Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là khi phôi thai làm tổ và phát triển bên ngoài buồng tử cung. Khối thai ngoài tử cung vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng của người bệnh. Phần lớn thai ngoài tử cung là ở ống dẫn trứng, ngoài ra có thể gặp ở những vị trí khác như: Thai trong ổ bụng, thai ở buồng trứng, thai tại vết mổ lấy thai cũ ...Vậy xử lý thai ngoài tử cung như thế nào?

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

1. Điều trị thai ngoài tử cung

1.1 Mục tiêu điều trị

Giải quyết khối thai ngoài tử cung nhằm:

  • Giảm tối đa tỷ lệ tử vong của người mẹ
  • Ngừa tái phát thai ngoài tử cung
  • Duy trì khả năng sinh sản cho người mẹ

1.2 Các phương pháp trong điều trị thai ngoài tử cung

Hiện nay, có 3 phương pháp được sử dụng trong điều trị thai ngoài tử cung:

  • Thuốc: Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate. Thuốc này ngăn chặn các tế bào phát triển, kết thúc thai kỳ, ống dẫn trứng được bảo tồn.
Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung
Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate

Vậy khi nào dùng thuốc để điều trị thai ngoài tử cung?

  • Methotrexate có thể được sử dụng đơn liều hay đa liều nếu
    • Khối thai chưa gây vỡ ống dẫn trứng
    • Một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định phác đồ điều trị đơn liều hay đa liều là các xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hCG trong máu, siêu âm đánh giá kích thước và tình trạng khối thai
    • Không sử dụng methotrexate nếu đang cho con bú hoặc có một số vấn đề sức khỏe nhất định.
  • Phẫu thuật mở: Nếu thai ngoài tử cung gây vỡ ống dẫn trứng chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, cần phẫu thuật khẩn cấp. Hiện nay do phát hiện sớm thai ngoài tử cung nên các trường hợp phải mở bụng rất hiếm. Những trường hợp này thường phải kết hợp hồi sức chống choáng do mất máu nhiều.
  • Phẫu thuật nội soi: Hiện nay áp dụng rộng rãi trong việc xử trí ngoại khoa thai ngoài tử cung
    • Nội soi chẩn đoán thai ngoài tử cung
    • Nội soi bảo tồn ống dẫn trứng với những trường hợp còn có nhu cầu sinh con
    • Nội soi không bảo tồn ống dẫn trứng với trường hợp không còn nhu cầu sinh hoặc không thể bảo tồn.

Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể:

  • Thai ngoài tử cung vỡ có choáng: Hồi sức chống choáng. Thai ngoài tử cung vỡ nhưng chưa có dấu hiệu choáng có thể phẫu thuật nội soi.
  • Huyết tụ thành nang:
    • Nếu khối huyết tụ < 8cm: Mổ nội soi.
    • Nếu khối huyết tụ lớn > 8cm: Mở bụng lấy khối huyết tụ
  • Thai ngoài tử cung chưa vỡ
    • Mở bụng hoặc nội soi
    • Nội soi khi không có chống chỉ định
    • Mở bụng khi có chống chỉ định của phẫu thuật nội soi hoặc không có điều kiện nội soi
    • Cắt tai vòi hoặc điều trị bảo tồn.
  • Thai trong ổ bụng
    • Thai chết, phải phẫu thuật lấy khối thai ra.
    • Thai sống, phải phẫu thuật ngay vì nguy cơ xuất huyết nội. Lúc mổ lấy nhau chỉ lấy phần dễ lấy, không cố gắng lấy phần nhau bám chặt vào các cơ quan trong ổ bụng vì nguy cơ gây chảy máu rất nhiều. Phần thai còn lại tự hủy không cần can thiệp.

2. Phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung vỡ tại Vinmec Hải Phòng

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung
Phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung

2.1 Ưu, nhược điểm của kỹ thuật

  • Giải quyết khối thai bệnh lý
  • Thời gian hồi phục nhanh so với mổ mở bụng
  • Hạn chế tối đa dùng kháng sinh do dùng kháng sinh dự phòng.
  • Phẫu thuật viên phải rất có kinh nghiệm vì nếu có tai biến sẽ rất nặng nề.

2.2 Quy trình tiến hành

  • Bước 1: Hội chẩn duyệt mổ với Giám đốc chuyên môn bệnh viện , Trưởng Khoa Sản, bác sĩ.
  • Bước 2: Thực hiện phẫu thuật tại phòng mổ
  • Bước 3: Chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh.

2.3 Những biểu hiện sau phẫu thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Có tai biến: Người bệnh có tổn thương tạng và mạch máu, chảy máu sau mổ.
  • Có thể phải can thiệp sau phẫu thuật.
  • Người bệnh ra viện không đúng kế hoạch.

2.4 Vì sao nên mổ nội soi thai ngoài tử cung vỡ tại Vinmec?

  • Bệnh viện được trang bị các thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam trong phòng mổ
  • Các quy trình phẫu thuật được thực hiện một cách nghiêm túc (trước khi mổ phải thực hiện bảng kiểm rà soát đầy đủ mới được mổ...), thường xuyên có người đôn đốc kiểm tra, đồng thời luôn cấp nhật quy trình quy định mới nhất trên thế giới.
  • Môi trường bệnh viện sạch, không có nhiễm trùng bệnh viện nên sau mổ người bệnh không phải điều trị kháng sinh.
  • Tất cả thông tin về bệnh lý, về phương pháp xử trí phẫu thuật thai ngoài tử cung đều được lưu trong bệnh án điện tử, dễ dàng tra cứu trong những trường hợp cần lấy lại thông tin khi cần điều trị các vấn đề sinh đẻ của người bệnh.
  • Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.
  • Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
  • Các bác sĩ của khoa Sản đều là các bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ rất có kinh nghiệm chuyên môn, từng công tác trên cương vị Trưởng Phó khoa Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, đồng thời tham gia giảng dạy và đào tạo các bác sĩ chuyên khoa Sản sau đại hoc tại Đại học Y dược Hải Phòng.

Nguồn: Vinmec.com

XEM THÊM:

  • Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?
  • Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ?
  • Mang thai ngoài tử cung có thể có con không?