Phân biệt ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu với viêm cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì hoặc triệu chứng không rõ ràng. Nguy hiểm hơn là ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có những biểu hiện gần giống, dễ gây nhầm lẫn với viêm cổ tử cung, bệnh nhân thường chủ quan, không điều trị hoặc điều trị không đúng cách làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Phân biệt ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu với viêm cổ tử cung Phân biệt ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu với viêm cổ tử cung

Vậy làm sao để phân biệt ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu với viêm cổ tử cung. Hãy tham khảo bài viết sau!

1. Phân biệt ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu với viêm cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến hay gặp nhất ở nữ giới. Căn nguyên do những tế bào ở cổ tử cung phát triển quá mức kiểm soát của cơ thể, gây nên những khối u ác tính. Trong giai đoạn đầu, bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm cổ tử cung (là tình trạng sưng và viêm ở ống cổ tử cung do nhiễm khuẩn, nấm hay kí sinh trùng gây nên) do có một vài triệu chứng giống nhau như: Khí hư ra nhiều, đau âm đạo (nhất là lúc trong và sau khi quan hệ), ra máu bất thường không phải chu kỳ kinh nguyệt, đau vùng xương chậu, khó chịu khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt...

Không phải tự nhiên mà nhiều người nhầm lẫn vì bản chất, nếu viêm cổ tử cung lâu mà người bệnh không được điều trị kịp thời thì nguy cơ biến chứng thành ung thư cổ tử cung rất cao. Vì vậy, bạn cần hết sức cẩn thận khi có những dấu hiệu bất thường trên, tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

vicare.vn-phan-biet-ung-thu-co-tu-cung-giai-doan-dau-voi-viem-co-tu-cung-body-1

Ngoài những biểu hiện gần giống nhau giữa ung thư cổ tử cung và viêm cổ tử cung, bạn có thể dựa vào một số biểu hiện sau để phân biệt hai bệnh:

  • Ung thư cổ tử cung ra máu bất thường, màu đỏ tươi: Khi khối u phát triển lớn, chèn ép các mô lân cận xung quanh, tạo ra các mạch máu mới dễ vỡ. Biểu hiện thường gặp là chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ, máu thường ít, có màu đỏ tươi, xuất hiện trong thời gian ngắn, có rồi ngưng rồi lại lặp lại. Khác so với bệnh viêm cổ tử cung, máu chảy thường có màu đen, nâu hoặc sẫm màu, có lẫn nhày hoặc mủ là dịch tiết tại nơi viêm sinh ra.
  • Ung thư cổ tử cung khí hư tăng nhiều, có màu hồng, nâu, đôi khi lẫn mảnh mô hoặc chất hoại. Khác với triệu chứng khí hư tăng tiết trường hợp viêm cổ tử cung, khí hư thường có màu vàng, xanh, nâu kèm theo mùi hôi tanh khó chịu.
  • Giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung, bệnh nhân thường đau âm ỉ âm đạo, đau lan tỏa sang vùng xương chậu, lưng và chân, lâu dần đau có thể lan tỏa tới ruột, phổi, gan do tế bào ung thư có khả năng di căn. Trong khi đó, đau do viêm cổ tử cung không có tính chất lan tỏa, đau khu trú, kèm theo ngứa ngáy, khó chịu vùng âm đạo, đầy chướng bụng.
  • Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung sẽ xuất hiện những dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư nói chung như mệt mỏi nhiều, sụt cân nhanh không có lý do, luôn cảm thấy buồn nôn và nôn mà bệnh viêm cổ tử cung không có. Nguyên nhân do sự sinh sôi quá mức của các tế bào tạo u nhú làm chèn ép lên dạ dày và đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân khó chịu khi ăn uống, giảm hấp thu, hay bị trào ngược dịch vị,...gây nôn. Tình trạng kéo dài gây cạn kiệt dinh dưỡng và suy nhược cơ thể, thông thường, bệnh nhân bị giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng.
vicare.vn-phan-biet-ung-thu-co-tu-cung-giai-doan-dau-voi-viem-co-tu-cung-body-2

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Virut HPV là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 99% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Virut lây lan qua đường tình dục, chỉ cần qua tiếp xúc ngoài da tại bộ phận sinh dục, vì vậy, bệnh nhân đang có quan hệ tình dục có nguy cơ rất cao mắc bệnh.Theo bác sĩ Lê Văn Hiền, tổng thư kí Hội phụ sản Thành phố Hồ Chí Minh, việc tầm soát giúp phát hiện bệnh sớm, ngăn chặn tiến trình và hạn chế biến chứng của bệnh. Hiện có các phương pháp tầm soát được sử dụng phổ biến hiện nay là:

  • Phết tế bào cổ tử cung: Phát hiện những tế bào bất thường trên bề mặt cổ tử cung. Phương pháp thực hiện đơn giản, nhanh chóng, không đau, tuy nhiên tỷ lệ âm tính giả khá cao và không phát hiện được những tế bào ung thư biểu mô tuyến.
vicare.vn-phan-biet-ung-thu-co-tu-cung-giai-doan-dau-voi-viem-co-tu-cung-body-3
  • Xét nghiệm tìm HPV: vì đây là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với phết tế bào cổ tử cung cho kết quả đáng tin cậy hơn.
  • Soi cổ tử cung: Dùng để chẩn đoán phân biệt, kèm sinh thiết.

Cần hiểu đúng về mức độ quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát khi 21 tuổi, mỗi 3 năm 1 lần. Nếu phát hiện sớm , bệnh có thể điều trị được.

3. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn đầu

Khác với các loại khác, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng việc tiêm phòng vắc-xin HPV. Nên tiêm khi ở độ tuổi 9-26 tuổi và chưa có quan hệ tình dục thì hiệu quả phòng ngừa đạt tốt nhất. Tuy nhiên, phụ nữ ngoài 40 và đã có quan hệ vẫn có thể tiêm dự phòng nhưng hiệu quả giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, bạn có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng các biện pháp sau:

  • Không quan hệ tình dục quá sớm: Quan hệ trong giai đoạn vị thành niên làm tăng nguy cơ lây lan virut HPV bởi lúc này, các cơ quan sinh dục đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong và sau chu kỳ kinh nguyệt, sau mỗi lần quan hệ tình dục. Tránh mặc đồ lót ướt, ẩm, nóng.
  • Nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu vitamin và các chất chống oxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng, stress,... tăng cường vận động, thể dục thể thao.

Khám phụ khoa định kỳ, để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh liên quan tới đường sinh dục.

Xem thêm:

  • Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau hay không?
  • Cách tránh lây nhiễm virus HPV gây ung thư cổ tử cung
  • 10 dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung chị em hay bỏ qua