Những triệu chứng bé bị dị ứng thời tiết mà mẹ cần nắm rõ
Dị ứng thời tiết là 1 loại bệnh rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu nên là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh thường gặp vào giai đoạn chuyển mùa, tuy không nguy hiểm nhưng lại gây cảm giác khó chịu cho bé. Do đó, khi trẻ bị dị ứng thời tiết, bố mẹ cần lưu ý nhiều hơn và theo dõi sát sao tình trạng của bé.
Những triệu chứng bé bị dị ứng thời tiết mà mẹ cần nắm rõ
1. Nguyên nhân trẻ bị dị ứng thời tiết
Dị ứng là một phản ứng của cơ thể khi gặp các tác động từ bên ngoài. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi khiến da của trẻ dãn nở thất thường gây kích ứng. Nhất là khi trời se lạnh khiến da quá khô, dễ bị ngứa, càng gãi thì da càng bị dị ứng và sưng tấy.
2. Trẻ bị dị ứng thời tiết có triệu chứng gì?
- Trẻ hắt hơi nhiều lần: Đây là dấu hiệu cho thấy dị ứng sắp bùng phát. Nếu con bạn hắt hơi rất nhiều nhưng không có triệu chứng cảm lạnh, có thể bé đã bị dị ứng. Bố mẹ nên theo dõi dấu hiệu này để thông báo rõ cho bác sĩ tình hình hơn.
- Trẻ bị phát ban: Phát ban ở da có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu điển hình của chứng dị ứng gây ra. Thực phẩm thường là “thủ phạm” gây ra dị ứng nhưng không thể loại trừ khả năng do thời tiết. Trong trường hợp này, mẹ nên theo dõi hiện tượng phát ban của bé có kèm theo ngứa không? Chờ khoảng 1 – 2 ngày xem tình trạng có đỡ hơn không rồi hãy gặp đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
- Dụi mũi, sổ mũi: Nếu bé bị dị ứng với thời tiết sẽ có nhiều khả năng bé sụt sịt, chảy nước mũi và bé hay lấy tay dụi mũi. Đối với những trẻ bị sổ mũi mãn tính thì tình trạng này càng trầm trọng hơn. Chảy nước mũi sẽ xuất hiện trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng.
- Trẻ bị ốm: Những trẻ bị dị ứng thường có xu hướng yếu đi rất nhiều và khiến trẻ bị ốm. Các bệnh nhiễm trùng dễ xuất hiện do các bé khi bị dị ứng thường xuất ra nhiều chất nhầy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ xuất hiện các cơn cảm lạnh kéo dài cũng như mắc một số bệnh viêm đường hô hấp cấp tính.
3. Bé bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Dị ứng thời tiết ở trẻ không có cách chữa trị tận gốc, triệt để, tuy nhiên vẫn có 1 vài phương pháp giúp làm giảm tình trạng bệnh cho trẻ như sau:
- Khi thấy da của bé bị dị ứng, mẩn ngứa thì mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không để bé gãi hay chà xát mạnh ở chỗ ngứa để tránh bị nhiễm trùng.
- Tắm rửa cho trẻ hàng ngày. Ngâm vùng da bị dị ứng nặng trong nước ấm 15 – 20 phút, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Sau đó mẹ hãy chú ý lau khô nhanh cho bé và ngay lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Ngâm da 1 – 3 lần/ngày tùy độ nặng của bệnh.
- Bôi chất làm ẩm phù hợp lên da bé để duy trì độ ẩm cho da sau khi tắm. Trong thời tiết hanh khô thì mẹ nên chọn loại thuốc mỡ vì thành phần có ít tá dược và có tác dụng kết dính nhiều hơn.
- Bố mẹ hãy cố gắng duy trì giấc ngủ bình thường và ổn định tâm lý trẻ vì stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến thói quen gãi ngứa ở trẻ.
- Cắt móng tay cho trẻ, mang bao tay, tất ban đêm để tránh tổn thương da do gãi ngứa.
- Tăng cường cho bé uống nước và ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng.
- Nên chọn cho trẻ những bộ quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để tránh việc các vết mẩn ngứa bị hầm bí càng lâu lành hơn.
- Tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn gây dị ứng. Không cho trẻ chơi dưới đất, không chơi với chó mèo hay thú nhồi bông.
- Hạn chế tối đa việc tự ý cho trẻ uống thuốc hay không tuân thủ chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ bị dị ứng kèm theo những dấu hiệu bất thường như sốt, trẻ ho lâu ngày không khỏi, sổ mũi nhiều thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị.
4. Trẻ bị dị ứng cần kiêng gì?
Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mẹ cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống của trẻ và phải kiêng kỵ những thực phẩm giàu protein, nhất là sữa. Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên cho bé ăn các thực phẩm béo, cay, nóng và thủy sản trong giai đoạn cấp tính và mạn tính vì các thực phẩm này sẽ làm bệnh nặng hơn. Không được cho trẻ ăn thức ăn nguội lạnh bởi chúng dễ làm tổn thương tì vị và hàn thấp, từ đó máu lưu thông không tốt. Mẹ không chỉ kiêng cho bé trong thời gian phát bệnh mà nên kiêng ngay cả khi bệnh đã ổn định để tránh tình trạng tái phát lại.
5. Cách phòng tránh dị ứng thời tiết cho trẻ
- Điều quan trọng nhất để phòng tránh dị ứng thời tiết cho trẻ là giữ sức khỏe cho bé khi thời tiết thay đổi đột ngột. Bố mẹ cần giữ ấm cho con khi thời tiết lạnh. Khi đi ra ngoài cần mặc quần áo dài tay, đội mũ nón, tránh cho trẻ đi mưa,...
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh như cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu...
- Thường xem dự báo thời tiết để có biện pháp thích hợp bảo vệ sức khỏe cho bé.
Chỉ cần bố mẹ chú ý phát hiện sớm dấu hiệu trẻ bị dị ứng thời tiết, điều trị đúng cách, trẻ sẽ mau lành bệnh và phục hồi nhanh chóng.
Xem thêm:
- Dị ứng thời tiết: các triệu chứng và cách điều trị
- Bị dị ứng thời tiết phải làm sao?