Phòng biến chứng bệnh cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây nên. Đây là bệnh lây nhiễm cao từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho khạc. Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải, trẻ mắc bệnh cúm nên chăm sóc ở nhà và xử lý triệu chứng, theo dõi sự xuất hiện dấu hiệu nặng, cho trẻ uống nhiều nước.
Phòng biến chứng bệnh cúm mùa
Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải, trẻ mắc bệnh cúm nên chăm sóc ở nhà và xử lý triệu chứng, theo dõi sự xuất hiện dấu hiệu nặng, cho trẻ uống nhiều nước.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây nên. Đây là bệnh lây nhiễm cao từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho khạc.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A H3N2, cúm A H1N1, cúm B và cúm C. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông, xuân.
Ba tuần gần đây, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi có triệu chứng mắc cúm, trong đó khoảng 200 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Đa phần bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm nhiễm trùng khác như viêm phế quản, viêm phổi... cần sự theo dõi sát sao của các nhân viên y tế.
Cháu Nguyễn Tú Hằng ở Hà Nội là 1 trong khoảng 40 trường hợp bị biến chứng khá nặng khi mắc cúm. Chị Tú Uyên (mẹ cháu Hằng) cho biết, thấy con có biểu hiện mệt lả nên đưa vào BV Nhi TƯ khám mới biết con bị cúm B, kèm viêm phế quản. Do cháu có tiền sử viêm gan nên men gan tăng rất cao. Sau 4 ngày điều trị, con đã giảm sốt nhưng vẫn mệt. Còn cháu Nguyễn Hải Linh ở Hà Nội cũng sốt cao liên tục, gia đình cho cháu nhập viện mới biết cháu bị cúm A H1N1.
Bà Nguyễn Lan Anh (bà nội cháu) cho biết, nhà bà có 3 đứa cháu đều bị cúm A H1N1, cũng may các cháu đều được phát hiện sớm, và được tư vấn điều trị đúng cách ở nhà nên không cháu nào phải nhập viện.
Đề phòng cúm mùa biến chứng nặng
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, phân tích, với cúm mùa, người bệnh thường có triệu chứng ớn lạnh, hắt hơi, sổ mũi, sốt cao 39 - 40 độ (hầu như không đáp ứng với thuốc hạ sốt), đau họng, ho và có biểu hiện của viêm phế quản. Điều cần phân biệt giữa cúm và cảm lạnh là: cảm lạnh thường sau 1 ngày là ổn định chứ không không kéo dài 3 - 5 ngày như nhiễm vi-rút cúm.
Người bệnh không nên dùng tamiflu hay kháng sinh vì cúm mùa thường tự khỏi sau 3 - 5 ngày và thuốc này không có tác dụng với bệnh cúm. Khi trẻ vẫn thở bình thường, chỉ cần nhỏ mũi hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý chứ không nhất thiết phải rửa mũi.
“Bình thường, ở người khỏe mạnh luôn có sẵn vi khuẩn khu trú trong hầu họng, nhưng nhờ có niêm mạc hầu họng bảo vệ nên không gây bệnh. Tuy nhiên, khi bị nhiễm cúm, nếu không biết cách vệ sinh họng tốt, niêm mạc bị tổn thương, trong khi cơ thể bị yếu, miễn dịch bị giảm, là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, gây bội nhiễm. Đặc biệt, người có nền bệnh mãn tính như tim, phổi, thận... cần được phát hiện đúng bệnh để biết cách điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc”, bác sĩ Hải cảnh báo.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý, thông thường, bệnh cúm mùa diễn biến nhẹ nhàng và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần mà không cần uống kháng sinh. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) và người già (trên 65 tuổi) có bệnh mãn tính như tim phổi, thận, suy giảm miễn dịch... có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và dễ dẫn đến tử vong. Do vậy, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh. Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly và nhanh chóng đánh giá tình trạng và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên./.
Theo Báo Tiếng nói Việt Nam