Phụ nữ mang thai và tầm quan trọng của axit folic
Tầm quan trọng của axit folic đối với phụ nữ mang thai là rất lớn. Tuy nhiên, việc bổ sung thừa axit folic cũng gây ra những rối loạn không tốt.
Phụ nữ mang thai và tầm quan trọng của axit folic
Hầu hết các mẹ khi mang thai thường nghe nói rất nhiều đến cụm từ axit folic. Vậy axit folic có những vai trò như thế nào đối với cơ thể? Tại sao trong quá trình mang thai, chúng ta cần phải bổ sung đầy đủ axit folic? Những thông tin dưới đây sẽ giúp các mẹ giải đáp những thắc mắc xoay quanh tầm quan trọng của axit folic.
1. Axit folic là gì?
Axit folic (vitamin B9) là một trong 8 vitamin thuộc nhóm B. Các vitamin nhóm B nằm trong nhóm vitamin tan trong nước, thường tồn tại trong cơ thể trong thời gian ngắn, bài tiết chủ yếu qua nước tiểu và do đó cần thiết phải bổ sung hàng ngày, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.
2. Axit folic có những vai trò rất quan trọng đối với cơ thể
Axit folic rất cần cho sự chín của hồng cầu (một thành phần của tế bào máu) trong tủy xương và cần cho sự tổng hợp thymidine triphosphat (một thành phần quan trọng của ADN). Đặc biệt, trong giai đoạn mang thai, khối lượng máu tăng lên khoảng 50%. Do số lượng tế bào hồng cầu gia tăng theo sự gia tăng của khối lượng máu, và do sự đào thải axit folic qua nước tiểu nên chị em khi mang thai thường hay thiếu axit folic.
Ngoài việc tác dụng lên sự chín của hồng cầu, axit folic còn liên quan trực tiếp đến sự phát triển của ống thần kinh - là một bộ phận phát triển vào ngày thứ 23 của phôi thai có và nguồn gốc từ ngoại bì (sau này sẽ phát triển thành toàn bộ hệ thần kinh của trẻ)
3. Vậy thiếu axit folic sẽ có ảnh hưởng như thế nào?
Thiếu axit folic có thể gây khuyết tật ống dây thần kinh ở thai nhi.Theo tài liệu “Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh” của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) năm 2006, cho biết “Cơ thể người mẹ thiếu hụt axit folic ngay tại thời điểm thụ thai sẽ làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi”, gây nứt đốt sống và não úng thủy (não có nước). Điều đáng lưu ý sự khép mình của ống thần kinh kết thúc vào ngày thức 28 của thai kỳ, thời điểm hầu hết các mẹ đều chưa biết được mình đang có thai. Ngoài ra thiếu axit folic còn gây dị tật bẩm sinh ,hở hộp sọ, vô não hoặc thiếu một phần não ở thai nhi.
Trong giai đoạn phân chia và lớn nhanh của tế bào ở trẻ sơ sinh và các mẹ khi mang thai, axit folic cần thiết trong việc nhân đôi ADN và tránh đột biến ADN (như đã nói ở trên). Do đó thiếu axit folic sẽ làm giảm ADN, rối loạn quá trình chín của hồng cầu. Sự thiếu hụt này sẽ làm thiếu máu hồng cầu, nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt axit folic cũng làm chậm sự tổng hợp ADN, tạo ra nhiều các tế bào hồng cầu lớn trong máu (gọi là nguyên hồng cầu to). Từ đó gây ra sự thiếu hồng cầu bình thường và chứng bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu to.
4. Lưu ý khi bổ sung thừa axit folic!
Từ những điều trên, có thể thấy tầm quan trọng của axit folic đối với phụ nữ mang thai là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc bổ sung thừa axit folic cũng gây ra một số biểu hiện không mong muốn như rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên nếu gặp trường hợp này, các mẹ không nên quá lo lắng. Do axit folic là dạng vitamin tan trong nước, nên các mẹ có thể “ tự điều trị” bằng cách uống nhiều nước để đào thải lượng axit dư thừa qua nước tiểu.
Để bổ sung lượng axit folic một cách đúng đắn nhất, các mẹ nên đến cơ sở y tế để có những lời khuyên hợp lý. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể tham khảo những bài viết các kỳ sau của HoiBenh, để biết thêm thông tin về việc bổ sung axit folic theo từng giai đoạn của thai kỳ.
>>> Xem thêm: Top những loại hạt dinh dưỡng dành cho bà bầu