Phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng không thể đề phòng các bệnh bẩm sinh hay di truyền. Tuy nhiên, phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi là hoàn toàn có thể.
Phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi là một trong những nỗi lo hàng đầu của mỗi bậc cha mẹ khi họ chuẩn bị chào đón thành viên mới. Rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ không thể kiểm soát hay phòng tránh các yếu tố bẩm sinh hay di truyền. Trong xã hội hiện đại, không ít người vẫn cho rằng điều bất hạnh này xảy ra là do nhân quả báo ứng của gia đình hay số phận của những đứa trẻ đó. Sự thật là chúng ta có thể hoàn toàn phòng tránh khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi, điển hình là những điều cần lưu ý dưới đây.
1. Uống bổ sung acid folic
Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần uống bổ sung acid folic ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Ngoài ra acid folic cũng có nhiều trong các sản phẩm rau lá sẫm màu nên bạn cũng nên ăn nhiều loại thực phẩm chứa acid folic. Acid folic đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các khuyết tật trên ống thần kinh. Những dị tật này thường xuất hiện sớm ở thời kì đầu của thai kỳ, thậm chí trước khi người mẹ có thể nhận biết được để bổ sung acid này kịp thời.
2. Tránh các tác nhân gây hại
Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc bảo vệ sức khỏe cách nghiêm ngặt không phải chỉ cho bản thân mà hãy nghĩ tới một sinh mạng khác. Cần chú ý tránh xa nơi có khói thuốc lá. Cho dù là hút thuốc chủ động hay thụ động thì đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và bé. Cùng với thuốc lá, rượu và đồ uống có cồn là những chất gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ, gây khuyết tật tim, lồng ngực và khớp.
Ngoài ra, hãy tránh tiếp xúc với các hóa chất như thủy ngân, chì, các dung môi hóa học, thuốc trừ sâu, nhất là các nguồn phóng xạ như tia X - quang, các phương pháp hoá trị và xạ trị. Nếu bạn đang làm việc trong môi trường có những yếu tố này thì nên cân nhắc đổi hoặc tạm dừng công việc khi có kế hoạch chuẩn bị mang thai.
3. Khám và tư vấn sức khỏe trước khi mang thai
Các bác sĩ khuyên chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và chuẩn bị mang thai nên thực hiện khám sức khỏe tiền sản. Việc này có ý nghĩa với những bà mẹ có bệnh mạn tính. Các bậc bố mẹ cần thăm khám sức khỏe toàn diện và tư vấn mang thai nhất là vấn đề phụ khoa, cũng như tầm soát về bệnh di truyền, đặc biệt là trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh về di truyền. Bên cạnh đó là những xem xét về tiền sử bệnh tật khác trong gia đình, tiền sử mắc bệnh phụ khoa; hay dự phòng những vấn đề từ lần mang thai trước nếu có, bao gồm chế độ dinh dưỡng, công việc, thói quen lối sống, các loại thuốc bạn đang sử dụng,v.v... Hơn nữa, các cặp vợ chồng trước khi có quyết định có con nên làm các xét nghiệm nhằm phát hiện và phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh, một căn bệnh di truyền nguy hiểm mà ít ai ngờ đến.
4. Bảo vệ sức khỏe người mẹ trong thời kì mang thai
Khám thai định kỳ là phương pháp phòng ngừa dị tật cho thai nhi quan trọng nhất. Trong những lần khám thai định kỳ, các bác sĩ có thể dò tìm và phát hiện các bệnh lý phát sinh khi mang thai, đồng thời sàng lọc bệnh của thai nhi để phòng các dị tật có thể gặp phải. Một số xét nghiệm thường làm cho bà mẹ mang thai như siêu âm, phương pháp chẩn đoán trước sinh, phương pháp định lượng các chất đánh dấu, phương pháp chọc hút nước ối, phương pháp sinh thiết gai nhau, xét nghiệm Triple test, Double test. Các phương pháp này có chức năng thăm dò trong quá trình thai nghén các triệu chứng bất thường về hình thái, cũng như sự biến đổi nhiễm sắc thể của thai nhi. Từ đó đưa ra sự can thiệp kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ dị tật, khuyết tật bẩm sinh, hay dị dạng bẩm sinh của thai nhi.
Ngoài việc khám thai định kỳ ba tháng một lần thì chế độ dinh dưỡng và lối sống cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin đặc biệt là vitamin A - có nhiều trong dầu gấc, cá hồi, trái cây họ cam quýt, thịt bò, cà chua,...hay những thực phẩm dồi dào vitamin B12 như đậu khô, trái cây, sữa, thịt, gia cầm, ngũ cốc, rau nhiều lá,...
Chế độ nghỉ ngơi thư giãn tránh stress áp lực từ cuộc sống cũng giúp bà bầu giảm đi nguy cơ dẫn đến khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì vậy, không nên làm việc quá sức hay tập thể dục quá mạnh nên tập yoga, đi bộ,...đề phòng các biến chứng về huyết áp như cao huyết áp, hạ huyết áp, huyết áp kẹt, hoặc đái tháo đường mang thai.