Nỗi khổ khó nói của những phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh phụ khoa
Cụ bà 91 tuổi được người thân đưa tới Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng bí tiểu, sốt cao và lạnh run. Gia đình nghĩ bệnh tình cụ bà là do lớn tuổi và sinh đẻ nhiều, tuy nhiên, theo TS BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu, qua thăm khám, người bệnh được xác định bị khối sa sinh dục (sa bàng quang và tử cung) trên 10 năm nay.
Nỗi khổ khó nói của những phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh phụ khoa
Cụ bà 91 tuổi được người thân đưa tới Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng bí tiểu, sốt cao và lạnh run.
Gia đình nghĩ bệnh tình cụ bà là do lớn tuổi và sinh đẻ nhiều, tuy nhiên, theo TS BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu, qua thăm khám, người bệnh được xác định bị khối sa sinh dục (sa bàng quang và tử cung) trên 10 năm nay.
Khối sa kéo rớt tử cung và bàng quang ra xa khỏi âm hộ làm cho cụ không dám đi lại mà chỉ giới hạn mọi sinh hoạt quanh giường của mình. Thỉnh thoảng khối sa bị trầy xước, lở loét, chảy dịch làm cho người bệnh rất khổ sở.
Gần đây do khối sa diễn tiến ngày càng nặng nên người bệnh không thể tiểu được. Nước tiểu tồn đọng lâu ngày trong bàng quang gây nhiễm khuẩn niệu rất nặng khi nhập viện.
Cụ bà được điều trị hết nhiễm trùng đường tiểu, sau đó bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi ổ bụng để khâu treo khối sa sinh dục. Ngay sau mổ, người bệnh đã đi lại thoải mái, không phải nằm 1 chỗ như 10 năm qua.
TS BS Nguyễn Hoàng Đức cho hay, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 50 - 60 ca sa sinh dục có chỉ định phẫu thuật.
Sa sinh dục (hay còn gọi sa các cơ quan vùng chậu) là tình trạng bàng quang, tử cung, trực tràng bị sa ra khỏi âm hộ. Bệnh lý có thể ảnh hưởng đến 41% phụ nữ trên 60 tuổi.
Nguyên nhân của sa sinh dục là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hoá, "nhão ra" nên không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí giải phẫu của các cơ quan đó.
Giai đoạn sớm, người bệnh thấy có khối phồng ở vùng âm hộ, khối phồng xuất hiện không thường xuyên, chỉ thấy khi ngồi xổm, đi cầu. Càng ngày khối phồng vùng âm hộ càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Đến khi tình trạng thật nặng thì khối sa thường trực nằm ở ngoài âm hộ không đẩy vào trong âm đạo được nữa.
Ở giai đoạn sớm khi các cơ quan vùng chậu mới sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu.
Ở giai đoạn muộn, điều trị tốt nhất là phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Phẫu thuật có thể tiến hành qua ngã âm đạo hoặc qua ngã nội soi ổ bụng.
Phẫu thuật viên sẽ dùng các mảnh vật liệu sinh học để thay thế các dây chằng đã bị lão hoá.
"Để phòng ngừa sớm bệnh sa sinh dục, phụ nữ cần hạn chế táo bón, hạn chế các bài tập thể dục làm tăng áp lực trong ổ bụng, giảm cân, tránh béo phì. Khi mới bị sa sinh dục phải đi khám với bác sĩ chuyên khoa để điều trị thích hợp, tránh diễn tiến nặng hơn, phải phẫu thuật" - BS Hoàng Đức khuyến cáo.
Theo Vietnamnet
Xem thêm:
- Lợi và hại khi người già dùng thực phẩm chức năng
- Tam giác mạch vị thuốc dành cho người giàu
- Thuốc điều trị bệnh mất trí nhớ ở người già?