Quy trình và yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm
Điều trị hiếm muộn có nhiều phương pháp, trong đó, thụ tinh ống nghiệm là phương pháp được lựa chọn khá phổ biến. Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công là khoảng 40%, tùy thuộc vào nguyên nhân hiếm muộn và tuổi của cặp vợ chồng hiếm muộn mà tỷ lệ này sẽ thay đổi.
Quy trình và yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp lấy trứng của người vợ thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm (bên ngoài cơ thể). Đến khi phôi hình thành và phát triển, sẽ chuyển phôi trở lại buồng tử cung của người vợ để phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Điều trị hiếm muộn có nhiều phương pháp, trong đó, thụ tinh ống nghiệm là phương pháp được lựa chọn khá phổ biến. Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công là khoảng 40%, tùy thuộc vào nguyên nhân hiếm muộn và tuổi của cặp vợ chồng hiếm muộn mà tỷ lệ này sẽ thay đổi.
1. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Bước 1: Khám, kiểm tra sức khỏe và đánh giá khả năng sinh sản của cặp vợ chồng
Xét nghiệm ở người vợ, bao gồm:
- Xét nghiệm nội tiết: Để đánh giá tình trạng hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, và khả năng dự trữ buồng trứng của người phụ nữ (AMH, FSH, LH), tiến hành xét nghiệm nội tiết để định lượng nồng độ nội tiết sinh dục (estrogen, progesteron,...) và nội tiết hướng sinh dục (LH, FSH).
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Tiến hành lấy máu xét nghiệm xác định các bệnh lây truyền qua đường sinh dục như viêm gan B, giang mai, HIV, giang mai. Ngoài ra, lấy dịch âm đạo để xét nghiệm Chlamydia...
- Siêu âm phụ khoa cho phép phát hiện những bất thường như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, đa nang buồng trứng hoặc các dị tật bẩm sinh trong cơ quan sinh dục nữ. Khi siêu âm cũng có thể đếm số nang noãn cơ bản trên hai buồng trứng ở ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt.
Xét nghiệm ở người chồng, bao gồm:
- Tinh dịch đồ: Xét nghiệm tinh dịch có thể giúp xác định số lượng tinh trùng nhiều hay ít, chất lượng tinh trùng, yếu hay có bất thường hay không có tinh trùng.
- Các xét nghiệm khác: Tiến hành lấy máu xét nghiệm để xác định các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai, HIV, ...
- Nếu người chồng không có tinh trùng, thì phải tiến hành các xét nghiệm, siêu âm khác như định lượng nội tiết sinh dục, siêu âm bìu,... trước khi thụ tinh ống nghiệm.
Bước 2: Kích thích buồng trứng
- Tiêm thuốc kích thích buồng trứng vào người vợ liên tục mỗi ngày, trong khoảng 9 - 11 ngày. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ đặt lịch hẹn siêu âm và xét nghiệm máu của người vợ để theo dõi sự phát triển của nang noãn, đồng thời để điều chỉnh thuốc theo đáp ứng của cơ thể mỗi người.
- Tiêm mũi thuốc cuối cùng vào người vợ để kích trứng trưởng thành (kích rụng trứng) khi nang noãn đạt kích thước tương ứng theo quy định. Lưu ý, mũi này cần được tiêm đúng giờ.
Bước 3: Chọc hút trứng
- Tiến hành gây mê để chọc hút trứng của người vợ kể từ 36 - 40 giờ sau khi tiêm mũi thuốc cuối cùng. Lưu ý, người vợ cần nhịn đói vào buổi sáng để thực hiện bước này.
- Người vợ được tiếp tục theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trong khoảng 2-3 giờ sau khi chọc hút trứng.
- Sau khi chọc hút trứng và dịch nang, trứng được kiểm tra và tách dưới kính hiển vi. Cũng trong cùng lúc đó, tiến hành lấy tinh trùng của người chồng để chuẩn bị thụ tinh. Có 2 cách thụ tinh, đó là theo cách thường quy (IVF) hoặc tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn (ICSI).
Bước 4: Thụ tinh ống nghiệm
- Sau khi có trứng và tinh trùng sẽ chuyển đến phòng Labo để thụ tinh và tạo phôi. Phôi được nuôi cấy trong ống nghiệm trong khoảng 2 - 5 ngày.
- Những phôi đạt chất lượng sẽ được chuyển vào cơ thể người vợ (chuyển phôi tươi), số phôi dư được trữ đông. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp toàn bộ số phôi sẽ được trữ đông, tùy thuộc vào lý do chuyên môn hoặc cá nhân. Trong khoảng thời gian này, người vợ được chỉ định dùng cả thuốc uống và thuốc đặt âm đạo để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi.
Bước 5: Chuyển phôi
- Bác sĩ sẽ thông báo cho vợ chồng về số lượng và chất lượng phôi được tạo thành, để thống nhất số lượng phôi sẽ chuyển vào buồng tử cung của người vợ và số phôi dư trữ đông.
- Phôi sẽ được chuyển 2 - 5 ngày sau khi chọc hút trứng. Nếu niêm mạc tử cung của người vợ đủ độ dày, có chất lượng tốt, thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi, bác sĩ sẽ thực hiện chuyển phôi đặt vào buồng tử cung của người vợ.
- Người vợ được tiếp tục theo dõi và nằm nghỉ 2 - 4 giờ tại bệnh viện, sau đó sẽ được về nhà. Sau bước chuyển phôi, bác sĩ sẽ chỉ định người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn.
- Trong trường hợp phôi được chuyển là phôi trữ, người vợ sẽ được chỉ định siêu âm và dùng thuốc để tiếp tục theo dõi niêm mạc tử cung trong vòng 14 - 18 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo. Sau đó, bác sĩ sẽ chọn ngày thích hợp để chuyển phôi trữ.
Bước 6: Thử thai
- Sau khi chuyển phôi 2 tuần, lấy máu của người vợ để xét nghiệm chỉ số beta HCG.
- Nếu nồng độ beta HCG lớn hơn 25 IU/l tức là người vợ có thai. Nồng độ này cao hay thấp là tùy thuộc từng cơ thể của mỗi người và số lượng phôi làm tổ sau khi chuyển.
- Nếu nồng độ beta HCG sau 2 ngày tăng gấp rưỡi trở lên thì tức là thai đang phát triển, người mẹ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai, chờ đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
- Nếu nồng độ beta HCG sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi. Trường hợp nồng độ beta HCG trở về âm tính, nhỏ hơn 5 IU/l) tức là thai sinh hoá (sẩy thai).
- Nếu chưa có thai và còn phôi trữ thì có thể tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào buồng tử cung của người vợ ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần lặp lại các bước trước đó.
Bước 7: Theo dõi thai nhi
- Thăm khám lâm sàng và siêu âm thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm
Trên thế giới, thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công là khoảng 40 - 45%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này trong khoảng 35 - 40%. Tỷ lệ này cũng sẽ giảm từ 2 - 10% đối với những phụ nữ trên 40 tuổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
2.1 Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của hai vợ chồng
- Cần có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu đạm như thịt gà, bò, heo; các loại hải sản như hàu, tôm, cua; đồng thời ăn nhiều rau, trái cây để cung cấp chất xơ; uống sữa...
- Người vợ nên lựa chọn và bổ sung các thực phẩm chứa nhiều axit folic như giá, các loại đậu, ngũ cốc, trái cây như cam, bưởi...; các thực phẩm giàu omega 3 như dầu cá, dầu thực vật...
- Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá...
- Để thụ tinh ống nghiệm tăng tỷ lệ thành công cần hạn chế quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này để tránh kích thích co bóp tử cung, sẽ ảnh hưởng đến phôi thai.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Tắm nhẹ nhàng bằng nước ấm.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe bằng các động tác yoga hoặc đi bộ...
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng, stress.
Khi người vợ có tâm trạng tốt và vui vẻ thì phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu người vợ thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng thì tỷ lệ thành công sẽ giảm theo, bởi những bất ổn về tâm lý sẽ khiến tử cung co bóp mạnh, phôi thai khó làm tổ.
2.2 Không mắc các bệnh đường tình dục
Trước khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm, cả hai vợ chồng đều được kiểm tra xem có đủ sức khỏe để thực hiện phương pháp này không. Nếu người vợ có sức khỏe bình thường và người chồng có tinh trùng mạnh thì khả năng thành công sẽ cao.
2.3 Khả năng thành công cao với cặp vợ chồng còn trẻ tuổi
Phụ nữ sau 35 tuổi thì số lượng cũng như chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn sẽ giảm dần. Số lượng trứng và tinh trùng càng nhiều, chất lượng trứng và tinh trùng càng tốt, thì số phôi tạo thành càng nhiều, cơ hội chuyển phôi cũng nhiều hơn.
2.4 Điều trị sớm bệnh vô sinh, hiếm muộn
Để thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm, thì tất cả các cặp vợ chồng đều được kiểm tra tình trạng vô sinh và hiếm muộn trước đó.
Sau 1 năm, nếu hai vợ chồng không dùng các biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con thì nên đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2.5 Thiết bị máy móc, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm bao gồm nhiều bước phức tạp, do đó đòi hỏi các bác sĩ và kỹ thuật viên phải có chuyên môn và kinh nghiệm để quyết định phác đồ điều trị như thế nào, sử dụng các loại thuốc nào, ...
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng đòi hỏi phòng thí nghiệm phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chất lượng không khí luôn ở mức tối ưu, vô trùng, ...
Xem thêm:
- 6 điều cơ bản nhất cần biết trước khi thụ tinh nhân tạo
- Phụ nữ bị tắc vòi trứng có thụ tinh nhân tạo được không?
- Thụ tinh nhân tạo là như thế nào