Phụ nữ mãn kinh cần cảnh giác với ung thư niêm mạc tử cung
Ung thư niêm mạc tử cung có thể xảy ra với bất cứ người phụ nữ nào, từ người trẻ cho đến người già. Nhưng nhìn chung, bệnh này thường gặp ở những phụ nữ đã trên 50 tuổi và đã trải qua thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ mãn kinh cần cảnh giác với ung thư niêm mạc tử cung
Nguyên nhân ung thư niêm mạc tử cung
Ung thư niêm mạc tử cung là hiện tượng khối u ác tính xuất hiện ở niêm mạc tử cung. Ung thư niêm mạc tử cung thường gặp ở những phụ nữ đã mãn kinh, chỉ 15% phụ nữ chưa mãn kinh mắc phải căn bệnh này.
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh ung thư niêm mạc tử cung. Tuy vậy, y học cũng đã xác định được các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh:
- Tuổi tác: bệnh thường gặp ở những phụ nữ đã mãn kinh và trên 50 tuổi.
- Những người được điều trị bệnh bằng phương pháp nội tiết thay thế estrogen hoặc nội tiết tố khác với liều cao trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ cao bị mắc ung thư niêm mạc tử cung.
- Béo phì: Khi bị béo phì, androstenedione ở tổ chức lớp mỡ dưới da được tăng cường chuyển hóa từ đó gây nên tình trạng dư thừa estrogen và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư niêm mạc tử cung.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư niêm mạc tử cung thì cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Hệ miễn dịch kém, rối loạn nội tiết tố: Những người có hệ miễn dịch kém và mắc phải một số bệnh như HIV, viêm gan, bệnh lý mô liên kết có nguy cơ bị mắc ung thư niêm mạc tử cung cao hơn những người bình thường.
- Những nguyên nhân khác: đái tháo đường, phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc ung thư niêm mạc tử cung cao hơn 3 lần so với phụ nữ đã mang thai và sinh con.
Dấu hiệu
Ung thư niêm mạc tử cung có 4 dấu hiệu điển hình:
- Chảy máu âm đạo bất thường ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, xuất hiện triệu chứng đau bụng. Khi đi khám thực thể qua thăm âm đạo thì thấy tử cung to lên và tròn, mật độ mềm không đều, cổ tử cung cũng có thể mềm. Đối với những người già đã trải qua thời kỳ mãn kinh được chục năm trở nên sẽ có dấu hiệu cổ tử cung hẹp lại và hoại tử chít hẹp làm máu không chảy ra ngoài được và có thấy tử cung căng trướng. Còn đối với những người chưa mãn kinh, thời gian hành kinh sẽ kéo dài hơn bình thường và chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Dịch chảy ra bất thường từ âm đạo kèm theo mùi hôi.
- Tiểu tiện ra máu, tiểu khó do khối u bị chèn ép, tiểu đau, bị đau vùng chậu và đau khi giao hợp.
- Biểu hiện chung về mặt sức khỏe: mệt mỏi, có thể yếu và gầy (do giảm cân bất thường), thiếu máu,..
Các giai đoạn và cách điều trị
Ung thư niêm mạc tử cung được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 0
Ung thư tại chỗ tức là khối u và tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở niêm mạc tử cung, chưa ảnh hưởng đến các vị trí khác.
Phương pháp điều trị: cắt tử hoàn toàn tử cung và phần phụ.
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này, khối u phát triển giới hạn ở niêm mạc tử cung, xâm lấn một nửa bề dày của tử cung.
Phương pháp điều trị: có 4 hướng
- Tia xạ trên tử cung và âm đạo, sau đó cắt bỏ tử cung hoàn toàn và phần phụ.
- Tia xạ tiểu khung nếu có di căn đến hạch, nội tiết liệu pháp.
- Không thể phẫu thuật được: xạ trị kết hợp liệu pháp.
- Trong trường hợp nhiễm trùng: mổ trước, xạ trị sau.
Giai đoạn 2
Ung thư xâm lấn đến lớp biểu mô tuyến của ống cổ tử cung và xâm lấn đến lớp đệm của cổ tử cung.
Phương pháp điều trị: xạ trị trước khi phẫu thuật, sau đó cắt tử cung và hai phần phụ, vét hạch chậu, cuối cùng là xạ trị sau hậu phẫu.
Giai đoạn 3
Ung thư xâm lấn đến lớp thanh mạc, hoặc phần phụ (buồng trứng, vòi trứng, dây chằng). Các vị trí: ổ bụng, âm đạo, thành chậu, hạch cạnh động mạch ổ bụng cũng xuất hiện các tế bào ung thư.
Phương pháp điều trị: Cắt bỏ tử cung hoặc cả phần phụ để giảm khối lượng ung thư sau đó xạ trị. Nếu không phẫu thuật được thì điều trị kết hợp xạ trị tại chỗ kết hợp với nội tiết liệu pháp.
Giai đoạn 4
Khối u đã xâm lấn đến bàng quang hoặc niêm mạc ruột và di căn xa, có thể vào trong ổ bụng hoặc hạch bẹn.
Phương pháp điều trị chính là nội tiết và điều trị triệu chứng để kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Phẫu thuật gần như là không được sử dụng trong giai đoạn này.
Khi được điều trị tích cực ở các giai đoạn khác nhau thì cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân cũng có sự chênh lệch rõ ràng:
- Giai đoạn 0 và 1: 75% đến 90%
- Giai đoạn 2: 50% đến 60%
- Giai đoạn 3: 30%
- Giai đoạn 4: 5% đến 10%
Bệnh có khả năng tái phát lên đến 70% sau 2 năm điều trị.
Hiện nay, đi khám phụ khoa định kỳ (3-6 tháng/lần) là phương pháp phòng tránh bệnh tốt nhất hiện nay. Bên cạnh đó, vệ sinh vùng kín đúng cách, thường xuyên, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp tất cả chị em phụ nữ phòng tránh các bệnh phụ khoa nói chung và ung thư niêm mạc tử cung nói riêng.
Xem thêm:
- Ung thư nội mạc tử cung: Ai dễ mắc? Điều trị thế nào?
- Đừng để viêm cổ tử cung nặng tiến triển thành ung thư
- Ung thư nội mạc tử cung - Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị