Phân biệt ung thư bạch cầu và ung thư bạch huyết
Ung thư là một trong số những căn bệnh đáng sợ nhất. Ung thư có thể ảnh hưởng đến gần như tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả máu. Bệnh bạch cầu và ung thư bạch huyết là hai loại ung thư máu khá phổ biến. Cùng phân biệt hai căn bệnh ung thư qua các dấu hiệu sau đây.
Phân biệt ung thư bạch cầu và ung thư bạch huyết
Nguồn gốc bệnh ung thư bạch cầu và ung thư bạch huyết
Cả bệnh bạch cầu và ung thư bạch huyết đều là bệnh của tế bào bạch cầu.
Trong bệnh bạch cầu, tủy xương sản xuất ra quá nhiều tế bào bạch cầu, đồng thời các bạch cầu này không lão hóa và chết đi theo cách thông thường. Thay vào đó, các tế bào này tiếp tục phân chia và cuối cùng, có số lượng nhiều hơn cả tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Bệnh bạch cầu thường bắt đầu xuất phát từ các hạch bạch huyết.
Ung thư bạch huyết cũng thường bắt đầu từ các hạch bạch huyết. Đó là các mô nhỏ giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Một số loại ung thư bạch huyết có thể xảy ra do sự lan truyền của các tế bào bạch cầu bất thường đến những phần khác trên cơ thể.
Các loại bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Các trường hợp cấp tính sẽ làm cho tình trạng ung thư lan nhanh hơn. Bệnh bạch cầu mãn tính là dạng phổ biến hơn, phát triển chậm hơn ở giai đoạn đầu.
Có bốn loại bệnh bạch cầu chính, được phân chia dựa vào tỷ lệ phát triển và nguồn gốc tế bào ung thư. Bao gồm:
- Bệnh bạch cầu cấp tính thể tủy
- Bệnh bạch cầu mãn tính thể tủy
- Bệnh bạch cầu cấp tính thể lympho
- Bệnh bạch cầu mãn tính thể lympho.
Triệu chứng của bệnh ung thư bạch cầu
Bệnh bạch cầu là một bệnh thường phát triển rất chậm, bởi vậy bạn có thể không cảm thấy các triệu chứng bệnh ngay lập tức. Theo thời gian, ảnh hưởng của việc có quá nhiều tế bào bạch cầu dư thừa cùng với việc suy giảm số lượng tế bào hồng cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ thể. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Dễ bị bầm tím.
- Chảy máu.
- Mệt mỏi quá mức.
- Vã mồ hôi vào ban đêm và sốt.
- Tăng các tình trạng nhiễm trùng của cơ thể.
- Đau đầu.
Các lựa chọn điều trị bệnh bạch cầu
Điều trị bệnh bạch cầu sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh vào thời điểm chẩn đoán. Nếu bệnh tiến triển chậm, bác sỹ sẽ dùng cách tiếp cận “theo dõi và chờ đợi”. Đây là cách tiếp cận chủ yếu trong bệnh bạch cầu mãn tính thể lympho và thường không có triệu chứng.
Điều trị để ngăn chặn việc hình thành các tế bào bất thường trong máu và trong các hạch bạch huyết bao gồm:
- Hóa trị.
- Xạ trị.
- Cấy tế bào gốc.
- Trị liệu đích (dùng thuốc để ngặn chặn việc phát triển các tế bào bất thường).
Ung thư bạch huyết dạng Hodgkin và không Hodgkin
Không giống như bệnh bạch cầu, ung thư bạch huyết thường chỉ ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết. Các loại ung thư bạch huyết phụ thuộc vào nguồn gốc của tế bào ung thư. Một số trường hợp bệnh sẽ bắt đầu từ hệ bạch huyết, trong khi một số trường hợp khác bệnh lại bắt đầu ở tế bào bạch cầu giống như trong bệnh bạch cầu thể tủy.
Loại ung thư này còn được gọi là ung thư bạch huyết dạng không Hodgkin. Bệnh xảy ra khi tế bào T hoặc tế bào B bên trong bạch cầu trở nên bất thường. Trái lại, ung thư bạch huyết dạng Hodgkin sẽ thường bắt đầu bằng việc phì đại một hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh sẽ lan ra các hạch bạch huyết khác và thậm chí đến các cơ quan khác trong cơ thể (ví dụ như lan vào phổi). Ung thư bạch huyết dạng Hodgkin không phổ biến như dạng không Hodgkin.
Dấu hiệu của ung thư bạch huyết
Dấu hiệu sẽ phụ thuộc vào việc bạn bị ung thư dạng Hodgkin hay không Hodgkin.
Dạng Hodgkin có thể gây ra các dấu hiệu:
- Sưng nhưng không đau các hạch bạch huyết.
- Không thấy ngon miệng và sụt cân.
- Ngứa ngoài da.
- Sốt và vã mồ hôi ban đêm.
Ung thư bạch huyết dạng không Hodgkin có thể gây ra những triệu chứng tương tự, nhưng cũng có thể bao gồm thêm các triệu chứng sau:
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Sưng, đau bất thường.
- Mệt mỏi quá mức.
Điều trị ung thư bạch huyết
Giống như bệnh bạch cầu, điều trị ung thư bạch huyết phụ thuộc vào mức độ bệnh của bạn.
Trong dạng Hodgkin, các tế bào ung thư thường dễ điều trị hơn bởi chúng vẫn còn nằm trong các hạch bạch huyết. Hóa trị và xạ trị là hai cách điều trị phổ biến nhất cho ung thư dạng này.
Hai phương pháp này cũng được dùng để điều trị dạng không Hodgkin nhưng với dạng này cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị như với bệnh bạch cầu. Ví dụ, một bác sỹ chuyên khoa ung thư có thể sử dụng phương pháp trị liệu đích để trực tiếp ngăn chặn tế bào bạch cầu để chúng không trở thành bất thường.
Ung thư bạch cầu và ung thư bạch huyết là hai căn bệnh ung thư máu đáng lo ngại với số lượng bệnh nhân ngày một tăng mạnh. Bởi vậy cần nhân biết các triệu chứng sớm để điều trị kịp thời.
Theo VietNamNet