu quả và có thể làm tăng HDL. Thuốc này có thể phối hợp với nhóm statin để điều trị một số rối loạn lipid máu hỗn hợp. Một số thuốc hiện nay là: Gemfibrozil (Lopid); Fenofibrate (Antara, Lofi bra, Tricor).
  • Niacin (nicotinic acid): Nhóm thuốc này có khả năng giảm triglycerid và làm tăng HDL tốt và thường được phối hợp với các thuốc trong nhóm statin. Khi dùng thuốc này có thể gây đỏ bừng mặt, ngứa, rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, buồn nôn; tăng men gan, tăng nguy cơ sỏi mật.
  • Omega 3: Thường được chỉ định trong trường hợp tăng Triglycerid. Liều thông thường là 3g/ngày, liều tối đa 6g/ngày. Tác dụng không mong muốn có thể gặp là đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy.

Theo khuyến cáo của NCEP (National Cholesterol Education Program):

  • Người trưởng thành từ 20 tuổi đến 40 tuổi nên được xét nghiệm Bilan Lipid lúc đói định kỳ mỗi 5 năm
  • Trường hợp người trên 40 tuổi, xét nghiệm Bilan Lipid máu định kỳ mỗi năm một lần là cần thiết.
  • Còn với những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ... thì nên xét nghiệm sớm hơn và nhiều lần hơn tùy trường hợp cụ thể.

Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp đầy đủ các loại xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán rối loạn lipid máu. Sau khi có kết quả, bạn sẽ được các bác sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn những liệu pháp trị liệu phù hợp.

Xem thêm:

  • Chế độ ăn với người rối loạn lipid máu
  • Điều trị rối loạn lipid máu như thế nào?
  • Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu là gì?