Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt ?
Thông thường, mỗi một tháng các bạn nữ sẽ có kinh nguyệt một lần, hiện tượng này là do sự bong tróc của niêm mạc tử cung gây chảy máu. Niêm mạc tử cung sẽ thay đổi liên tục trong suốt chu kỳ kinh, mà không phải chị em nào cũng biết đến hiện tượng này. Vậy niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt?
Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt ?
Các bạn nữ đến tuổi dậy thì sẽ bắt đầu có kinh nguyệt với biểu hiện ra máu âm đạo trong một vài ngày. Thông thường, mỗi một tháng các bạn nữ sẽ có kinh nguyệt một lần, hiện tượng này là do sự bong tróc của niêm mạc tử cung gây chảy máu. Niêm mạc tử cung sẽ thay đổi liên tục trong suốt chu kỳ kinh, mà không phải chị em nào cũng biết đến hiện tượng này. Vậy niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt?
Kinh nguyệt là gì?
Trước khi đi tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt, chúng ta cùng tìm hiểu xem kinh nguyệt là gì? Và cần biết chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào.
Phía bên trong lòng tử cung có một lớp niêm mạc bao phủ còn được gọi là nội mạc tử cung. Mỗi tháng, dưới tác dụng của các loại hormon sinh dục nữ, niêm mạc tử cung sẽ phát triển dày lên để chuẩn bị sẵn sàng đón nhận trứng đã được thụ tinh vào làm tổ. Trong trường hợp trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra gây chảy máu ra ngoài âm đạo gọi là hành kinh.
Thông thường, mỗi tháng chị em phụ nữ sẽ hành kinh một lần nên được gọi là kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt được tính là khoảng thời gian từ ngày đầu tiên ra máu của chu kỳ kinh nguyệt này cho tới ngày đầu tiên ra máu của chu kỳ tiếp theo.
Chu kỳ kinh nguyệt có mấy giai đoạn?
Mỗi một chu kỳ kinh nguyệt đều lặp lại một quá trình tương tự nhau gồm có 02 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn trước rụng trứng: đây là giai đoạn đầu của mỗi chu kỳ kinh. Ở giai đoạn này, niêm mạc tử cung chịu ảnh hưởng của hormon Estrogen - một loại nội tiết tố nữ - do nang trứng tiết ra, vì vậy còn được gọi là giai đoạn trứng hay giai đoạn Estrogen. Giai đoạn này bắt đầu từ khi hành kinh cho đến khi rụng trứng, thông thường khoảng 14 ngày.
- Giai đoạn sau rụng trứng: giai đoạn này niêm mạc tử cung chịu ảnh hưởng của hormon Progesteron - một loại nội tiết tố nữ - do hoàng thể tiết ra. Hoàng thể chính là phần còn lại sau khi nang trứng phóng thích trứng ra ngoài buồng trứng. Chính vì vậy giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn hoàng thể hay giai đoạn Progesteron. Giai đoạn sau rụng trứng bắt đầu từ khi trứng rụng cho đến ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ tiếp theo.
Như vậy niêm mạc tử cung sẽ thay đổi liên tục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt dưới tác dụng của hormon Estrogen và Progesteron.
Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt?
Để biết được niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh nguyệt, chúng ta cùng tìm hiểu sự thay đổi của niêm mạc tử cung theo chu kỳ kinh nguyệt.
Sự thay đổi của niêm mạc tử cung nói riêng và sự thay đổi của tử cung là kết quả của sự thay đổi trong buồng trứng và theo các giai đoạn trước và sau khi rụng trứng. Tuy nhiên sự thay đổi ở tử cung có thêm một giai đoạn ngắn thứ ba. Giai đoạn này kéo dài một vài ngày khi tất cả những thay đổi được loại bỏ trước khi hành kinh.
Giai đoạn 1
- Sau khi hành kinh, niêm mạc tử cung bong gần hết, chỉ còn lại một lớp mỏng của mô đệm và một ít các tế bào biểu mô nằm ở đáy của các tuyến.
- Các thành phần trên sẽ tăng sinh nhanh chóng dưới tác dụng của hormon Estrogen.
- Bề mặt của niêm mạc tử cung sẽ được biểu mô hóa lại trong 4 - 7 ngày sau khi hành kinh.
- Niêm mạc tử cung sẽ dày dần lên, các tuyến tại đây cũng dài ra cùng với sự phát triển của mạch máu.
- Cuối giai đoạn 1, niêm mạc tử cung dày khoảng 3 - 4mm.
Giai đoạn 2
- Ở giai đoạn này, niêm mạc tử cung chịu thêm ảnh hưởng từ hormon Progesteron cùng với hormon Estrogen nên nội mạc tử cung dày lên nhanh chóng và bài tiết dịch.
- Các tuyến ở niêm mạc tử cung dài ra, cong queo và chứa đầy các chất tiết.
- Các mạch máu ở đây phát triển và xoắn lại cung cấp máu cho niêm mạc tử cung phát triển.
- Sau khi phóng noãn 01 tuần, niêm mạc tử cung có độ dày khoảng 5 - 6mm, và vẫn tiếp tục tăng kích thước lên cho đến khi hành kinh.
Giai đoạn 3
- Vào khoảng 02 ngày cuối của chu kỳ, khi trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ bị thoái hóa.
- Cùng với sự thoái hóa của hoàng thể, nồng độ hormon Estrogen và Progesteron sẽ sụt giảm một cách đột ngột đến mức rất thấp.
- Lượng máu cung cấp cho niêm mạc tử cung ngừng lại khiến cho chúng teo đi giống như lớp vảy trên một vết thương.
- Lúc này lớp niêm mạc tử cung sẽ dày nhất trong chu kỳ kinh nguyệt, thường là 12 - 15mm.
- Sau một vài ngày, toàn bộ lớp niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra, dưới tác dụng co bóp của tử cung, niêm mạc tử cung bị đẩy ra ngoài cùng với một ít chất dịch lẫn máu. Đây chính là hiện tượng hành kinh, thường kéo dài khoảng 3 - 5 ngày.
Như vậy sau khi hành kinh, niêm mạc tử cung sẽ mỏng nhất sau đó dưới tác dụng của các hormon sinh dục nữ, niêm mạc tử cung cùng với các tuyến và mạch máu tại đây phát triển, tăng dần kích thước. Ở cuối chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung phát triển tối đa và có độ dày khoảng 12 - 16mm thì có kinh nguyệt, hay còn gọi là hành kinh.
Xem thêm:
- Độ dày niêm mạc tử cung 7mm là mỏng hay dày?
- Phụ nữ mãn kinh cần cảnh giác với ung thư niêm mạc tử cung
- 4 nguyên nhân gây ra tình trạng niêm mạc tử cung mỏng